Tây Ninh hiện thực hóa Đề án trồng 1 tỷ cây xanh

Bình luận · 257 Lượt xem

Rừng có vai trò rất lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Tây Ninh. Vì thế, trồng rừng được xem là nhiệm vụ hàng đầu tại tỉnh này.

Trồng rừng để giữ rừng

Với vai trò trấn giữ thượng nguồn hồ Dầu Tiếng, bên cạnh việc bảo vệ rừng, trồng rừng được Tây Ninh quyết tâm thực hiện để bảo vệ rừng đầu nguồn - sự sống của cả khu vực.

Một góc hồ Dầu Tiếng, công trình trọng điểm an ninh quốc gia. Ảnh: Trần Trung.

Một góc hồ Dầu Tiếng, công trình trọng điểm an ninh quốc gia. Ảnh: Trần Trung.

Vượt chặng đường gần 100km, chúng tôi đến với hồ Dầu Tiếng. Với tổng diện tích 27km2, hồ Dầu Tiếng là một trong những hồ nhân tạo lớn nhất Đông Nam Á, công trình trọng điểm an ninh quốc gia và là "túi giữ nước" của cả vùng Đông Nam bộ. Hồ vừa cung cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và sinh hoạt cho 5 tỉnh, thành; vừa phòng - cắt lũ, đẩy mặn và cải tạo môi trường cho hạ du... Công trình kỳ vỹ này được bao bọc bởi hàng nghìn ha rừng xanh tốt, từ fly cam nhìn xuống, khu lòng hồ như túi giữ nước khổng lồ, nằm giữa khoảng xanh bao la.

Theo Ban Quản lý (BQL) Rừng phòng hộ Dầu Tiếng, bảo vệ hồ Dầu Tiếng được xem là nhiệm vụ tối quan trọng. Trong đó, bảo vệ rừng đầu nguồn hồ Dầu Tiếng là biện pháp quan trọng hàng đầu để bảo vệ công trình, nguồn nước, cũng như bảo vệ sự sống của cả khu vực.

“Công trình sẽ thiếu bền vững nếu rừng vô chủ", đó là câu nói chắc nịch mà ông Phạm Chí Trung - Giám đốc BQL Rừng phòng hộ Dầu Tiếng chia sẻ khi tiếp chuyện chúng tôi về các biện pháp giữ rừng. Từ phương châm đó, Ban đã chủ động xây dựng các nhóm hộ nhận khoán, khoanh nuôi bảo vệ rừng. Đồng thời, tăng cường lực lượng cho các đội, nhóm hộ quản lý, bảo vệ rừng, bám sát địa bàn để phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời những vi phạm mới phát sinh… Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, từ khi thành lập đến nay, diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn hồ Dầu Tiếng được bảo vệ nguyên vẹn, rừng trồng không ngừng phát triển.

Cán bộ BQL Rừng phòng hộ Dầu Tiếng tuần tra rừng. Ảnh: Trần Trung.

Cán bộ BQL Rừng phòng hộ Dầu Tiếng tuần tra rừng. Ảnh: Trần Trung.

Gia đình anh Chu Đức Toàn, ngụ ấp 2, xã Suối Ngô là một trong những hộ đầu tiên ở huyện Tân Châu (Tây Ninh) tham gia nhận khoán trồng rừng. Với diện tích 20ha tại Tiểu khu 38, 39 (đội Suối Ngô, Ban Quản lý Rừng phòng hộ Dầu Tiếng), trung bình mỗi năm, gia đình anh thu trên 200 triệu đồng từ các loại lâm sản trên đất rừng được giao. “Nhờ trồng rừng, kinh tế gia đình tôi ổn định gần 20 năm nay”, anh Toàn chia sẻ.

