Những thách thức đang chờ người nông dân Thái Lan

Bình luận · 224 Lượt xem

Giá gạo tăng đột biến trên toàn cầu, nhất là sau khi Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu, đem tới nhiều hy vọng cho người nông dân Thái Lan. Tuy nhiên, áp lực từ tác động của biến đổi khí hậu, gánh nặng tài chính cũng tăng

Tìm kiếm cơ hội từ giá gạo tăng

 

Sau khi thu hoạch lúa xong, bà Sripai Kaeo-eam lại vội vã bắt tay ngay vào vụ mới, phớt lờ lời khuyên của Chính phủ Thái Lan về việc hạn chế gieo trồng thêm trong năm nay nhằm bảo tồn tài nguyên nước.

Thông thường, trong một năm có hai vụ trồng lúa chính. Vào giữa năm, nông dân thường hạn chế trồng trọt để tiết kiệm nước. Tuy nhiên, năm nay bà Sripai cố gắng thực hiện vụ gieo trồng thứ ba để tăng sản lượng.

Bà Sripai cho biết, năm nay gạo có thể bán được giá cao gấp đôi hoặc gấp ba so với hầu hết các năm. “Vụ mùa này là niềm hy vọng của chúng tôi”, người nông dân 58 tuổi ở tỉnh Chai Nat, miền trung Thái Lan, trả lời phỏng vấn của hãng tin Reuters.

Giá gạo tăng đột biến trên toàn cầu, lên gần mức cao nhất trong khoảng 15 năm sau khi Ấn Độ, nhà sản xuất gạo lớn nhất thế giới ban hành lệnh cấm xuất khẩu. Giá gạo tăng tạo động lực để bà Sripai sớm thoát khỏi khoản nợ hơn 200.000 baht (5.600 USD) của mình.

Giống như bà Sripai, nông dân trên khắp các vùng của Thái Lan, nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới cũng kỳ vọng thu được lợi nhuận từ “cơn sốt” giá gạo.

Tuy nhiên, theo ước tính của Chính phủ Thái Lan, diện tích đất trồng lúa ở nước này đã giảm 14,5% trong tháng 8 vừa qua so với cùng thời điểm năm 2022. Diện tích đất trồng lúa giảm hằng năm kể từ năm 2020.

Theo Văn phòng Tài nguyên nước quốc gia Thái Lan, các kiểu thời tiết cực đoan do hiện tượng El Nino đang tạo ra rủi ro cho nông dân. Lượng mưa năm nay thấp hơn 18% so với mức trung bình các năm và các hồ chứa nước chính chỉ được lấp đầy khoảng 54% tổng sức chứa.

Sinh ra trong một gia đình nông dân trồng lúa ở Chai Nat, nơi đã gắn bó cả cuộc đời, Sripai nói rằng bà chưa bao giờ chứng kiến đợt khô hạn như hiện nay.

Một số cố vấn của Chính phủ Thái Lan đã khuyến nghị hạn chế trồng thêm lúa trong năm nay để bảo tồn tài nguyên nước. Nhưng bà Sripai và những nông dân khác có lý do chính đáng để không chú ý đến điều này.

Theo Krungsri Research, gần một nửa đất nông nghiệp của Thái Lan được dành để trồng lúa, với hơn 5 triệu hộ gia đình tham gia sản xuất. Thái Lan đã xuất khẩu 7,7 triệu tấn gạo trắng vào năm 2022 sang các nước trên khắp Trung Đông, châu Á và châu Phi.

Trong khi đó, Thái Lan là một trong những nước có mức nợ hộ gia đình cao nhất châu Á. Theo dữ liệu của Chính phủ Thái Lan, năm 2021, 66,7% tổng số hộ gia đình nông nghiệp mắc nợ, phần lớn là từ các hoạt động liên quan đến nông nghiệp.

