Đa phần người nuôi tôm ở Sóc Trăng đã thế chấp sổ đỏ tại ngân hàng

Bình luận · 207 Lượt xem

Sở NN-PTNT Sóc Trăng sẽ tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ xem xét tái cấu trúc vốn vay nuôi trồng thủy sản, giúp người nuôi tôm tiếp cận tín dụng lãi suất thấp.

Sóc Trăng là địa phương có thế mạnh về khai thác, nuôi trồng thủy sản, vì thế việc đẩy mạnh phát triển các mô hình kinh tế tập thể là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành nông nghiệp tỉnh. Nhất là, việc thành lập các HTX, Tổ hợp tác (HTX, THT) được xem là nhiệm vụ bức thiết, trong bối cảnh phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững. Nội dung này được hiện thực hóa khi tỉnh Sóc Trăng bắt tay vào triển khai đề án nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu của HTX nông nghiệp vùng ĐBSCL giai đoạn 2021 – 2025. 

Sóc Trăng là một trong những địa phương ở ĐBSCL có thế mạnh về khai thác, nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi tôm nước lợ. Ảnh: Kiều Trang.

Sóc Trăng là một trong những địa phương ở ĐBSCL có thế mạnh về khai thác, nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi tôm nước lợ. Ảnh: Kiều Trang.

Tại cuộc tọa đàm với chủ đề “Thách thức trong phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác thủy sản ở ĐBSCL” do Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức, ông Lê Văn Đáng - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng băn khoăn khi hiện nay phần lớn các HTX trên địa bàn tỉnh hoạt động với quy mô nhỏ lẻ manh mún, không liền canh liền cư. Thực tế, xen kẽ những mô hình sản xuất thủy sản vẫn còn các mô hình nông nghiệp khác dẫn đến việc đầu tư hệ thống cấp thoát nước, cơ sở hạ tầng vẫn đang là vấn đề nan giải. 

Thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng, trên địa bàn tỉnh hiện có 30 HTX và 194 THT đăng ký hoạt động trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản nhưng diện tích chỉ vài trăm hecta, so với quy mô khoảng 4.500ha nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh, con số này vẫn rất khiêm tốn.

Bên cạnh đó, nhiều HTX, THT vận hành chưa hiệu quả do trình độ năng lực bộ máy quản lý còn hạn chế bởi đa phần các lãnh đạo HTX xuất thân từ nông dân, có tuổi đời cao. Nhiều HTX dù đã xây dựng phương án sản xuất kinh doanh nhưng lại chưa phù hợp với thực tế, nên khi tổ chức thực hiện không đạt kế hoạch đề ra.

Ông Lê Văn Đáng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng băn khoăn, khi hiện nay phần lớn các HTX trên địa bàn tỉnh hoạt động với quy mô nhỏ lẻ manh mún, không liền canh liền cư. Ảnh: Kiều Trang.

Ông Lê Văn Đáng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng băn khoăn, khi hiện nay phần lớn các HTX trên địa bàn tỉnh hoạt động với quy mô nhỏ lẻ manh mún, không liền canh liền cư. Ảnh: Kiều Trang.

Ông Đáng cho rằng, để khắc phục những khó khăn còn tồn tại và từng bước nhân rộng mô hình kinh tế tập thể, ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng đã chủ động phối hợp cùng các đơn vị chuyên môn và địa phương thực hiện tuyên truyền vận động người nuôi tôm tham gia các tổ chức HTX, THT. Đồng thời, xây dựng nhiều chương trình, dự án, đề án nâng cao năng lực hoạt động của các tổ chức tập thể. 

Chi cục Phát triển nông thôn là đơn vị trực tiếp thực hiện tư vấn các thủ tục thành lập, đăng ký tổ chức HTX và các quy trình pháp luật liên quan. Hỗ trợ xây dựng phương án sản xuất kinh doanh phù hợp với điều kiện thực tế của từng HTX. 

Sau khi HTX được thành lập, Sở NN-PTNT tỉnh cũng thường xuyên tổ chức đào tạo, nâng cao năng lực lãnh đạo cho các thành viên hội đồng quản trị. Hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng, ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ mới vào sản xuất, chú trọng tuyển dụng lao động trẻ. Kết quả bước đầu trong năm 2023, tỉnh đã hỗ trợ 30 HTX tuyển chọn lao động trẻ có trình độ chuyên môn từ cao đẳng đến đại học về làm việc.

Ngoài ra, thông qua các hội nghị xúc tiến thương mại, hội chợ trong và ngoài tỉnh, ngành nông nghiệp cũng tạo điều kiện để các HTX tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm.

Ông Đáng nhận định, đây là hoạt động mang lại hiệu quả thiết thực cho hoạt động truyền thông, quảng bá sản phẩm của các HTX.

Liên quan đến vấn đề tiếp cận nguồn vốn của các HTX, ông Đáng đánh giá đây là vấn đề còn nhiều khó khăn và nhận được sự quan tâm của nhiều HTX. Hiện UBND tỉnh Sóc Trăng đã chỉ đạo cho Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh tiếp tục thực hiện tốt chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn theo tinh thần Nghị định 55/2015/NĐ-CP và sửa đổi bổ sung theo Nghị định 116/2018/NĐ-CP giúp người nuôi tôm tháo gỡ khó khăn do thiếu vốn nuôi thuỷ sản.

Thời gian qua, ngành nông nghiệp Sóc Trăng thường xuyên tổ chức đào tạo nâng cao năng lực cho HTX. Ảnh: Kiều Trang.

Thời gian qua, ngành nông nghiệp Sóc Trăng thường xuyên tổ chức đào tạo nâng cao năng lực cho HTX. Ảnh: Kiều Trang.

Tuy nhiên, theo quy định, người vay vốn phải có tài sản thế chấp như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trong khi đó, đa phần người nuôi tôm đều đã tham gia vay thế chấp nên muốn tiếp tục vay, các hộ nuôi buộc phải hoàn thành trả các khoản nợ trước đó. Đồng thời, có tài sản đảm bảo nguồn vay, như vậy mới đảm bảo đủ điều kiện giải ngân từ phía ngân hàng.

Trước thực tế đó, thời gian tới, Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng sẽ tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ xem xét tái cấu trúc lại nguồn vốn vay trong nuôi trồng thủy sản nhằm hỗ trợ bà con vay vốn ưu đãi với lãi suất thấp. Trong thời gian chờ chính sách hỗ trợ, ngành nông nghiệp tỉnh khuyến nghị các hộ nuôi tôm nên linh hoạt liên kết để có nguồn vốn sản xuất ổn định, chọn những sản phẩm đầu vào có chất lượng, giá thành hợp lý. 

Bình luận