Sở hữu trí tuệ trong nông nghiệp - Bài cuối: Nghị định 65/2023 - Tạo hành lang pháp lý thông thoáng và hoàn chỉnh

Bình luận · 168 Lượt xem

Để tạo hành lang pháp lý phù hợp đưa sản phẩm nông nghiệp ra thế giới, mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 65/2023/NĐ-CP ngày 23/8/2023 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật sở hữu trí tuệ về sở

Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Bảy, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) để làm rõ hơn các nội dung của Nghị định.

 

Xin ông cho biết điểm nổi bật của Nghị định 65/2023/NĐ-CP?

 

Nghị định 65/2023/NĐ-CP mới ban hành nhằm đẩy mạnh thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ. Nghị định đã kế thừa quy định tại các văn bản hiện hành và chỉnh lý cho phù hợp để khắc phục những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện thời gian qua, đồng thời, hoàn thiện pháp luật về sở hữu trí tuệ đồng bộ với các văn bản pháp luật khác và tương thích với các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia.

 

Điểm nổi bật của Nghị định là đơn giản hóa, rút gọn các thủ tục hành chính và đặc biệt sẽ đẩy mạnh việc tiếp nhận, xử lý, trả kết quả trực tuyến đối với các đơn sở hữu công nghiệp. Bên cạnh đó, trình tự, thủ tục để các tổ chức chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ như: viện nghiên cứu, trường đại học... chủ động đăng ký xác lập quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách Nhà nước. Nghị định cũng góp phần đẩy mạnh thực thi quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng mới.

 

Các quy định về thủ tục hành chính liên quan đến xác lập quyền sở hữu công nghiệp trong Nghị định đã được xây dựng theo hướng giảm số lượng tài liệu phải nộp, văn bằng bảo hộ được cấp dưới dạng điện tử và chỉ cấp bản giấy khi người nộp đơn có yêu cầu, không yêu cầu nộp bản sao chứng minh nhân dân mà chỉ yêu cầu khai số căn cước công dân... đồng thời quy định cụ thể về cách tính các thời hạn nhằm minh bạch hóa thủ tục hành chính.

 

Ngoài ra, Nghị định cũng bổ sung quy định về thủ tục “cấp lại” khi văn bằng bảo hộ bị mất, thất lạc hoặc bị rách, hỏng... Việc bổ sung quy định này giúp giảm đáng kể chi phí tuân thủ thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp so với việc phải làm thủ tục “cấp mới”, đồng thời giảm được thời gian chờ đợi của người dân, doanh nghiệp. Nghị định cũng hướng dẫn việc xây dựng các cơ sở dữ liệu về sở hữu công nghiệp để phục vụ hoạt động quản lý Nhà nước, đáp ứng nhu cầu của người dân và khả năng tiếp cận các kho thông tin cho các đối tượng có nhu cầu dùng tin phục vụ hoạt động xác lập và bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp. Đặc biệt, Điều 29 của Nghị định đã bổ sung quy định cấp văn bằng bảo hộ dưới dạng điện tử, giúp Việt Nam tiếp cận với cách thức cấp văn bằng của các nước tiên tiến trên thế giới, giảm thiểu tài liệu, hồ sơ giấy và thời gian chờ đợi của người nộp đơn.

 

Việc đăng ký, bảo hộ, thương mại hóa sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách Nhà nước được nêu tại Nghị định, xin ông nói rõ về vấn đề này?

 

Một trong các chính sách lớn khi sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022 là khuyến khích tạo ra, khai thác và phổ biến sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí giống cây trồng là kết quả của các nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách Nhà nước. Điểm mới có tính đột phá là Luật quy định trao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí giống cây trồng là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách Nhà nước cho tổ chức chủ trì một cách tự động và không bồi hoàn, đồng thời có cơ chế phân chia hợp lý lợi ích giữa Nhà nước, cơ quan chủ trì và tác giả phù hợp với với tinh thần của Nghị quyết số 20-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI.

 

Quy định này không chỉ khắc phục các bất cập hiện nay về việc đăng ký và khai thác các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ do Nhà nước đầu tư mà còn là "cú hích" để khuyến khích các chủ thể nghiên cứu nhiệm vụ khoa học và công nghệ chủ động đăng ký, khai thác các sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí giống cây trồng được tạo ra; thúc đẩy quan hệ hợp tác với doanh nghiệp để chuyển giao công nghệ, thương mại hóa và thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư để phát triển, nghiên cứu sản phẩm, qua đó thu về nhiều lợi ích kinh tế cũng như đạt được các mục tiêu về an sinh xã hội. Trước đây, quyền đăng ký để trở thành chủ sở hữu các quyền này thuộc về chủ đầu tư (Nhà nước), do vậy không tạo động lực cho các tổ chức nghiên cứu và phát triển đã trực tiếp thực hiện hoạt động nghiên cứu tiến hành việc bảo hộ và thương mại hóa giống cây trồng được tạo ra.

