Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản sẽ có nhu cầu nhập khẩu lớn, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 54 tỷ USD

Bình luận · 200 Lượt xem

9 tháng năm 2023, toàn ngành nông nghiệp tăng trưởng 3,66% so với cùng kỳ, theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Phùng Đức Tiến, đây là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng của cả nước và với đ

Chủ trì buổi họp báo thường kỳ tháng 9/2023 của Bộ NNPTNT, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định, 9 tháng năm 2023, toàn ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức; tiếp tục phát huy hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khơi thông các nguồn lực cho phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

 

Kết quả, toàn ngành đã đạt được những kết quả khả quan, nhiều lĩnh vực đạt kết quả cao. Theo thống kê, sau 9 tháng, tăng trưởng ngành nông nghiệp ước đạt 3,66% so với cùng kỳ. "Đây là con số rất ấn tượng, cho thấy nỗ lực của toàn ngành trong bối cảnh có nhiều khó khăn", ông Tiến nói.

 

Về giá trị xuất khẩu, sau 3 quý của năm, giá trị xuất khẩu nông sản đạt gần 38,5 tỷ USD, nhiều mặt hàng tăng trưởng vượt bậc trong tháng 9 như rau quả, gạo, hạt điều, cà phê... Cụ thể, ở nhóm nông sản, đóng góp lớn nhất là xuất khẩu rau quả đạt 4,2 tỷ USD, tăng 71,8%; xuất khẩu gạo đạt 3,66 tỷ USD, tăng 40,4%.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, đóng góp nhiều nhất vào sự tăng trưởng giá trị ngành hàng rau quả những tháng cuối năm vẫn là sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc. Sầu riêng Việt Nam đang "một mình một chợ" ở Trung Quốc khi nguồn cung từ Thái Lan, Malaysia... không còn nhiều do hết vụ thu hoạch. Dự báo, xuất khẩu rau quả năm 2023 có thể đạt trên 5 tỷ USD.

 

Xuất khẩu gạo cũng đạt kỷ lục, an ninh lương thực trong nước vẫn hoàn toàn được đảm bảo.

 

Để hoàn thành mục tiêu xuất khẩu đạt 54 tỷ USD vào cuối năm, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, mục tiêu tăng trưởng toàn ngành từ 3,4 – 3,5% hoàn toàn khả thi, "quan trọng nhất là tập trung cho xuất khẩu".

 

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến yêu cầu các Cục: Trồng trọt, Cục Bảo vệ thực vật phối hợp tốt trong kiểm soát chất lượng sản phẩm, nỗ lực xúc tiến mở rộng thêm các mặt hàng xuất khẩu chính ngạch khác; đồng thời đảm bảo dự báo thị trường phục vụ tốt cho nông dân, tránh dư thừa không tiêu thụ được. Tiếp tục xử lý các vấn đề thị trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu nông sản, thủy sản, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, Mỹ, EU, Liên minh kinh tế Á - Âu... 

Tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) để đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông lâm thủy sản chủ lực, hỗ trợ doanh nghiệp ký kết đơn hàng xuất khẩu mới.

Các giải pháp tập trung trong lĩnh vực trồng trọt là theo dõi sát tình hình thời tiết khí tượng, thủy văn để chỉ đạo thời vụ, cơ cấu cây trồng phù hợp. Triển khai kế hoạch sản xuất vụ hè thu, vụ mùa và vụ thu đông năm 2023; Đặc biệt, lưu ý đảm bảo nguồn nước cho sản xuất lúa tại các tỉnh Bắc Trung bộ và tăng cường công tác bảo vệ thực vật. 

 

Đối với chăn nuôi, tăng cường chỉ đạo, kiểm tra tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển chăn nuôi, đảm bảo nguồn cung thực phẩm; tăng cường chỉ đạo nhân rộng mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, VietGAP, chăn nuôi theo hướng hữu cơ, kinh tế tuần hoàn... trên các đối tượng vật nuôi.

 

Ngành thủy sản tập trung kiểm soát các hành vi nghiêm trọng về khai thác IUU, ngặn chặn tình trạng tàu cá, ngư dân Việt Nam khai thác trái phép vùng biển nước ngoài. Chuẩn bị nội dung để tiếp và làm việc với Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu trong tháng 10.

 

Cùng với đó, theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, nguồn nước, xâm nhập mặn; chỉ đạo ứng phó kịp thời, hỗ trợ các cấp chính quyền và người dân chủ động chuẩn bị sẵn sàng ứng phó và khắc phục hậu quả mưa bão tại các tỉnh miền Trung; tăng cường quản lý, bảo đảm an toàn đập, hồ chứa thủy lợi, đê điều trong mùa mưa, lũ; ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn…

Bình luận