Nông dân Hà Tĩnh bắt nhịp xu hướng sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên cây ăn quả

Bình luận · 195 Lượt xem

Nông nghiệp hữu cơ là hướng đi tất yếu để phát triển nông nghiệp an toàn, bền vững, thân thiện môi trường. Bởi vậy, người dân Hà Tĩnh đang từng bước chuyển đổi trồng cây ăn quả theo hướng sản xuất an toàn này.

Năm 2020, gia đình chị Đặng Thị Nguyệt (thôn 6, xã Hương Thủy, Hương Khê) chuyển 0,3 ha bưởi từ sản xuất vô cơ (sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật) sang hướng hữu cơ. Đây là một trong những mô hình điểm “Thâm canh vườn bưởi Phúc Trạch đạt tiêu chuẩn hữu cơ gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm” do Trung tâm Khuyến nông tỉnh thực hiện.

 

Từ khi chuyển đổi, môi trường đất được cải tạo, cây bưởi phát triển, lá xanh mướt, ít sâu bệnh. Gia đình chị Nguyệt cũng bảo vệ được sức khỏe khi không phải tiếp xúc với thuốc trừ sâu. Sản xuất theo hướng hữu cơ, chị Nguyệt còn tận dụng phân xanh và chất thải động vật đã qua xử lý để bón cho cây, giúp cây khỏe mạnh, phát triển tốt, đảm bảo môi trường sinh thái.

Chị Đặng Thị Nguyệt chia sẻ: “Bưởi sản xuất theo hướng hữu cơ được thị trường ưa chuộng nên các cửa hàng kinh doanh nông sản sạch thu mua với giá từ 20.000 - 26.000 đồng/quả, cao hơn bưởi sản xuất truyền thống khoảng 20%. Bưởi không phun thuốc trừ sâu nên ngọt và giòn hơn nhiều”.

 

Tại thôn 6, xã Hương Thủy hiện có 5 hộ dân liền kề cùng tham gia Tổ hợp tác (THT) sản xuất bưởi Phúc Trạch hữu cơ xã Hương Thủy với diện tích 2 ha. Sau 3 năm triển khai, bưởi của các thành viên trong THT đã được công nhận đạt Tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ quốc gia TCVN. Qua đánh giá, sản xuất theo hướng hữu cơ so với sản xuất thông thường cho lợi nhuận cao hơn 10.000.000 đồng/ha/năm. Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, sản xuất hữu cơ còn tạo ra sản phẩm chất lượng, dễ tiêu thụ và an toàn cho người sử dụng, từ đó từng bước nâng cao giá trị sản phẩm.

Từ thành công của mô hình điểm tại xã Hương Thủy, Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh đã tiếp nhận quy trình sản xuất hữu cơ; từng bước hoàn thiện quy trình sản xuất hữu cơ trên cây bưởi Phúc Trạch để áp dụng và chuyển giao cho các hộ dân. Theo đó, Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh tiếp tục nhân rộng mô hình thâm canh vườn bưởi Phúc Trạch đạt tiêu chuẩn hữu cơ giai đoạn 2023 - 2025 ở thôn Ngọc Bội, xã Hương Trạch với 11 hộ tham gia, quy mô 4 ha.

 

Ông Trần Kim Đồng - thành viên THT sản xuất bưởi Phúc Trạch hữu cơ thôn Ngọc Bội, xã Hương Trạch cho biết: “Sau gần 1 năm triển khai, tôi nhận thấy sản xuất nông nghiệp hữu cơ thực ra chính là sản xuất theo hướng thuận thiên mà trước đây bà con nông dân đã thực hiện, không sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật. Tuy nhiên, trong quá trình dài, do nóng vội thu hoạch, “đốt cháy giai đoạn”, không ít bà con nông dân đã lạm dụng các loại phân bón vô cơ, tác động thô bạo lên tài nguyên đất và cây trồng. Vì thế, cây thoái hóa nhanh, năng suất giảm nhanh, hiệu quả kinh tế thấp và gây ảnh hưởng rất lớn đến môi trường cũng như sức khỏe người sản xuất.

 

Hiện nay, theo tiêu chuẩn hữu cơ, chúng tôi hoàn toàn sử dụng nguồn nước tự nhiên, tận dụng phân bón hữu cơ đã qua xử lý... Dù vậy, để được chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ thì chúng tôi phải tuân thủ các quy trình một cách bài bản hơn, chuyên nghiệp hơn. Quy trình này được các thành viên trong THT giám sát lẫn nhau hết sức chặt chẽ”.

Năm đầu tiên triển khai, các hộ dân tham gia THT sản xuất bưởi Phúc Trạch hữu cơ thôn Ngọc Bội, xã Hương Trạch đã được cấp giấy chứng nhận chuyển đổi hữu cơ năm thứ nhất cho sản phẩm bưởi Phúc Trạch. Cây bưởi sinh trưởng, phát triển tốt; năng suất tương đương với năng suất đại trà nhưng giá bán cao hơn từ 5 - 7%.

 

Ông Nguyễn Hữu Ngọc – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh cho biết: “Thực tế sản xuất nông nghiệp của người nông dân lâu nay là sản xuất cái mình muốn, chạy theo số đông mà không quan tâm nhiều đến nhu cầu thị trường cần. Bởi vậy, xây dựng một nền nông nghiệp sinh thái - nông nghiệp hữu cơ là hướng đi tất yếu để phục vụ thị trường. Thời gian qua, trung tâm đã triển khai nhiều mô hình thâm canh trồng cây ăn quả theo hướng hữu cơ cho người dân: Hương Khê, Vũ Quang, Can Lộc... Các mô hình thành công đang từng bước thay đổi nhận thức và thói quen sản xuất từ truyền thống sang hữu cơ; góp phần cải tạo đất, bảo vệ môi trường và sức khỏe người tiêu dùng”.

Hiện nay, UBND tỉnh Hà Tĩnh đang giao Sở NN&PTNT xây dựng Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2023 - 2030 nhằm hình thành vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ tập trung theo hướng hàng hóa có sản phẩm được chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ, mang lại giá trị cao, an toàn, bền vững, thân thiện với môi trường sinh thái, gắn với nông nghiệp tuần hoàn phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

 

Sở NN&PTNT phấn đấu đến cuối tháng 11/2023 sẽ hoàn thành xây dựng đề án để đưa Hà Tĩnh trở thành địa phương có trình độ sản xuất nông nghiệp hữu cơ ngang bằng với các tỉnh, thành trong cả nước.

Bình luận