Nếu ở Ninh Thuận, vườn nho rộng chưa đến 0,5ha này sẽ chẳng có gì lạ. Bởi ở vùng đất có đến hơn 1.000ha nho như ở Ninh Thuận thì vườn nho này sẽ "chìm nghỉm” giữa bạt ngàn nho. Thế nhưng bên cạnh bờ nam dòng sông Lại Giang nước đầy ăm ắp, trên đồng đất xứ dừa thuộc phường Hoài Đức (thị xã Hoài Nhơn, Bình Định) xuất hiện một vườn nho phát triển sởn sơ, cho quả từng chùm, quả nào quả nấy chín mọng thì quả là hút mắt.
Không chỉ thu hút sự tò mò, người dân nơi đây ai xem vườn nho cũng đặt câu hỏi, chẳng lẽ đồng đất quê mình cũng phù hợp với loại cây trồng khó tính này? Nếu nho là cây trồng phù hợp thì nông dân ở đây sẽ có thêm cây trồng mới có hiệu quả kinh tế cao.
Hấp lực của vườn nho cuốn chân chúng tôi vào tham quan để được mục sở thị sức sống của loại cây trồng được xem là đặc thù của “chảo lửa” Ninh Thuận. Chầm chậm bước giữa hàng trăm gốc nho được trồng thẳng tắp từng hàng, tay cầm cây kéo cắt cành, ông Phùng Bá Thân (sinh năm 1966), chủ vườn nho chia sẻ: “Trồng loại cây khó tính này không thể phó mặc cho trời, phải tác động kỹ thuật. Ngoài phân bón, tưới tắm, cây nho còn cần được bấm ngọn, tỉa cành sau khi thu hoạch để cây nuôi gốc phát triển, cho quả vụ tới. Vườn nho vừa qua vụ trái chiến, thu hoạch xong giờ tôi tiếp tục chăm sóc để đón vụ quả vào dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024”.
Ông Thân vừa bấm ngọn cắt cành những cây nho trong vườn vừa kể: Năm 2019 trở về trước, ông là “thủ lĩnh” của một “đội quân” chuyên gặt lúa thuê với 8 chiếc máy gặt đập liên hợp. Hàng năm, “đội quân” của ông đi dọc suốt các tỉnh từ Bắc vào Nam để gặt lúa thuê.
Một lần đến Bắc Giang, ông ngẩn ngơ trước một trang trại trồng nho khá quy mô. Ông mạo muội xin vào tham quan, tìm hiểu và được biết đây là trại thực nghiệm của Trường Đại học Nông Lâm Bắc Giang. Trang trại có trên ngàn gốc nho, đang mùa nho cho quả, những dây nho treo lủng lẳng quả mọng nước. Hình ảnh này đã dấy lên trong ông ý định sẽ trồng nho sau khi giã từ nghề gặt lúa thuê.
Khi khắp nơi đã “phủ sóng” cơ giới hóa nông nghiệp, những chiếc máy gặt của ông Thân dần bị ế ẩm, thế là ông bán lại toàn bộ máy gặt của mình để bắt đầu thực hiện ý định trồng nho trước đây. Để học hỏi kinh nghiệm, ông vào đến Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố ở Ninh Thuận để tìm hiểu về các giống nho, đồng thời tham quan các vườn nho của người dân trồng ở đây.
“Qua tìm hiểu, tôi được biết những giống nho trồng ở Ninh Thuận chỉ thích hợp với vùng đất cát, nên việc trồng, chăm sóc có quy trình khác biệt so với những vùng đất khác nên tôi không dám đưa những giống nho này về trồng tại quê nhà”, ông Thân kể.
Cây nho trên vùng đất lạ
Không dám mạo hiểm đưa những giống nho ở Ninh Thuận về quê hương Bình Định để trồng, tháng 10/2021, ông Thân quyết định quay lại trại thực nghiệm của Trường Đại học Nông Lâm Bắc Giang, nơi đã khiến ông đau đáu với ý định trồng nho để học hỏi quy trình kỹ thuật. Sau đó ông mua 340 cây nho giống, trong đó có 280 cây giống nho Hạ đen, còn lại là các giống nho mẫu đơn, nho ngón tay đỏ, nho hồng ngọc về trồng trên đất vườn nhà. Nho được ông Thân trồng cây cách cây 1m, hàng cách hàng 2,5m.