 

Trên cơ sở quy định của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022, Nghị định quy định các thủ tục để tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ thông báo, đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với kết quả nghiên cứu là sáng chế, kiểu dáng công nghiệp và thiết kế bố trí để bảo đảm thủ tục xác lập quyền được thực hiện sớm nhất có thể.

 

Đáng chú ý, để bảo đảm xã hội có thể thụ hưởng được thành quả nghiên cứu khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách Nhà nước, Nghị định còn quy định thủ tục giao quyền đăng ký quyền sở hữu công nghiệp cho các tổ chức, cá nhân khác trong trường hợp tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ không có nhu cầu đăng ký xác lập quyền với kết quả được tạo ra hoặc trường hợp đơn đăng ký xác lập quyền bị từ chối chấp nhận đơn hợp lệ hoặc bị rút trước khi đơn được công bố.

 

Đặc biệt, điểm nổi bật liên quan đến giao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ trong Nghị định là quy định cho phép công khai sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ trên Trang thông tin điện tử hoặc Cổng thông tin điện tử nếu không giao được quyền đăng ký cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu. Quy định có tính “mở” này tạo điều kiện cho tất cả các tổ chức, cá nhân trong xã hội được sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh và tránh gây lãng phí. Ngoài ra, Nghị định cũng quy định để các tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng các sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách Nhà nước đã được cấp văn bằng bảo hộ thực hiện các thủ tục cụ thể để được giao quyền sử dụng các đối tượng liên quan này trong các tình huống cụ thể.

 

Để đẩy mạnh vấn đề thực thi quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng, giải pháp là gì, thưa ông?

 

Cùng với việc sửa đổi, bổ sung các quy định về xác lập quyền sở hữu công nghiệp, Nghị định cũng đã sửa đổi, bổ sung một loạt các quy định về bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng, đặc biệt các yếu tố mới như không gian số, các hình thức mới của đối tượng bảo hộ trước đây chưa được quy định rõ ràng.

 

Điển hình đối với hành vi xâm phạm quyền, Nghị định bổ sung một số tiêu chí để giúp định hướng trong xác định hành vi xâm phạm quyền nào được xem là nhằm vào người tiêu dùng Việt Nam, do đó bị xem là xảy ra tại Việt Nam trong bối cảnh hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên mạng internet ngày càng phổ biến, việc làm rõ quy định này sẽ tạo điều kiện giúp các cơ quan bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ có thêm căn cứ để xác định hành vi xâm phạm quyền. Đối với yếu tố xâm phạm quyền, Nghị định đã bổ sung quy định nhằm làm rõ yếu tố xâm phạm quyền đối với kiểu dáng công nghiệp của bộ phận để lắp ráp thành sản phẩm phức hợp và nhãn hiệu âm thanh, những đối tượng mới được bổ sung theo quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022. Nghị định cũng sửa đổi, bổ sung quy định nhằm làm rõ căn cứ để xem xét yếu tố xâm phạm quyền đối với một số đối tượng mới như kiểu dáng công nghiệp đăng ký quốc tế theo Thoả ước La Hay, nhãn hiệu đăng ký quốc tế theo Thỏa ước Madrid và Nghị định thư Madrid, chỉ dẫn địa lý được bảo hộ theo điều ước quốc tế.

 

Về căn cứ xác định đối tượng được bảo hộ, Nghị định làm rõ đối với các loại quyền sở hữu công nghiệp đã được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền, đối tượng bảo hộ được xác định theo văn bằng bảo hộ, giấy xác nhận đăng ký như: giấy xác nhận đăng ký quốc tế nhãn hiệu đối với nhãn hiệu đăng ký quốc tế theo Thỏa ước Madrid và Nghị định thư Madrid có chỉ định Việt Nam và các tài liệu kèm theo giấy xác nhận đăng ký, văn bằng bảo hộ. Đối với chỉ dẫn địa lý được bảo hộ theo điều ước quốc tế, đối tượng bảo hộ được xác định theo điều ước quốc tế hoặc theo Sổ đăng ký quốc gia về sở hữu công nghiệp.

 

Đặc biệt, đối với chứng cứ chứng minh chủ thể quyền, Nghị định cũng sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm làm rõ chứng cứ chứng minh chủ thể quyền đối với chỉ dẫn địa lý được đăng ký bảo hộ theo thể thức quốc gia và chỉ dẫn địa lý được bảo hộ theo điều ước quốc tế, nhãn hiệu đăng ký quốc tế theo Thỏa ước Madrid và Nghị định thư Madrid có chỉ định Việt Nam, kiểu dáng công nghiệp được đăng ký quốc tế theo Thỏa ước La Hay có chỉ định Việt Nam. Việc sửa đổi, bổ sung các quy định tại Nghị định sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể quyền sở hữu trí tuệ bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ hiệu quả hơn, cũng như trong việc cung cấp chứng cứ khi yêu cầu xử lý xâm phạm.

Bình luận