Bảo vệ nghiêm ngặt chè Shan tuyết cổ thụ

Bình luận · 198 Lượt xem

Cùng với áp dụng chặt chẽ quy trình sản xuất, chế biến sản phẩm giá trị cao và xuất khẩu, vùng chè Shan tuyết cổ thụ của Yên Bái đang được bảo vệ nghiêm ngặt.

Tuân thủ quy trình sản xuất, chế biến tỉ mỉ

Cây chè Shan tuyết gắn liền với cuộc sống của đồng bào dân tộc vùng cao, trong đó chủ yếu là đồng bào người Mông. Trước đây, cây chè Shan tuyết chủ yếu được trồng để giữ đất, giữ nước, chống xói mòn và bảo vệ làng bản. Ngày nay, chè Shan tuyết đã trở thành sản phẩm hàng hóa có giá trị, mang lại thu nhập chính cho nhiều hộ dân, đồng thời tạo ra những nét đặc trưng riêng để thu hút khách du lịch khám phá, trải nghiệm.

 

Ai đã từng lên xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn (tỉnh Yên Bái) đều không khỏi ngỡ ngàng trước bạt ngàn những cây chè Shan tuyết cổ thụ to lớn, thân nhuộm màu trắng mốc, uốn lượn nhiều cành buộc người hái phải trèo lên mới thu hoạch được. Vùng chè Shan tuyết ở Suối Giàng trải rộng trên diện tích gần 500ha, trong đó diện tích cây mọc tự nhiên là 293ha, chủ yếu ở các thôn Giàng Cao, Giàng B, Pang Cáng, Tập Lăng, Suối Lóp…

 

Suối Giàng hiện có quần thể hơn 40.000 cây chè Shan tuyết cổ thụ có tuổi đời từ trên 100 đến 300 năm. Chè Shan tuyết có phần búp rất to, bên ngoài búp chè được phủ một lớp lông tơ trắng mịn như tuyết. Chè Shan tuyết đa phần mọc tự nhiên nên cây rất khỏe, hầu hết đều thành cây cổ thụ, không cần chăm bón nhiều.

 

Anh Mùa A Chu (xã Suối Giàng) chia sẻ: Khi thu hoạch chè Shan tuyết, người dân chỉ hái những búp đã già, càng phủ tuyết trắng thì hương vị và dược tính càng mạnh. Toàn bộ quy trình sao chè đều được thực hiện rất tỉ mỉ, củi sử dụng cũng phải là loại củi phơi khô cháy đượm thì khi chè sao ra nước mới xanh. Búp chè đưa vào chảo vò nhẹ nhàng, vò thật khéo sao cho chè không bị nát, không làm rơi hết phần tuyết bám trên lá và búp. Sau khi sao xong, những búp chè đã săn lại bằng hạt đỗ xanh, tuyết vẫn còn phủ trắng, có hương rất thanh.

 

Ông Lường Văn Tâm - Chủ tịch UBND xã Suối Giàng cho biết, trên địa bàn xã hiện có 2 công ty chế biến chè gồm Công ty TNHH Sổng Gia Trà và Công ty Cổ phần Chè Shan tuyết. Ngoài ra còn có 3 HTX sản xuất chè gồm HTX Suối Giàng, HTX Sản xuất chè hữu cơ Suối Giàng và HTX Hệ sinh thái du lịch Suối Giàng, cùng 12 hộ sản xuất, chế biến, kinh doanh chè. Hiện xã đã có 6 sản phẩm OCOP 4 sao như Tuyết sơn trà Suối Giàng, Hồng trà Suối Giàng, Hoàng trà Suối Giàng, Diệp trà Suối Giàng, Bạch trà Suối Giàng.

 

Bà Lâm Thị Thoa - Giám đốc HTX chè Suối Giàng (huyện Văn Chấn) cho biết, HTX đã ký cam kết với các hộ dân trong xã để bao tiêu, thu mua chè búp tươi cho bà con với giá ổn định và quy hoạch vùng nguyên liệu lâu dài. Việc chế biến, đóng gói các sản phẩm chè được thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo các tiêu chuẩn nghiêm ngặt nên chất lượng các sản phẩm chè được nâng cao, người thưởng trà trong và ngoài nước rất ưa chuộng.

 

Sản phẩm Diệp trà Shan tuyết và Hồng trà Shan tuyết của HTX chè Suối Giàng là 2 trong số 10 sản phẩm nông sản của tỉnh Yên Bái vừa được xuất khẩu sang thị trường Anh. Các sản phẩm này đều đảm bảo các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm, chỉ tiêu chất lượng, thiết kế bao bì, nhãn mác theo tiêu chuẩn châu Âu.

 

Bảo vệ nghiêm ngặt

Yên Bái được biết đến là địa phương có diện tích chè Shan tuyết lớn hàng đầu cả nước và được các nhà khoa học đánh giá là một trong những vùng đất thủy tổ của cây chè, mang nhiều nguồn gen quý hiếm, với hương vị chè đặc trưng không nơi nào có được. Bảo tồn và phát triển bền vững cây chè Shan tuyết có ý nghĩa cấp thiết, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội cho đồng bào vùng cao.

 

Để bảo tồn, phát huy giá trị chè Shan tuyết, tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo các địa phương phối hợp với các ngành hữu quan thực hiện gắn biển có đánh số thứ tự, ghi thông tin, lập sổ theo dõi, lập sơ đồ số, gắn biển chỉ dẫn tại các khu tập trung nhằm hướng dẫn, quảng bá vùng chè Shan tuyết cổ thụ. Cùng với đó, ra văn bản chỉ đạo kiểm tra, giám sát, cấm khai thác, vận chuyển chè cổ thụ ra khỏi địa bàn, trường hợp phát hiện hành vi chặt hạ, khai thác sẽ bị xử lý nghiêm.

 

Người dân ở xã Kiên Thành (huyện Trấn Yên, Yên Bái) đang mở rộng diện tích chè Shan tuyết để phát triển kinh tế và làm du lịch. Ảnh: Thanh Tiến.

Người dân ở xã Kiên Thành (huyện Trấn Yên, Yên Bái) đang mở rộng diện tích chè Shan tuyết để phát triển kinh tế và làm du lịch. Ảnh: Thanh Tiến.

 

Song song với việc bảo tồn và mở rộng diện tích chè Shan tuyết, tỉnh Yên Bái đã và đang đẩy mạnh việc quảng bá sản phẩm chè Shan tuyết gắn với thu hút đầu tư du lịch sinh thái cho những vùng chè Shan tuyết tập trung, tổ chức liên kết hợp tác theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp chế biến và người dân trồng chè. Mục tiêu trong tương lai, cây chè Shan tuyết cổ thụ và sản phẩm từ chè sẽ trở thành điểm nhấn trong hành trình khám phá, trải nghiệm du lịch của địa phương.

Bình luận