36 dự án đăng ký đầu tư trên 17.000 tỷ đồng vào Thanh Hóa

Bình luận · 215 Lượt xem

Từ năm 2020 đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã kêu gọi thu hút đầu tư 36 dự án chăn nuôi quy mô lớn, tổng mức đầu tư trên 17.000 tỷ đồng.

Dư địa trong phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa còn rất lớn, đặc biệt là chăn nuôi công nghệ cao. Tuy nhiên, việc lựa chọn hướng đi này còn gặp không ít khó khăn. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo NNVN đã có cuộc trao đổi với ông Cao Văn Cường, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở NN-PTNT Thanh Hóa.

 

Thủ phủ chăn nuôi công nghệ cao mới của Bắc Trung bộ

Thưa ông, Nghị quyết của Trung ương và tỉnh Thanh Hóa đều nhắc tới vai trò nông nghiệp trong phát triển kinh tế, xã hội địa phương, đặc biệt là hình thành được nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn công nghệ cao. Vậy, tỉnh Thanh Hóa đã và đang hiện thực hóa các Nghị quyết này ra sao nhìn từ ngành chăn nuôi, thưa ông?

 

Thanh Hóa đang trở thành đầu tàu trong thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi theo hướng công nghệ cao tại khu vực Bắc Trung bộ. Từ năm 2020 đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã kêu gọi, thu hút 36 dự án chăn nuôi quy mô lớn, tổng mức đầu hơn 17.000 tỷ đồng.

 

Hiện nay, tỉnh Thanh Hóa đã quy hoạch phát triển các vùng chăn nuôi tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, cụ thể: Vùng chăn nuôi lợn hướng nạc, vùng chăn nuôi bò sữa, vùng chăn nuôi bò thịt chất lượng cao. Đến nay toàn tỉnh có 47 khu, cụm trang trại chăn nuôi tập trung. Các khu chăn nuôi tập trung trên địa bàn tỉnh hình thành và phát triển phù hợp quy hoạch vùng và lợi thế của các địa phương.

 

Toàn tỉnh có 72 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi quy mô lớn, trong đó phải kể đến như C.P, CJ, Japfa Comfeed, Golden, Mavin, Newhope, hình thành chuỗi chăn nuôi theo hình thức gia công, đang đem lại hiệu quả cao cho người chăn nuôi khi tham gia vào chuỗi liên kết...

 

Một điều rất đáng mừng là, tốc độ tăng trưởng ngành chăn nuôi hằng năm giai đoạn 2021 - 2023 ước đạt 5,7%, cao hơn so với mục tiêu kế hoạch 5%; trong đó, 9 tháng đầu năm 2023, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng tốc độ tăng trưởng toàn ngành chăn nuôi của tỉnh vẫn đạt 5,9%, các sản phẩm chăn nuôi chính đều tăng khá và không để xảy ra dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm xảy ra trên đàn gia súc, gia cầm.

 

Thanh Hóa đang trở thành điểm đến của các nhà đầu tư theo hướng công nghệ cao, theo ông, điều gì khiến địa phương có sức hút với nhà đầu tư trong lĩnh vực này như vậy?

 

Thanh Hóa là tỉnh thuộc khu vực Bắc Trung bộ, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh. Bên cạnh đó, tỉnh Thanh Hóa còn có tiềm năng đất đai, đáp ứng tốt cho nhu cầu phát triển nông nghiệp. Đặc biệt, hệ thống giao thông của tỉnh được đầu tư đồng bộ, đảm bảo tính kết nối liên vùng, liên địa phương.

 

Mặt khác, trong những năm qua, chính quyền địa phương rất quan tâm đến công tác giải phóng mặt bằng, cải cách thủ tục hành chính và tập trung tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.

 

Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành các nghị quyết về phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao với tầm nhìn dài hạn. Bên cạnh đó, các cơ chế, chính sách, chỉ đạo của tỉnh luôn được ban hành kịp thời, bám sát thực tiễn, kịp thời khắc phục các khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư trong quá trình thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh.

 

Mới đây, Công ty CP Xuân Thiện Thanh Hóa đề xuất ý tưởng táo bạo, xây dựng nhà chung cư để chăn nuôi lợn, ông đánh giá thế nào về đề này?

 

Tập Đoàn Xuân Thiện đã được UBND tỉnh chấp thuận đầu tư 5 dự án chăn nuôi công nghệ cao. Hiện nay, khu liên hợp sản xuất, chăn nuôi công nghệ cao Xuân Thiện đã hoàn thành 96% hạng mục công trình giai đoạn 1 và đưa vào vận hành thử nghiệm hoạt động chăn nuôi đàn lợn.

 

Hiện nay, Tập đoàn đề xuất phương án chăn nuôi lợn trong nhà cao tầng đối với các dự án Xuân Thiện 2, 3. Đây là một phương án chăn nuôi lợn kiểu mới, áp dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ nhằm nâng cao chất lượng chăn nuôi lợn, tăng hiệu quả sử dụng đất, quản lý về môi trường, dịch bệnh trong chăn nuôi.

