Nhiều mô hình sản xuất rau quả công nghệ cao lợi nhuận hơn 400 triệu đồng/ha

Bình luận · 189 Lượt xem

Nhiều mô hình áp dụng cộng nghệ cao vào trồng rau quả cho hiệu quả sản xuất tăng hơn so với đối chứng từ 50 - 60%, lợi nhuận hơn 400 triệu đồng/ha.

Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia thực hiện dự án xây dựng mô hình ứng dụng giá thể để sản xuất một số loại rau chất lượng cao, gắn với tiêu thụ sản phẩm ở các tỉnh phía Bắc giai đoạn 2021 - 2023.

 

Kết quả, dự án đã xây dựng được 15 mô hình sản xuất rau quả chất lượng cao (7 mô hình dưa thơm, 6 mô hình dưa chuột, 2 mô hình cà chua) tại các tỉnh,Hải Dương, Bắc Giang và Thanh Hóa với tổng diện tích gieo trồng 25ha (12ha dưa thơm, 10ha dưa chuột, 3ha cà chua).

 

Các mô hình đã thu hút được 132 hộ tham gia, các giống cây đưa vào trồng đều sinh trưởng, phát triển khoẻ, năng suất, chất lượng cao, hiệu quả thâm canh vượt so với đối chứng từ 31 - 50%. Đặc biệt, ban chủ nhiệm dự án còn tư vấn giúp các HTX kết nối với 8 doanh nghiệp có uy tín trong nước chuyên thu mua các loại rau, quả sạch. Nhờ đó, toàn bộ sản phẩm từ mô hình đều được tiêu thụ hết với giá cao, ổn định.

 

PGS.TS Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đánh giá: Trong thời gian thực hiện dự án (2021 - 2023) đã xảy ra dịch Covid-19 trên phạm vi toàn quốc, nhưng ban chủ nhiệm dự án vẫn nỗ lực khắc phục khó khăn hoàn thành tốt các mục tiêu, kế hoạch và tiến độ sản xuất đề ra, giúp nhà nông tăng cao giá trị thu nhập. Trong đó nhiều mô hình hiệu quả sản xuất tăng gần 60% so với đối chứng không áp dụng công nghệ cao.

 

TS Đoàn Xuân Cảnh, Phó Viện trưởng Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm, kiêm Trưởng Ban quản lý dự án cho biết, dự án đã kết nối được với 8 doanh nghiệp bao tiêu ổn định sản phẩm rau quả cho các mô hình. Đây được coi là thành công lớn, giúp tăng cao hiệu quả sản xuất, duy trì và nhân rộng các mô hình hậu dự án.

 

Ông Bùi Văn Phố, thành viên HTX Âu Việt Farm (Hải Dương) cho biết, ông tham gia dự án ngay từ năm 2021, thực hiện trồng 5.000m2 dưa thơm vân lưới TL3, mỗi vụ thu hoạch được trên 16 tấn quả, sau khi trừ chi phí sản xuất, còn lãi gần 210 triệu đồng - vượt so với vườn đối chứng khoảng 104 triệu đồng, tương ứng với thu nhập bình quân/ha canh tác đạt 920 triệu đồng, lãi thuần 418 triệu đồng/ha, hiệu quả sản xuất tăng cao hơn đối chứng gần 50%.

 

Bà Lê Thị Thóc ở HTX Dịch vụ Cơ giới hoá nông nghiệp Đông Tiến (Đông Sơn, Thanh Hoá) cũng phấn khởi cho hay, bà trồng 1ha dưa chuột Galaxy theo quy trình công nghệ cao của dự án, nhờ được Công ty TNHH Vineco ở Long Biên (Hà Nội) ký hợp đồng thu mua toàn bộ sản phẩm nên thu nhập bình quân đạt hơn 992 triệu đồng, lợi nhuận gần 438 triệu đồng, cao hơn các mô hình sản xuất đối chứng gần 60%.

 

Theo nhật ký sản xuất của HTX Âu Việt Farm (Kim Thành, Hải Dương), HTX tham gia dự án với 3ha cà chua (giống Nowara RZ), sản lượng thu hoạch đạt trên 450 tấn quả, được Công ty Cổ phần Nông nghiệp Hải Ninh (Hải Dương) và Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Hải Phòng (Bắc Ninh) bao tiêu toàn bộ sản phẩm, thu nhập đạt hơn 3,8 tỷ đồng, lãi thuần trên 1,78 tỉ đồng, vượt trội so với đối chứng gần 700 triệu đồng.

 

Ông Phùng Danh Mừng, Giám đốc HTX cho biết, sản xuấtcà chua cho lợi nhuận cao là nhờ trồng trên giá thể và trong nhà kính, ít bị sâu bệnh hại, nhất là các bệnh do virus không thể chữa trị, giúp người sản xuất tránh lãng phí phân bón, giảm chi phí thuốc BVTV, năng suất, chất lượng quả đạt cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nên luôn được doanh nghiệp thu mua với giá cao, không phân loại.

 

Bà Trần Thị Thu Trang, Phó Giám đốc HTX Rau sạch Yên Dũng (Bắc Giang) cho rằng, kết quả đạt được lớn nhất khi tham gia dự án là HTX đã kết nối được với nhiều đầu mối bao tiêu rau quả có uy tín. Qua đó giúp nhà vườn giữ chân được các doanh nghiệp thu mua sản phẩm lâu dài, kể cả sau này khi dự án kết thúc.

Bình luận