Rừng vàng ở chiến khu xưa

Bình luận · 231 Lượt xem

Tháng 8, giữa những cơn mưa bất chợt, chúng tôi về với ATK Chợ Đồn, dọc đường, những cánh rừng ngút tầm mắt. Rừng từng chở che kháng chiến, nay đã thành ‘mỏ vàng xanh’.

"Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù"

An toàn khu (ATK) Chợ Đồn (tỉnh Bắc Kạn) từng là nơi ở và làm việc của Trung ương Đảng trong những năm kháng chiến chống Pháp. Những địa danh nổi tiếng như Nà Pậu, Khuổi Linh, Bản Ca đã đi vào lịch sử, nơi in dấu chân của Chủ tịch Hồ Chí Minh và lãnh đạo Đảng trong những năm kháng chiến. 

Di tích Khuổi Linh (ATK Chợ Đồn) - nơi làm việc của Tổng Bí thư Trường Chinh từ năm 1950 - 1951. Ảnh: Quang Linh. 

Di tích Khuổi Linh (ATK Chợ Đồn) - nơi làm việc của Tổng Bí thư Trường Chinh từ năm 1950 - 1951. Ảnh: Quang Linh. 

Từ năm 1947 đến 1951, Bác Hồ đã ở và làm việc tại Bản Ca, Nà Quân (xã Bình Trung), Nà Pậu (xã Lương Bằng). Huyện Chợ Đồn còn là nơi ở và làm việc của đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng ở Khuổi Linh (xã Nghĩa Tá); Thủ tướng Phạm Văn Đồng ở đồi Khau Mạ (xã Lương Bằng)...

Trong ký ức của những người tuổi đã xưa nay hiếm, ATK Chợ Đồn xưa kia rừng núi trùng điệp, dân cư thưa thớt. Dọc con đường mòn từ ATK Chợ Đồn sang ATK Định Hóa (tỉnh Thái Nguyên) heo hút, hai bên đường là những cây cổ thụ che kín lối đi. Căn cứ cách mạng nơi lãnh đạo Đảng sống và làm việc lọt thỏm giữa bạt ngàn rừng núi. Lúc đó, rừng cùng đồng bào đã che chở cán bộ, rừng ngăn bước quân thù.

Sau ngày đất nước thống nhất (năm 1975) đến những năm 90 của thế kỷ XX, đời sống khó khăn, trồng lúa nước không đủ ăn, người dân phát nương làm rẫy, những cánh rừng dần biến mất. Những vạt rừng cổ thụ với những cây gỗ mấy người ôm không xuể bị đốn hạ ngổn ngang, sau đó đốt để lấy đất màu trồng lúa nương, trồng sắn. Sau hai vụ, đất hết màu mỡ, đồng bào lại phá khu rừng khác. Cứ thế, những cánh rừng bạt ngàn dần trơ trọi, chỉ còn cỏ dại, sỏi đá.

Trong ký ức của nhiều người, có giai đoạn muốn kiếm bó củi phải đi hàng chục cây số tận trong rừng sâu. Sau mỗi trận mưa lớn, đất rừng bạc màu, đất bùn tràn về bản làng ngập ruộng, ngập ao. Có những trận lũ ngập trắng cả cánh đồng, mùa màng thất bát, đời sống càng thêm khó khăn.

Những cánh rừng trồng bạt ngàn ở xã Bình Trung, huyện Chợ Đồn hôm nay. Ảnh: Ngọc Tú. 

Những cánh rừng trồng bạt ngàn ở xã Bình Trung, huyện Chợ Đồn hôm nay. Ảnh: Ngọc Tú. 

Rừng ở Chợ Đồn chỉ bắt đầu hồi sinh từ năm 1997 khi triển khai dự án PAM. Người dân nô nức trồng rừng, nhà nhà, người người trồng rừng, đồi núi trọc dần có thêm những mảng xanh. Nhưng rừng vẫn chưa mang lại quá nhiều giá trị kinh tế, khi đó người dân nô nức trồng rừng chủ yếu để đổi lấy gạo do nhà nước hỗ trợ để lo cái ăn trước mắt, chứ chưa mấy ai quan tâm cây rừng trồng lên sống chết ra sao.