 

Sở NN-PTNT ghi nhận các ưu điểm phương án đề xuất dự án chăn nuôi lợn công nghệ cao trong nhà cao tầng và việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất chăn nuôi. Tuy nhiên, hiện nay chưa có quy định, quy chuẩn, hướng dẫn ngành hoặc quy định tạm thời trong việc thực hiện chăn nuôi lợn công nghệ cao trong nhà cao tầng.

 

Trong thời gian qua, Sở NN-PTNT luôn đồng hành hướng dẫn, hỗ trợ Tập đoàn Xuân Thiện trong toàn bộ quá trình triển khai, thực hiện các dự án theo đúng quy định. Tuy nhiên, trong quá trình đề nghị điều chỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, triển khai thực hiện dự án, doanh nghiệp cần tập trung, chủ động phối hợp kịp thời với các cơ quan quản lý các cấp để được tư vấn, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, đảm bảo dự án triển khai đáp ứng đầy đủ các cơ sở pháp lý theo quy định của pháp luật hiện hành.

 

Đưa ngành chăn nuôi phát triển bền vững

Bên cạnh thuận lợi, ngành chăn nuôi Thanh Hóa đang vấp phải những vấn đề chung như số lượng cơ sở giết mổ nhỏ lẻ còn khá lớn, chưa đẩy mạnh được liên kết theo chuỗi, tiêu thụ sản phẩm còn bấp bênh, phụ thuộc chặt chẽ vào thị trường. Theo ông, đâu là giải pháp để khắc phục thực trạng này?

 

Khi đầu tư vào Thanh Hóa, nhà đầu tư được hưởng mức ưu đãi và được hỗ trợ tốt nhất từ các sở, ban, ngành các cấp trong việc thực hiện các dự án đầu tư theo khung quy định của pháp luật. Điểm nhấn là nội dung hỗ trợ hạ tầng khu trang trại chăn nuôi tập trung, với mức hỗ trợ 2 tỷ đồng/khu đối với miền xuôi và 3 tỷ đồng/khu đối với miền núi. Năm 2022 tỉnh đã thực hiện hỗ trợ hạ tầng 4 khu trang trại, với tổng kinh phí hỗ trợ 8 tỷ đồng...

 

Trong thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa đã cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút các doanh nghiệp tham gia giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm; thu hút đầu tư, kêu gọi các tập đoàn, doanh nghiệp đầu tư các cơ sở chế biến gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn tỉnh đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm và tiêu thụ sản phẩm đầu ra cho người chăn nuôi.

 

Các doanh nghiệp trong nước đã và đang đầu tư xây dựng các dự án chăn nuôi quy mô lớn gắn với nhà máy chế biến hoặc giết mổ và định hướng xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi tại Thanh Hóa điển hình như Vinamilk, TH True milk, Dabaco, Nông sản Phú Gia, 3FViet.

 

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp đã tổ chức rà soát, đánh giá, kiến nghị điều chỉnh quy hoạch chăn nuôi, xác định các địa bàn phát triển chăn nuôi ổn định, giúp người chăn nuôi yên tâm đầu tư lâu dài, quy mô lớn, góp phần nâng cao hiệu quả, gia tăng lợi nhuận, cải thiện môi trường, bảo đảm an toàn sinh học và phát triển chăn nuôi bền vững.

 

Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại tập trung, ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi giá trị; tiếp tục mở rộng chăn nuôi áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt VietGAHP; khuyến khích tổ chức sản xuất chăn nuôi khép kín, liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị để cắt giảm chi phí, tăng hiệu quả và giá trị gia tăng; tăng cường xây dựng vùng an toàn dịch bệnh, để doanh nghiệp phát triển vùng nguyên liệu.

 

Năm 2023, dự báo dịch bệnh vẫn tiềm ẩn những diễn biến phức tạp, vậy ngành nông nghiệp nói chung, chăn nuôi nói riêng có những giải pháp nào để phòng chống dịch bệnh, phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững.

 

Ngành chăn nuôi của tỉnh xác định nhiệm vụ kiểm soát tốt các loại dịch bệnh là nhiệm vụ trọng tâm, tạo điều kiện cho ngành chăn nuôi phát triển bền vững. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, ngành nông nghiệp đã và đang tập trung làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức và phát huy tính tự giác của người dân trong phòng chống dịch bệnh. Tăng cường công tác giám sát đến tận thôn, bản, kịp thời xử lý dứt điểm dịch. Tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ thú y trên địa bàn tỉnh đảm bảo kiểm soát tốt dịch bệnh và an toàn thực phẩm.

 

Hướng dẫn, vận động người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh; hướng dẫn người chăn nuôi thường xuyên thực hiện việc vệ sinh, khử trùng, tiêu độc tại các cơ sở chăn nuôi và môi trường xung quanh.

 

Tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh trên các đối tượng gia súc, gia cầm để tạo vùng nguyên liệu phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại tập trung, ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi giá trị; tiếp tục mở rộng chăn nuôi áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp VietGAHP, khuyến khích tổ chức sản xuất chăn nuôi khép kín, liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị để cắt giảm chi phí, tăng hiệu quả và giá trị gia tăng; tăng cường xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh, để doanh nghiệp phát triển vùng nguyên liệu.

 

Xin cảm ơn ông!

Bình luận