Bà Sripai đang phải trả lãi suất ở mức 6,875% cho khoản vay của mình. Bà cho biết: “Tất cả nông dân trong nhóm của chúng tôi đều mắc nợ. Chúng tôi mắc nợ khi đối mặt với hạn hán, lũ lụt và sâu bệnh”.

Giải tỏa áp lực cho người nông dân

Theo các chuyên gia, ngành sản xuất lúa gạo của Thái Lan đang chịu áp lực nghiêm trọng do biến đổi khí hậu và thiếu đổi mới trong phương thức sản xuất.

Những áp lực này đè nặng lên vai người nông dân Thái Lan, vốn đang gánh nợ nần dù đã nhận được hàng chục tỷ USD tiền trợ cấp trong thập niên qua. Với một số hộ gia đình, gánh nặng tài chính sau khi vay mượn để trang trải cho mùa màng đã kéo dài qua nhiều thế hệ.

 

Chuyên gia nông nghiệp Somporn Isvilanonda, thành viên cấp cao của Viện Mạng lưới tri thức trực thuộc nhà nước Thái Lan (KNIT) cho biết việc giảm diện tích đất canh tác có thể làm giảm sản lượng gạo của Thái Lan, góp phần tăng thêm lạm phát giá lương thực vốn đã tràn lan sau khi tình trạng hạn hán xảy ra ở các nước sản xuất lúa gạo quan trọng trên thế giới.

Theo chuyên gia Somporn, giá gạo hiện nay cao nhưng người nông dân khó có thể tận dụng cơ hội để sản xuất. Ông Somporn dự kiến, sản lượng lúa gạo sẽ giảm khoảng 30% trong hai vụ trồng tiếp theo do thiếu nước.

Nipon Poapongsakorn, chuyên gia nông nghiệp tại Viện Nghiên cứu phát triển Thái Lan cho biết nền tảng của ngành lúa gạo Thái Lan được xây dựng từ cuối thế kỷ 19 dưới thời Vua Chulalongkorn, người thúc đẩy thương mại tự do, cải cách nông nghiệp và đất đai.

Vào những năm 1960, các khoản đầu tư cho nghiên cứu và cơ sở hạ tầng đã tạo điều kiện để người nông dân chuyển sang các giống lúa có năng suất cao, củng cố vị thế của Thái Lan khi đó là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới.

Nhấn mạnh đến sự sụt giảm các khoản đầu tư cho nghiên cứu lúa gạo, ông Nipon lo ngại rằng Thái Lan dường như mắc kẹt trong thành công của mình. “Giống lúa của chúng tôi đã cũ, năng suất rất thấp”, chuyên gia này cho biết.

Cũng theo các chuyên gia, trong những năm gần đây, các nước như Ấn Độ và Việt Nam đã đầu tư đáng kể vào nghiên cứu, vượt xa Thái Lan về năng suất và giành được sức hút trên thị trường xuất khẩu.

 

Trong tuyên bố chính sách đầu tiên trước Quốc hội hôm 11/9, Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin cho biết Chính phủ sẽ tìm cách cải thiện thu nhập của người nông dân

Chính quyền Thái Lan thông báo về kế hoạch tăng cường quản lý tài nguyên nước, khuyến khích thực hiện các kỹ thuật canh tác mới để giúp tăng sản lượng cũng như tìm kiếm thêm thị trường cho sản phẩm nông nghiệp.

Chính phủ cũng lên kế hoạch triển khai các biện pháp nhằm giảm bớt khó khăn của người nông dân như tạm hoãn nợ, giảm giá phân bón và thuốc trừ sâu và thực hiện các dự án nhằm bảo đảm nguồn nước tưới tiêu cho nông nghiệp.

Bộ Nội vụ Thái Lan sẽ phối hợp quân đội và các cơ quan khác để phát triển thêm các khu dự trữ nước và nạo vét kênh mương để cải thiện dòng nước như một phần trong các biện pháp ngắn hạn nhằm chống lại hạn hán

Bình luận