Tan tác thú y cơ sở [Bài 3]: Tái lập hệ thống thú y là mệnh lệnh từ thực tiễn

Bình luận · 912 Lượt xem

Dịch bệnh có dấu hiệu gia tăng, nhưng hệ thống thú y cơ sở tại Thanh Hóa đang tan rã, việc tái lập các trạm thú y cơ sở là mệnh lệnh từ thực tiễn.

Ký ức buồn từ các trận "bão dịch"

Một con số rất đáng chú ý, năm 2019, bệnh dịch tả lợn Châu Phi gây thiệt hại trực tiếp cho ngành chăn nuôi khoảng 900 tỷ đồng. Trước thực tế trên, ngân sách tỉnh phải hỗ trợ trực tiếp cho người chăn nuôi hơn 400 tỷ đồng.

Trước đó, năm 2008 trận bão dịch tai xanh đã tiêu hủy gần 200.000 tấn lợn hơi. Ngay sau đó, Thanh Hóa quyết định chi ngân sách cho thú y viên cơ sở để rồi hàng chục năm sau đó, dịch bệnh trên vật nuôi được kiểm soát tốt. Nhưng giờ đây, việc tách, nhập ngành thú y đã phá tan hệ thống chân rết quan trọng này.

Năm 2020 và 2021, dịch tả lợn Châu Phi vẫn xảy ra gây thiệt hại không nhỏ cho người chăn nuôi tại nhiều địa phương. Đơn cử như tại huyện Hoằng Hóa, năm 2021, dịch tả lợn Châu Phi bùng phát, khiến trang trại lợn của gia đình anh Nguyễn Xuân Cự bị nhiễm bệnh toàn bộ đàn.

Chỉ trong vòng hơn 1 tháng, khi phát hiện lợn bị nhiễm dịch tả, trang trại của anh Cự buộc phải tiêu hủy 130 con heo nái và hơn 1.000 con heo thịt, thiệt hại gần 5 tỷ đồng và không còn vốn để tái đàn.

Những con số cụ thể nói trên cho thấy, công tác phòng chống dịch bệnh tại cơ sở là hết sức quan trọng, góp phần đảm bảo cho ngành chăn nuôi phát triển bền vững. Theo Sở NN-PTNT tỉnh Thanh Hóa, địa phương hiện có tổng đàn gia súc, gia cầm thuộc diện lớn của cả nước (với hơn 800.000 hộ chăn nuôi, nuôi trồng, hơn 23 triệu con gia cầm, 1,2 triệu con lợn, gần 500 nghìn trâu bò...) khiến áp lực trong việc phòng chống dịch bệnh, kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ càng cao, trong khi thú y cơ sở vừa thiếu, vừa yếu.

"Việc không có hệ thống thú y, công tác thú y triển khai không đúng theo quy định của Luật Thú y và các quy định hiện hành được xem là lỗi nghiêm trọng, không đủ điều kiện để công nhận vùng an toàn dịch bệnh hướng tới xuất khẩu. Sản phẩm chăn nuôi của tỉnh không được cấp phép xuất khẩu", Sở NN-PTNT Thanh Hóa cho biết.

Do vậy, mệnh lệnh từ thực tiễn về việc tái lập các trạm thú y đóng trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố, thuộc Chi cục Chăn nuôi - Thú y là việc làm hết sức cần thiết trong bối cảnh dịch bệnh có chiều hướng gia tăng. Đây là vấn đề liên quan tới sự phát triển bền vững và lâu dài của ngành chăn nuôi chứ không đơn thuần chỉ là vấn đề con người và nguồn lực.

Nhấn mạnh về vấn đề này, tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cách đây không lâu, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, vai trò của thú y cơ sở là cực kỳ quan trọng, đặc biệt là đối với những địa phương có quy mô chăn nuôi lớn như Thanh Hóa. 

“Chúng ta đã từng tiêu hủy hàng triệu con lợn vì dịch tả lợn Châu Phi, làm ảnh hưởng không nhỏ tới thị trường thịt lợn trong nước. Do đó, việc phòng, chống dịch bệnh nói chung là nhiệm vụ rất quan trọng, phải luôn trong tư thế sẵn sàng. Để làm tốt nhiệm vụ này, cơ quan có thẩm quyền cần phân bổ nguồn lực kịp thời để đơn vị được giao trách nhiệm thực hiện tốt việc phòng chống dịch. Kiên quyết không được để xảy ra tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Năm 2020, 2021 bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò hoành hành khiến nhiều địa phương phải tiêu hủy hơn 2.000 con, gây thiệt hại gần 30 tỷ đồng. Ngoài ra, từ năm 2019 đến 2021, có 5 người tử vong do bệnh dại, hơn 3.400 người phải điều trị dự phòng tại các cơ sở y tế, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, kinh tế của người dân.

