Xử phạt hành chính mạnh tay trong lĩnh vực thủy sản

Bình luận · 277 Lượt xem

Làm việc với đại diện Bộ Tư pháp, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh vai trò của việc mạnh tay trong xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.

Chiều 2/10, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chủ trì buổi làm việc với đại diện Bộ Tư pháp về nội dung tiếp thu, giải trình đối với dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 42/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.

 

Mở đầu buổi làm việc, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chia sẻ, Việt Nam có bờ biển dài, đội tàu lớn nên việc quản lý các hoạt động khai thác thủy sản trên biển có nhiều khó khăn. Trong khi đó, để thao gỡ “thẻ vàng IUU” của Ủy ban châu Âu (EC), có 4 vấn đề cần tập trung đó là: Xử lý vi phạm pháp luật; Quản lý đội tàu; Truy xuất nguồn gốc; Xử lý vi phạm hành chính.

 

Thứ trưởng nhấn mạnh: “Trong 4 vấn đề trên, việc xử lý vi phạm hành chính không chỉ góp phần gỡ “thẻ vàng IUU” mà còn là động lực để phát triển cho ngành thủy sản. Do đó, cần xử lý mạnh tay, xử phạt trên giá trị vi phạm”.

 

Liên quan đến nội dung cụ thể, bà Phan Thị Huệ, Trưởng phòng Pháp chế, thanh tra (Cục Thủy sản - Bộ NN-PTNT) cho biết, đơn vị đã tiếp thu, giải trình và có một số sửa đổi với dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 42/2019/NĐ-CP sau khi nhận được ý kiến đóng góp của Bộ Tư pháp.

 

Cụ thể, các nội dung được trao đổi, tiếp thu bao gồm việc xử lý các đối tượng vi phạm vừa là chủ tàu vừa là thuyền trưởng. Theo đó, hướng xử lý các đối tượng này sẽ trên vai trò thuyền trưởng, mặc dù hình phạt giống chủ tàu nhưng có thêm một số hình phạt bổ sung liên quan đến quyền sử dụng giấy phép và các văn bằng chứng chỉ của thuyền trưởng.

 

Nội dung thứ hai liên quan đến phân định thẩm quyền xử lý vi phạm. Cụ thể, thay vì quy định cụ thể đến từng chức danh mà phân định theo lực lượng.

 

Trả lời những nội dung này, đại diện Cục Xử lý vi phạm hành chính - Bộ Tư pháp cho biết về cơ bản nhất trí với các tiếp thu, giải trình từ phía Bộ NN-PTNT. Tuy nhiên cũng trao đổi thêm về vấn đề khắc phục hậu quả, trong đó yêu cầu cần cụ thể, chi tiết hơn.

 

Cũng trong buổi làm việc chiều 2/10, hai Bộ cũng trao đổi thêm về xử phạt hành vi “đưa tàu cá ra khỏi phạm vi vùng biển Việt Nam, trừ trường hợp bất khả kháng”. Về nội dung này, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đặt vấn đề nhờ phía Bộ Tư pháp tư vấn, thiết kế để làm thế nào vừa thực hiện nghiêm các quy định của EC về khai thác thủy sản, vừa đảm bảo được vấn đề an ninh quốc phòng.

 

Kết luận lại buổi làm việc, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định, các văn bản quy phạm pháp luật phải xây dựng thật chặt chẽ. “Không cần nâng mức phạt và nâng lực lượng mà phải xử lý thật nghiêm, đúng đối tượng, đúng hành vi, đó sẽ là giải pháp cơ bản để gỡ thẻ vàng IUU”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

 

Chi tiết hơn, ông Phùng Đức Tiến cho rằng, cả chủ tàu và thuyền trưởng đều phải có cơ chế xử phạt, tuy nhiên, cần có những quy định cụ thể cho từng trường hợp. Ngoài ra, Thứ trưởng cũng yêu cầu Cục Thủy sản khẩn trương tiếp thu, điều chỉnh các điều khoản còn thiếu.

 

Sau những trao đổi trên, Cục Kiểm ngư, Cục Thủy sản cũng báo cáo thêm với Thứ trưởng Phùng Đức Tiến các vấn đề liên quan đến chế độ chính sách của lực lượng Kiểm ngư và giống gốc trong lĩnh vực thủy sản.

 

Theo đó, các nội dung nói trên đều nằm trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2019/NĐ-CP, Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản.

 

Tùng Đinh

 

Bình luận