Những xã nghèo đổi thay ngoạn mục nhờ măng tre Bát Độ

Bình luận · 194 Lượt xem

Từ một cây trồng bị người dân 'ngó lơ', cây măng tre Bát Độ ngày nay đã giúp đồng bào thiểu số ở huyện Trấn Yên thoát nghèo, vươn lên ngoạn mục.

Khẳng định giá trị cây đa chức năng

Tại tỉnh Yên Bái, cây tre Bát Độ đã khẳng định được hiệu quả trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo cho người dân các xã vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Song song với những lợi ích lớn về kinh tế, tre Bát Độ còn góp phần phủ xanh đất trồng đồi núi trọc, cải thiện môi trường, chống xói mòn, sạt lở đất.

 

Hai thập kỷ trước, huyện Trấn Yên (Yên Bái) từng là huyện nghèo, đời sống người dân vô vàn khó khăn. Đặc biệt là ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, tỷ lệ hộ nghèo đói lên đến 50 – 70%. Sau hơn 20 năm du nhập từ Trung Quốc, cây tre Bát Độ đang dần trở nên thân thuộc và mang lại sinh kế cho hàng nghìn hộ dân nơi đây.

 

Đến nay, huyện Trấn Yên đã hình thành vùng trồng tre Bát Độ lớn nhất ở Việt Nam với tổng diện tích trên 4.200ha, trong đó diện tích kinh doanh cho thu hoạch gần 3.300ha, sản lượng măng thương phẩm hàng năm đạt trung bình hơn 30.000 tấn. Với giá thu mua măng (củ tươi) trung bình từ 5.700 – 6.000 đồng/kg, mỗi ha măng Bát Độ người dân có thu nhập trên 50 triệu đồng, diện tích thâm canh cao có thể đạt 70 – 80 triệu đồng/ha. Ngoài ra, cây tre còn cho thu nhập từ lá, cành và thân để làm các đồ mỹ nghệ, phục vụ nguyên liệu cho ngành giấy và các đồ dùng sinh hoạt hàng ngày.

 

Bà Trần Thị Hoàn Liên – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ - Phát triển nông nghiệp huyện Trấn Yên cho biết, hiện nay Trấn Yên đang tập trung phát triển, mở rộng diện tích cây tre Bát Độ, xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh quy mô lớn liên kết theo chuỗi giá trị, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất.

 

Bên cạnh đó, tiếp tục thu hút khuyến khích các doanh nghiệp, HTX đầu tư vào sản xuất, chế biến sản phẩm măng tre Bát Độ, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, ký kết hợp đồng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với nông dân ổn định, bền vững. Ngoài ra, sẽ tiếp tục tận dụng tối đa các nguyên liệu từ lá và thân cây tre Bát Độ để nâng cao hiệu quả kinh tế cho nông dân.

 

Cây xóa nghèo của bà con dân tộc thiểu số

Kiên Thành (huyện Trấn Yên) từng là xã đặc biệt khó khăn với trên 90% là đồng bào dân tộc thiểu số gồm Dao, Tày và Mông. Loay hoay trong phát triển kinh tế, cho đến khi cây tre Bát Độ đến với vùng đất này, Kiên Thành đã từng ngày thay da đổi thịt. Hiện đây là địa phương có mức thu nhập bình quân đầu người ổn định ở mức cao (trên 50 triệu đồng/người/năm). Kiên Thành được coi là thủ phủ tre măng Bát Độ với hơn 2.000ha, chiếm 50% diện tích tre măng toàn huyện.  

 

Ông Hoàng Ngọc Chấn – Phó Chủ tịch UBND xã Kiên Thành chia sẻ: Cùng với cây quế, tre Bát Độ là cây trồng chủ lực của bà con trong xã. Hàng năm, sản lượng măng thương phẩm của xã luôn đạt gần 20.000 tấn, mang lại thu nhập hơn 100 tỷ đồng. Trong mùa măng, có hộ dân thu nhập vài triệu đồng/ngày.

 

Hiện nay, trên địa bàn xã có nhiều doanh nghiệp, HTX thu mua, chế biến sản phẩm nên việc tiêu thụ sản phẩm măng tre của bà con rất thuận lợi. Đặc biệt, trên địa bàn xã đã có 3 sản phẩm từ măng tre Bát Độ được công nhận sản phẩm OCOP, góp phần quảng bá thương hiệu và nâng cao thu nhập cho người dân.

 

Xã Hồng Ca trước đây cũng là địa bàn đặc biệt khó khăn của huyện Trấn Yên với trên 95% là người dân tộc thiểu số, chủ yếu là dân tộc Tày và Mông. Đến nay, gần 70% hộ trong xã đã trồng tre Bát Độ với tổng diện tích gần 1.300ha, trong đó trên 1.000ha tre đang thời kỳ kinh doanh. Đặc biệt, tại các thôn có đa số đồng bào dân tộc Mông sinh sống như Khe Ron, Khe Tiến, Khuôn Bổ, Hồng Lâu, cây tre Bát Độ đang từng bước thay đổi cuộc sống và tập quán sản xuất của người dân.

 

Trước đây người dân ở đây chủ yếu phát lương làm rẫy, sống du canh, du cư. Từ khi cây tre măng Bát Độ xuất hiện, đã giúp bà con bám bản, bám làng, không còn phải tha hương đi làm thuê, xóa bỏ tình trạng phá rừng, phát nương làm rẫy. Những diện tích đồi núi trọc dần được phủ xanh bằng cây tre, mỗi năm sản lượng măng thương phẩm của xã đạt trên 10.000 tấn, giá trị gần 60 tỷ đồng.