Đánh thức “vàng xanh"

Những cánh rừng ở chiến khu xưa chỉ thực sự “thức giấc” và trở thành “vàng xanh” trong khoảng hơn 15 năm trở lại đây.

Những ngày cuối tháng 8, chúng tôi trở lại ATK Chợ Đồn, tuyến Quốc lộ 3C đi qua các xã chiến khu xưa như Bình Trung, Nghĩa Tá, Lương Bằng, Bằng Lãng đã được mở rộng, dọc hai bên đường, những ngôi nhà xây hai ba tầng mọc lên ngày càng nhiều. Đi đến đâu cũng thấy những cánh rừng bạt ngàn, ngút tầm mắt, dọc đường thi thoảng lại gặp bà con mồ hôi nhễ nhại đang khai thác rừng trồng chuẩn bị đem bán.

Bình Trung cách đây hơn chục năm là xã rất nghèo, giờ quay trở lại mọi thứ đã đổi thay. Trong trụ sở mới khang trang, ông Hoàng Văn Hỷ, Chủ tịch UBND xã Bình Trung hồ hởi chia sẻ, cả xã có gần 5.600ha rừng sản xuất thì người dân đã trồng hết, tỷ lệ che phủ rừng gần 78%. Toàn xã cũng có hơn 10 cơ sở, nhà máy chế biến gỗ, trong đó có 2 nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu sang Đài Loan, Nhật Bản. Bây giờ xã đã có nhiều tỷ phú nhờ trồng rừng, có người sở hữu hàng trăm ha rừng trồng, những hộ có vài ba chục ha đếm không xuể.

Trung tâm xã Bình Trung ngày nay đang đổi thay nhanh chóng. Ảnh: Ngọc Tú. 

Trung tâm xã Bình Trung ngày nay đang đổi thay nhanh chóng. Ảnh: Ngọc Tú. 

Đi dọc quốc lộ 3C qua xã Bình Trung, chứng kiến những ngôi nhà khang trang, xe cộ sầm uất, buôn bán nhộn nhịp, chúng tôi tin lời ông Chủ tịch xã.

Nói đến trồng rừng, ở Bình Trung không ai không biết đến hai anh em Nông Văn Chiến và Nông Văn Hoàn. Anh Chiến sở hữu gần 100ha rừng, còn người em cũng có trên 30ha. Liên hệ nhiều lần qua điện thoại, anh Chiến báo bận vì đang chở gỗ đi bán ở tỉnh xa, anh Hoàn tiếp chúng tôi trong căn nhà 2 tầng khang trang.

Vốn là người bản địa, trước năm 2007, cũng như nhiều người khác trong thôn, anh Chiến đi làm công nhân ở tỉnh khác nhưng đồng lương ít ỏi, không giúp đời sống khấm khá hơn. Năm 2008, anh quyết định trở về quê hương, việc đầu tiên anh làm là trồng rừng.

Dọc con đường lâm nghiệp mới mở, dẫn chúng tôi đi thăm rừng, anh Hoàn chia sẻ, lúc mới đi công nhân về, trong xã vẫn còn ít người trồng rừng nên anh phải tự mày mò xem kỹ thuật trồng thế nào. Trồng rừng vốn vất vả, mưa nắng sớm hôm, tiền thì phải mấy năm sau mới thấy nên ai không kiên trì khó mà thành công.

Giờ có hơn 30ha rừng, ai cũng bảo sao có nhiều rừng thế, nhưng đó là thành quả, mồ hôi của gia đình anh đã đổ ra suốt từ năm 2008 đến nay. Năm ngoái, anh bán 4ha cây mỡ được hơn 400 triệu đồng, vừa rồi bán thêm 3ha cây keo được thêm 200 triệu đồng nữa. Có tiền, anh xây nhà, lo con cái học hành đầy đủ, còn lại tiếp tục tái đầu tư cho rừng.

