Tạo sinh kế cho người dân từ các dự án khuyến nông

Bình luận · 826 Lượt xem

Thời gian qua, các dự án khuyến nông Trung ương triển khai ở nhiều địa phương trong cả nước đã và đang phát huy hiệu quả tốt. Các mô hình góp phần giúp nâng cao hiệu quả canh tác, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo… đồng thờ

Giữa tiết trời nắng nóng của mùa hè nhưng tham quan chuồng nuôi gà của ông Trần Ngọc Huynh, xã Hải Phú, huyện Hải Lăng (Quảng Trị), chúng tôi vẫn thấy thoáng mát. Đặc biệt, chuồng nuôi do áp dụng quy trình nuôi gà an toàn sinh học nên không có mùi hôi thối. Đây là một trong những mô hình chăn nuôi gà sinh sản an toàn sinh học được Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị triển khai nhằm tạo sinh kế cho người dân.

Ông Trần Ngọc Huynh cho biết: “Trước đây, gia đình tôi nuôi gà theo kiểu truyền thống nên còn gặp nhiều khó khăn do có ít kinh nghiệm và chi phí cao. Khi tham gia dự án, tôi được cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật nuôi gà theo đúng quy trình, cách phòng, điều trị một số bệnh thường gặp… nên hiệu quả cao hơn so với trước kia. Dự kiến mỗi năm mô hình ấp nở và đưa ra thị trường hơn 100 nghìn gà giống phục vụ chăn nuôi của người dân trên địa bàn”.

Từ năm 2021, Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thừa Thiên Huế xây dựng mô hình nuôi cua gạch trong ao đầm gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm tại xã Quảng An, huyện Quảng Điền.

Qua ba năm đã thực hiện được 10,5 ha với 21 hộ tham gia. Hiện nay mô hình đang ở giai đoạn nuôi cua lên gạch ước tỷ lệ sống trung bình 70%, trọng lượng cua từ 160 đến 180g/con, ước sản lượng từ 4,6 đến 4,8 tấn/4 ha. Dự kiến hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn so với mô hình cua thương phẩm truyền thống 1,5 lần. Mặt khác, qua mô hình giúp người dân nắm bắt kỹ thuật tạo ra sản phẩm cua gạch có giá trị kinh tế cao hơn.

Từ năm 2021, Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thừa Thiên Huế xây dựng mô hình nuôi cua gạch trong ao đầm gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm tại xã Quảng An, huyện Quảng Điền. Qua ba năm đã thực hiện được 10,5 ha với 21 hộ tham gia.

Tạo sinh kế cho người dân từ các dự án khuyến nông ảnh 1

Mô hình nuôi cua gạch tại xã Phú Gia, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Còn tại xã Phú Gia, huyện Phú Vang (Thừa Thiên Huế), mô hình nuôi cua gạch có tám hộ tham gia với diện tích 4ha, bước đầu cũng đang mang lại hiệu quả tốt.

Ông Lê Văn Diệt, xã Phú Gia chia sẻ: “Trước đây gia đình nuôi xen ghép tôm và cua nhưng hiệu quả thấp. Sau khi được tham gia vào mô hình, gia đình tôi chuyển sang nuôi chuyên cua gạch. Với diện tích 6 sào, đến kỳ thu hoạch được khoảng hai tạ cua, giá bán từ 350 đến 400 nghìn/kg, tốt hơn rất nhiều so với trước”.

Qua mô hình người dân rất phấn khởi vì chất lượng cũng như sự phát triển của cua tốt hơn. Mong muốn của bà con nơi đây là được hỗ trợ để có nhiều hộ tham gia vào mô hình, từ đó tăng diện tích sản xuất để hướng đến con cua sẽ là sản phẩm chủ lực của địa phương. Hiện nay, thị trường cua tương đối ổn định.

Phó Chủ tịch UBND xã Phú Gia Nguyễn Thị Bé

Theo Trung tâm Khuyến nông quốc gia, 6 tháng năm 2023 các dự án khuyến nông Trung ương triển khai bảo đảm tiến độ và mùa vụ sản xuất, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất như: Sản xuất lúa, chăn nuôi hữu cơ; sản xuất rau, quả, chè, sản phẩm chăn nuôi đạt tiêu chuẩn chất lượng VietGAP, VietGAP; sản xuất bảo đảm an toàn vệ sinh an toàn thực phẩm; liên kết theo chuỗi; ứng dụng cơ giới hóa; tưới nước tiết kiệm; sử dụng phân bón hữu cơ và thuốc bảo vệ thực vật sinh học, gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm...

 

Điều này giúp nâng cao giá trị gia tăng và giảm tối đa chi phí sử dụng phân bón hoá học và thuốc bảo vệ thực vật. Từ đó, giảm chi phí đầu tư cho sản xuất nâng cao thu nhập cho nhân dân.

Trong đó, dự án về cây lương thực đã triển khai 7/7 dự án, quy mô đạt 1.490 ha với 433/1196 hộ tham gia. Các dự án về cây lúa, ngô… được triển khai theo hướng sản xuất tập trung, liên kết tiêu thụ sản phẩm với mục tiêu hạ giá thành, giảm chi phí, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm.

Dự án về cây công nghiệp và cây ăn quả triển khai 23/23 dự, quy mô 734ha với đối tượng thực hiện chủ yếu như: Chè, cà-phê, cao-su, sầu riêng, bơ… tại các địa phương miền núi phía bắc, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long.

Nội dung xây dựng mô hình liên kết tổ chức sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm gắn với các tổ khuyến nông cộng đồng, nâng cao giá trị của sản phẩm gắn với các hoạt động: cấp mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc, chứng nhận sản phẩm VietGAP, an toàn, hữu cơ và hỗ trợ nông dân với khoa học cũng như kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm bền vững…

Để các dự án khuyến nông Trung ương năm 2024 mang lại hiệu quả thiết thực với người dân cần tăng cường năng lực cho hệ thống khuyến nông thông qua phát triển nguồn nhân lực và đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho hệ thống khuyến nông ở cả Trung ương và địa phương.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia Lê Quốc Thanh

Đồng thời, đa dạng nội dung, hình thức, loại hình nhằm mở rộng đối tượng từ người sản xuất, chủ trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp đến cán bộ khuyến nông các cấp trong phạm vi cả nước, đặc biệt là vùng miền núi, hải đảo, vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số.

Tạo sinh kế cho người dân từ các dự án khuyến nông ảnh 2

Mô hình nuôi gà sinh sản tại xã Hải Phú, huyện Hải Lăng (Quảng Trị).

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động khuyến nông; xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu của hệ thống khuyến nông; kết nối hệ thống khuyến nông từ Trung ương đến địa phương, người dân và các tổ chức khác; xây dựng, thực hiện một số chương trình, chuyên đề trọng điểm để tập trung tuyên truyền nổi bật một số chủ đề "nóng" phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; tăng cường hoạt động hợp tác công tư PPP trong hoạt động khuyến nông; huy động nguồn lực của các tổ chức, doanh nghiệp khi tham gia các dự án, các hoạt động tập huấn, chuyển giao và truyền thông kết quả hoạt động khuyến nông.

Bình luận