Chăn nuôi trâu, bò hàng hóa an toàn sinh học

Bình luận · 202 Lượt xem

Chăn nuôi trâu, bò theo hướng an toàn sinh học giúp đàn trâu, bò của nông dân ở xã Phù Lưu khỏe mạnh, ít dịch bệnh và mang lại giá trị kinh tế cao.

 

Gia đình ông Đỗ Bình Tĩnh, thôn Soi Thành, xã Phù Lưu, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang luôn duy trì chăn nuôi trâu, bò sinh sản và vỗ béo hàng chục năm nay. Từ nuôi trâu bò vỗ béo, mỗi năm ông bán ra thị trường khoảng 40 con trâu, bò.

 

Để có kỹ thuật chăn nuôi, trong quá trình chăn nuôi ông Tĩnh thường xuyên phối hợp với cán bộ chuyên môn để được tư vấn, hỗ trợ về kỹ thuật trồng cỏ, ủ chua thức ăn, phòng chống dịch bệnh. Vì vậy gia súc của gia đình ông Tĩnh luôn phát triển tốt, không có dịch bệnh xảy ra.

 

Ông Đỗ Bình Tĩnh, thôn Soi Thành, xã Phù Lưu, huyện Hàm Yên, Tuyên Quang cho biết, qua quá trình tập huấn, chuyển giao của khuyến nông, gia đình ông thực hiện thụ tinh nhân tạo bò giống bò 3B. Con bò được lai tạo lớn nhanh, khỏe mạnh, thể trạng cao lớn.

 

Hiện nay, trung bình mỗi năm gia đình ông Tĩnh bán ra thị trường khoảng 40 con trâu, bò. Ông Tĩnh cũng nuôi dưỡng dự định sẽ mở rộng quy mô chuồng nuôi và liên kết với các hộ trong thôn để nhân rộng mô hình chăn nuôi an toàn sinh học tại địa phương.

 

Thúc đẩy ngành chăn nuôi của địa phương phát triển, chính quyền xã Phu Lưu vận động, hướng dẫn người dân tận dụng các loại quỹ đất để đẩy mạnh trồng cây thức ăn, chăn nuôi trang trại, gia trại, bảo đảm vệ sinh môi trường và an toàn dịch bệnh. Cùng với đó thực hiện tốt các cơ chế chính sách hỗ trợ của tỉnh về phát triển sản xuất hàng hóa.

 

Với khoảng 15 con trâu, bò thường xuyên duy trì trong chuồng nuôi, đã giúp gia đình ông Tạ Văn Hải, xã Phù Lưu thường xuyên có nguồn thu ổn định. Ông Hải cho biết, các việc lớn của gia đình ông như làm nhà, nuôi con ăn học đều từ chăn nuôi trâu, bò mà ra.

 

Biết được tầm quan trọng ấy, nên khi cán bộ hướng dẫn biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học ông hăng hái tham gia. Giờ đây, từ việc vệ sinh chuồng trại, nước uống, chăm sóc thú y, nguồn thức ăn đầu vào và xử lý chất thải cho đàn vật nuôi ông đều cẩn trọng chú ý. Tới đây ông Hải dự định sẽ mở rộng diện tích trồng cỏ của gia đình và cũng nuôi thêm trâu, bò để nâng tổng đàn lên khoảng 20 con.

 

Hiện nay, trên địa bàn xã Phù Lưu, huyện Hàm Yên có khoảng 10 hộ chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học quy mô lớn. Các hộ chăn nuôi này cũng biết liên kết với thương lái và các HTX trong và ngoài tỉnh để tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo giá trị kinh tế của đàn vật nuôi.

 

Ông Đỗ Đình Quý, Phó Chủ tịch UBND xã Phù Lưu, huyện Hàm Yên cho biết, ngoài việc trồng cây cam, cây chanh và các cây trồng ăn quả, UBND xã đã tuyên truyền, vận động các hộ gia đình thực hiện việc chăn nuôi, trong đó có đàn trâu, đàn bò. Đây cũng là một trong những nguồn thu và thế mạnh trên địa bàn xã đã đem lại hiệu quả kinh tế nâng cao thu nhập cho các hộ gia đình trên địa bàn xã.

 

Việc đẩy mạnh phát triển chăn nuôi an toàn sinh học đã làm thay đổi nhận thức của nông dân ở xã Phù Lưu, huyện Hàm Yên từ chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất hàng hóa, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

 

Người chăn nuôi không chỉ kiểm soát tốt công tác thú y mà chế độ dinh dưỡng cũng như lứa tuổi của đàn vật nuôi cũng được ghi chép đầy đủ. Ngành chăn nuôi phát triển cũng đóng góp tích cực trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, ổn định cuộc sống cho người dân địa phương.

 

Đào Thanh

 

Bình luận