 

Bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò. Ảnh: Việt Khánh.

Bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò. Ảnh: Việt Khánh.

Có Luật Thú y sao mỗi tỉnh làm một kiểu?

Hiện nay, trên địa bàn cả nước có 32/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức hệ thống thú y các cấp theo Luật Thú y (Trạm Thú y trực thuộc Chi cục Chăn nuôi và Thú y).

Riêng 5 tỉnh (Long An, Vĩnh Long, Bắc Ninh, Lào Cai, Thừa Thiên Huế) sau khi sáp nhập Trạm Khuyến nông, Trạm Thú y, Trạm bảo vệ thực vật vào Trung tâm dịch vụ nông nghiệp theo Nghị Quyết 19-NQ/TW, đã tái lập các Trạm thú y cấp huyện trực thuộc Chi cục Chăn nuôi và Thú y cấp tỉnh.

Một số địa phương khác, điển hình như Thanh Hóa vẫn chần chừ trong việc tái lập các Trạm thú y cấp huyện.

Thực tế tại tỉnh Thanh Hóa, sau khi sáp nhập các Trạm thú y, thành lập Trung tâm dịch vụ nông nghiệp xuất hiện nhiều bất cập trong quá trình hoạt động. Theo Sở NN-PTNT Thanh Hóa, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp không có chức năng quản lý nhà nước, trong khi hầu hết các hoạt động thuộc lĩnh vực thú y lại thuộc chức năng quản lý nhà nước như kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú ý, kiểm tra chuẩn đoán và lấy mẫu xét nghiệm dịch bệnh, chỉ đạo công tác phòng chống dịch, thanh tra, kiểm ta thuốc thú y. Điều này khiến công tác giám sát, phát hiện, báo cáo dịch bệnh chậm trễ, có trường hợp giấu dịch, đặc biệt là một số dịch bệnh nguy hiểm... 

Đáng chú y, sau khi sáp nhập, toàn tỉnh có 18/27 phòng NN-PTNT có cán bộ chuyên môn về chăn nuôi, thú y, chỉ có 8/27 giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp có chuyên môn chăn nuôi, thú y. Bởi vậy, việc chỉ đạo chuyên môn về công tác chuyên môn thú y gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các tình huống dịch bệnh bùng phát và lây lan rộng...

Không chỉ riêng Thanh Hóa, tại một số địa phương khác, công tác thú y cũng lâm vào cảnh rệu rã, không chỉ khiến các hộ chăn nuôi, thú y lo lắng, mà ngay cả chính quyền cấp xã ở nhiều địa phương cũng trở nên lúng túng, bị động khi không có cán bộ thú y. Trên thực tế, cũng đã có nhiều tỉnh đã nhìn nhận, vấn đề củng cố lại cán bộ thú y cấp xã là cần thiết nên đã có kiến nghị, đề xuất bổ sung chức danh cán bộ chuyên trách thú y cấp xã. 

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh cho rằng, cần đánh giá lại hiệu lực, hiệu quả thú y cơ sở sau khi thực hiện kiện toàn theo Nghị quyết của Đảng. Mọi chính sách pháp luật đều xuất phát từ thực tiễn.

Do đó, khi áp thực hiện Nghị Quyết của Đảng về việc thực hiện hợp nhất các Trạm Thú y, Trạm khuyến nông và Trạm Bảo vệ thực vật thành Trung tâm dịch vụ nông nghiệp, nếu qua hoạt động thực tiễn phát hiện bất cập, khó khăn, tác động lớn đến đời sống, kinh tế, Bộ NN-PTNT căn cứ chức năng, nhiệm vụ xem xét, kiến nghị sửa đổi cho phù hợp.

Trao đổi với phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng: “Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập là đúng đắn. Tuy nhiên, về nguyên tắc, khi Nghị quyết có hiệu lực thì phải sửa Luật Thú y cho phù hợp. Trường hợp, khi Luật Thú ý còn hiệu lực (chưa sửa luật) vẫn phải thực hiện theo Luật thú y, bởi luật pháp là tối thượng, không ai có thể đứng trên và đứng ngoài pháp luật”.

 
Bình luận