Trước đây, gia đình anh Toàn thuê đất trồng mì (sắn) và mía nhưng mùa được, mùa thất, giá cả không ổn định. Từ khi ký hợp đồng trồng rừng (thời hạn 50 năm), toàn bộ diện tích đất được giao gia đình trồng sao, dầu, xen canh cây cao su. Bắt đầu từ năm thứ nhất đến năm thứ ba, anh trồng xen canh mì để kiếm thêm thu nhập. Tới năm thứ năm, gia đình bắt đầu có thu nhập từ cây rừng trồng như gỗ, củi, mủ cao su... trên diện tích nhận khoán. Ngoài trồng rừng, mỗi hộ nhận khoán làm thêm nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và phòng chống cháy rừng.

Khu rừng do gia đình anh Chu Đức Toàn (ấp 2, xã Suối Ngô, huyện Tân Châu, Tây Ninh) nhận khoán trồng, khoanh nuôi, bảo vệ. Ảnh: Trần Trung.

Khu rừng do gia đình anh Chu Đức Toàn (ấp 2, xã Suối Ngô, huyện Tân Châu, Tây Ninh) nhận khoán trồng, khoanh nuôi, bảo vệ. Ảnh: Trần Trung.

“Gia đình đã gắn bó nhiều năm với rừng. Do ở gần rừng nên tiện cho chúng tôi qua lại canh tác, chăm sóc. Điều thuận lợi là trồng cây rừng phù hợp, ít chi phí đầu tư so với các loại cây nông nghiệp khác. Khi trồng một cây rừng thì nó đã là một phần tài sản, nên mình phải bảo vệ và chăm sóc. Chính phủ đã kêu gọi người dân cùng chung tay bảo vệ rừng. Trồng rừng vừa phát triển kinh tế gia đình, phát triển cây xanh và bảo vệ được môi trường xanh toàn cầu”, anh Toàn chia sẻ.

Ông Phạm Chí Trung - Giám đốc BQL Rừng phòng hộ Dầu Tiếng cho biết, đến nay, BQL đã thực hiện giao khoán cho người dân tổ chức trồng, chăm sóc, bảo vệ trên 7.300/20.144ha rừng đặc dụng, phòng hộ toàn tỉnh. Riêng năm 2022, BQL đã thực hiện 659ha/308 hộ nhận khoán trồng rừng (gồm hơn 202ha/102 hộ năm 2021, 456ha/206 hộ năm 2022), đạt 132% kế hoạch. Đến năm 2025, BQL sẽ tiếp tục tổ chức trồng thêm 1.000ha rừng theo chỉ tiêu UBND tỉnh giao.

Anh Chu Đức Toàn bên cây rừng do gia đình anh dày công vun trồng, bảo vệ. Ảnh: Trần Trung.

Anh Chu Đức Toàn bên cây rừng do gia đình anh dày công vun trồng, bảo vệ. Ảnh: Trần Trung.

Hiện thực hóa Đề án trồng 1 tỷ cây xanh

Những ngày tháng 9 lịch sử, cả nước nô nức đón ngày Tết Độc lập, đi khắp các địa bàn tỉnh Tây Ninh, chúng tôi được chứng kiến một diện mạo mới với màu xanh ngút ngàn trên những cánh rừng hay giữa không gian đô thị hiện đại. Đây là kết quả bước đầu triển khai Đề án “Trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025” của Thủ tướng Chính phủ.

Theo ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở NN-PTNT Tây Ninh, Tây Ninh, rừng tự nhiên ở tỉnh Tây Ninh có vai trò và giá trị rất lớn đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Rừng ở Tây Ninh có giá trị cao về môi trường sinh thái; phòng chống xói mòn, rửa trôi đất; ngăn lũ ống, phòng hộ đầu nguồn… Ông Xuân đánh giá, Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là một đề án thiết thực.

Rừng có vai trò rất lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trồng, khoanh nuôi, bảo vệ rừng được xem là nhiệm vụ hàng đầu tại đây. Ảnh: Trần Trung.

Rừng có vai trò rất lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trồng, khoanh nuôi, bảo vệ rừng được xem là nhiệm vụ hàng đầu tại đây. Ảnh: Trần Trung.