 

Ông Phạm Xuân Toàn – Bí thư Đảng ủy xã Hồng Ca cho biết, cây tre Bát Độ rất phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và trình độ canh tác thấp của bà con trong xã. Chỉ cần trồng xuống, làm cỏ, sau khoảng 2 - 3 năm là được thu hoạch măng. Năm nay thời tiết mưa nhiều nên các đồi tre măng mọc rất nhiều và to hơn những năm trước. Bên cạnh đó, giá măng thương phẩm năm nay tăng cao nên bà con rất phấn khởi.

 

Nhờ nguồn thu từ măng, người dân trong xã đã thoát nghèo, nhiều hộ đã vươn lên khá giả. Hơn nữa, việc tập trung mở rộng diện tích ở đây đã góp phần hạn chế được tình trạng du canh, du cư, phá rừng làm nương rẫy.

 

Rộng đường xuất khẩu

Những triền đồi ở Trấn Yên xưa vốn trồng sắn, keo, bồ đề và các loại cây nguyên liệu cho giá trị kinh tế thấp nay đã được phủ xanh bằng cây tre măng Bát Độ. Đến năm 2020, vùng tre Bát Độ của huyện Trấn Yên đã được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Hiện nay, một số xã trong huyện đã xây dựng sản phẩm măng đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, 4 sao. Nguồn thu từ măng, cành, lá và thân cây tre Bát Độ là sinh kế giúp hàng ngàn hộ dân trong huyện xóa đói giảm nghèo, từng bước trở thành cây làm giàu.

 

Từng phải một thời loay hoay tìm đường tiêu thụ măng, hiện nay, măng tre Bát Độ ở Trấn Yên đã được hàng loạt doanh nghiệp, hợp tác xã, thương lái... thu mua, chế biến và vươn ra xuất khẩu.

 

Ông Nguyễn Kiên Định – Giám đốc Công ty TNHH Yamazaky Việt Nam cho biết thêm, công ty có nhà máy chế biến ngay tại vùng nguyên liệu, vì vậy các khâu kỹ thuật trồng - thu mua - chế biến - xuất khẩu sản phẩm đều được Công ty hỗ trợ, bố trí nhân viên kỹ thuật giám sát, chuẩn hóa đến từng công đoạn nhỏ nhất tới bà con nông dân.

 

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang thăm khu thu mua và chế biến măng của Công ty TNHH Yamazaky Việt Nam tại xã Tưng Khánh, huyện Trấn Yên ngày 10/8/2023. 

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang thăm khu thu mua và chế biến măng của Công ty TNHH Yamazaky Việt Nam tại xã Tưng Khánh, huyện Trấn Yên ngày 10/8/2023. 

 

Việc triển khai thu mua măng tre đến từng thôn bản và sơ chế tại chỗ, cũng như đảm bảo thu mua theo giá thị trường đã giúp người dân từ nhiều năm nay có thu nhập cao, ổn định để yên tâm tập trung cho khâu chăm sóc, thâm canh và mở rộng diện tích.

 

"Dự kiến đến năm 2025, Công ty chúng tôi sẽ mở rộng nhà máy chế biến, mỗi năm sẽ thu mua từ 5.000 tấn măng thương phẩm trở lên để chế biến, xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản”, ông Định cho biết.

 

Mấy năm trở lại đây, không khí thu hoạch măng tre Bát Độ ở huyện Trấn Yên ngày càng phấn khởi bởi diện tích tre Bát Độ ngày càng được mở rộng, sản lượng măng tăng, đặc biệt là những diện tích tre trong "độ tuổi vàng" từ 7 - 10 năm cho năng suất cao.

 

Thu nhập từ vùng nguyên liệu tre măng Bát Độ đã góp phần xây dựng huyện Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái vào năm 2019 và đang từng bước phấn đấu trở thành huyện nông thôn mới nâng cao vào năm 2024.

 

Hiện nay thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 54,6 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,78%. Toàn huyện đã có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, ngoài ra có trên 100 thôn, bản được công nhận thôn nông thôn mới kiểu mẫu.

 

Trong giai đoạn tiếp theo, tỉnh Yên Bái đang có chủ chương duy trì vùng nguyên liệu tre Bát Độ tại Trấn Yên, đồng thời mở rộng diện tích ở các huyện khác như Văn Chấn, Yên Bình, Trạm Tấu, Mù Cang Chải nhằm phát huy hết hiệu quả về kinh tế, môi trường của loại cây trồng hữu ích và thân thiện này.

 

Tre Bát Độ đã hình thành chuỗi liên kết sản xuất hoàn chỉnh gồm: Vùng nguyên liệu – hợp tác xã – doanh nghiệp. Vụ măng Bát Độ năm 2023, dự kiến sản lượng của huyện Trấn Yên đạt 32.500 tấn măng thương phẩm, giá trị thu nhập của toàn huyện ước đạt gần 200 tỷ đồng.

 

Hiện nay, các doanh nghiệp như Công ty TNHH Vạn Đạt, Công ty Cổ phần Yên Thành, Công ty TNHH Yamazaky Việt Nam... đã thực hiện liên kết với các HTX để thu mua măng cho người dân. Ngoài ra nhiều tư thương ở các tỉnh Phú Thọ, Hải Dương, Tuyên Quang, Bắc Kạn... đã đến thu mua măng củ, măng luộc, măng tươi và sơ chế măng khô. Các sản phẩm măng sau khi được sơ chế, chế biến đã được xuất khẩu đi các thị trường khó tính như Đài Loan, Nhật Bản...

 

Bình luận