Theo ông Thân, nho là cây khó tính, để bảo đảm cho cây sinh trưởng phát triển, người trồng cần tuân thủ nghiêm cẩn quy trình kỹ thuật mới mong mang lại thành quả. Khi nho bước vào thời kỳ ra hoa kết trái, chủ vườn phải siêng năng, thường xuyên theo dõi, tỉa cành, bấm ngọn đúng phương pháp kỹ thuật thì cây mới cho nhiều hoa và đậu quả như mong muốn.
Ông Thân chăm chút vườn nho như thanh niên chưa vợ chăm chút gương mặt điển trai của mình. Bên trên những cây nho là mái che được thiết kế theo kiểu nhà màng, vòm đan bằng thép cọng, bao phủ bằng nhựa PE để ngăn nước mưa, ngăn sương muối nhằm chống cháy lá non. Đất trồng cây nho ông vun thành luống để cây nho không bị ngập úng vào mùa mưa.
Chạy dọc các luống trồng nho là hệ thống tưới nhỏ giọt tự động, đảm bảo độ ẩm thích hợp cho cây nho phát triển tốt. Ngoài ra, ông Thân còn san lấp mặt bằng khu vườn trồng nho có độ nghiêng nhẹ để thoát nước tốt. Trên mỗi luống nho, ông sử dụng máy đào mini múc rãnh theo chiều dài, chân đế được kiềng bằng sắt, đổ trực tiếp các trụ bê tông để đỡ mái che.
“Cây nho yêu cầu cao về độ ẩm, nhưng lại không chịu được ngập úng nên phải nâng luống trồng cao hơn mặt bằng xung quanh từ 0,4 - 0,5m để cây không bị ngập úng vào mùa mưa, có điều kiện phát triển tốt nhất”, ông Thân chia sẻ kinh nghiệm.
Sau trồng 2 năm, tháng 6/2023, vườn nho của ông Thân bắt đầu cho quả. Lứa quả đầu tiên cho thu hoạch chưa nhiều, nhưng đây là tín hiệu vui vì nó giải tỏa được “lời ra tiếng vào” của người dân địa phương. Bởi khi ông đưa nho giống về trồng, ông “nhẫy tai” vì nghe láng giềng râm ran: “Ông Thân điên thật rồi, đổ tiền đống ra mua nho về trồng mà chắc gì đã có quả...”. Nhưng ông vẫn bền tâm, ông tin vào sự lựa chọn của mình vì đã tìm hiểu kỹ về kỹ thuật. Lứa quả đầu tiên, vườn nho đã cho ông Thân niềm vui khôn tả, và cho người dân địa phương “no mắt” khi đến tham quan.
Theo ông Thân, vòng đời của cây nho có thể kéo dài từ 15 - 20 năm nếu được chăm sóc tốt, đúng kỹ thuật. Thời kỳ đầu, để cây nho đủ sức khỏe, cho quả mà không bị kiệt sức, tốt nhất sau 2 năm xuống giống mới cho nho ra hoa, đậu quả. Bên cạnh đó, đất trồng cần có độ pH thích hợp, nhiều chất dinh dưỡng, nhất là canxi, kali và magie, nên sử dụng các loại phân chuồng hoai mục đã diệt khuẩn để bón cho nho. Cây nho không bị ép cho ra quả sớm sẽ tích tụ được dinh dưỡng, cho năng suất cao những năm tiếp theo và có chu kỳ khai thác lâu dài.
“Từ nay đến cuối năm tôi sẽ tập trung đầu tư chăm sóc, cắt cành tỉa ngọn, điều tiết sinh trưởng cho toàn bộ gốc nho hiện có để vườn nho cho quả đồng loạt vào dịp Tết Giáp Thìn 2024. Khi vườn nho cho quả đồng loạt tôi mới tính được năng suất thực thu, lời lãi cụ thể của cây trồng mới này như thế nào”, ông Phùng Bá Thân chia sẻ.
“Vườn nho của ông Thân dù mới cho kết quả bước đầu nhưng đã khẳng định cây nho có thể cho quả trên đồng đất Hoài Nhơn. Thời gian tới, nếu năng suất vườn nho của ông Thân cho kết quả mỹ mãn, chính quyền địa phương sẽ phối hợp với ông để tổ chức cho nông dân địa phương tham quan, học hỏi kỹ thuật để xây dựng thêm nhiều vườn nho trên địa bàn, góp phần đa dạng hóa cây trồng, nhất là loại cây trồng có giá trị cao như cây nho”, ông Nguyễn Bá Ngọc, Phó Chủ tịch UBND phường Hoài Đức cho hay.