Để hiện thực hoá Đề án, tỉnh Tây Ninh đã ban hành chương trình hành động cụ thể, ngoài cây xanh đô thị, Tây Ninh tập trung trồng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và trồng mới rừng sản xuất nhằm góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan và ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và sự phát triển bền vững của Tây Ninh nói riêng, đất nước nói chung.

Hiện toàn tỉnh Tây Ninh đã trồng 1,8 triệu cây giống lâm nghiệp do nhà nước tài trợ. Năm 2022, tỉnh phân bổ 244.000 cây giống các loại cho các tổ chức, cơ quan và cá nhân trồng phân tán trên địa bàn tỉnh. Hầu hết cây xanh được trồng tại các khu vực hành lang giao thông, ven kênh, mương, bờ lô rừng trồng, chốt, trạm bảo vệ rừng, trong khuôn viên trụ sở, cơ quan, xí nghiệp, doanh trại quân đội... Ngoài các loại cây giống được phân bổ, một số tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp còn tự gieo ươm khoảng 500.000 cây giống các loại. Đây là chương trình được người dân rất đồng tình, hưởng ứng.

Tây Ninh nỗ lực trồng rừng trên vùng bán ngập, bảo vệ lòng hồ Dầu Tiếng. Ảnh: Trần Trung.

Tây Ninh nỗ lực trồng rừng trên vùng bán ngập, bảo vệ lòng hồ Dầu Tiếng. Ảnh: Trần Trung.

Trong đó, phải kể đến những người đã dành tâm huyết của mình với cây xanh, với rừng, với thiên nhiên. Đó là ông Nguyễn Thanh Tùng, người bảo vệ và trồng rừng ở Khu di tích rừng Năm Trại (thị xã Hoà Thành); ông Trần Thanh Hạnh, người ươm trồng hơn 10ha giống tràm 5 gân để phủ thêm mảng xanh cho vùng đất bán ngập ở đảo Nhím (hồ Dầu Tiếng), hay ông Võ Văn Ten ở xã Suối Đá (huyện Dương Minh Châu) gắn cả đời mình với cánh rừng trồng 70ha đầy những gốc sưa, xoan đào hơn 20 năm tuổi... “Khi thấy Đề án trồng 1 tỷ cây xanh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, chúng tôi mừng lắm. Vì nỗ lực trồng rừng của những nông dân như chúng tôi được thêm phần khích lệ” ông Trần Thanh Hạnh chia sẻ.

Lãnh đạo tỉnh Tây Ninh thị sát rừng trồng trên vùng bán ngập hồ Dầu Tiếng. Ảnh: Trần Trung.

Lãnh đạo tỉnh Tây Ninh thị sát rừng trồng trên vùng bán ngập hồ Dầu Tiếng. Ảnh: Trần Trung.

Ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở NN-PTNT Tây Ninh cho biết thêm, mục tiêu của Đề án trồng 1 tỷ cây xanh của Chính phủ là đến hết năm 2025, cả nước phấn đấu trồng 1 tỷ cây xanh, trong đó 690 triệu cây trồng phân tán ở các khu đô thị và vùng nông thôn, 310 triệu cây trồng tập trung trong rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và trồng mới rừng sản xuất (bình quân trồng 138 triệu cây/năm) nhằm góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan, ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và sự phát triển bền vững của đất nước.

Cây gáo vàng được trồng ở vùng bán ngập hồ Dầu Tiếng. Ảnh: Trần Trung.

Cây gáo vàng được trồng ở vùng bán ngập hồ Dầu Tiếng. Ảnh: Trần Trung.

“Trồng rừng không chỉ bảo vệ cảnh quan môi trường và đa dạng sinh học mà còn mang lại nguồn lợi to lớn cho địa phương nói riêng, cả nước nói chung. Phong trào trồng cây phân tán trong nhân dân phát triển mạnh, mang lại hiệu quả thiết thực. Trồng cây vừa gây rừng, đem lại màu xanh cho cảnh quan môi trường, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm sức ép nhu cầu gỗ từ rừng tự nhiên, vừa tạo sinh kế bền vững cho người dân...", ông Nguyễn Đình Xuân nói.

Bình luận