Anh Nông Văn Hoàn (phải) tại rừng mỡ của gia đình. Ảnh: Quang Linh.

Anh Nông Văn Hoàn (phải) tại rừng mỡ của gia đình. Ảnh: Quang Linh.

Đời người trồng rừng vốn không nghỉ ngơi, hết lứa này lại trồng vụ khác. Dừng chân dưới tán rừng mỡ đã gần chục năm tuổi, anh Hoàn nhẩm tính, giờ còn hơn 5ha cây mỡ đã trồng từ 2009, hơn 15ha cây keo, quế cũng đã sắp được khai thác. Thu về tiền tỷ giờ không còn khó, nhưng anh cũng không thể khai thác ồ ạt được, phải tỉa bán dần, chuyển dần sang rừng gỗ lớn để cho giá trị cao hơn. 

Tính là vậy thôi, nhưng trồng rừng cũng không phải không có rủi ro, cây keo chỉ cần một trận gió lốc có thể gãy đổ cả một vạt rừng, rồi giá cả cũng biến động từng ngày.

Người trồng rừng giờ có của ăn của để, phần vì nhu cầu thị trường ngày càng lớn, nhưng phần nhiều là nhờ hệ thống đường lâm nghiệp đã mở rộng chằng chịt đến tận đồi cây. Trước đây chi phí tiền công đưa cây giống, phân bón, rồi công thuê khai thác chiếm quá nửa, nhưng giờ đi lại dễ dàng, lợi nhuận người trồng rừng đã cao hơn rất nhiều.

Câu chuyện với anh Hoàn về trồng rừng đang sôi nổi, chúng tôi phải chia tay để mục sở thị một thôn cũng được coi là thủ phủ trồng rừng khác ở Bình Trung.

Thôn Nà Quân trong quá khứ là nơi được chọn làm điểm đặt hội trường Trung ương Đảng (Hội trường tám mái) trong các năm từ 1947 đến 1952. Đây là nơi diễn ra Hội nghị tổng kết Chiến dịch Biên giới. Đến Nà Quân hôm nay, diện mạo bản làng đã khang trang, đường làng ngõ xóm sạch sẽ, đời sống nhân dân dần khấm khá. Chỉ cách đây chục năm, cả thôn là hộ nghèo thì nay trong tổng số 53 hộ có 17 hộ đã xây nhà cao tầng kiên cố. Ở Nà Quân, hộ ít có vài ha, nhiều vài chục ha rừng.

Những cánh rừng trồng tại thôn Nà Quân (xã Bình Trung). Ảnh: Ngọc Tú. 

Những cánh rừng trồng tại thôn Nà Quân (xã Bình Trung). Ảnh: Ngọc Tú. 

Gia đình ông Hoàng Văn Bút, Trưởng thôn Nà Quân trồng được gần 5ha cây mỡ, vừa rồi khai thác hơn 1ha, thu về hơn 200 triệu đồng. Cách không xa nhà ông Bút, ông Vàng có hơn 30ha rừng, năm rồi mới thu hoạch bán một phần đã thu về tiền tỷ...

“Không có kinh tế rừng, Bình Trung cũng như các xã trong vùng ATK Chợ Đồn không thể phát triển như hôm nay. Kinh tế rừng cùng với công nghiệp chế biến đã tạo động lực để thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao thu nhập người dân.

Cùng với những chính sách hỗ trợ của nhà nước, địa phương và bà con coi rừng là "mỏ vàng xanh" cần chăm chút, khai thác bền vững, vừa làm giàu vừa gìn giữ cho thế hệ mai sau, đưa kinh tế bà con phát triển để xứng đang với truyền thống quê hương cách mạng”, ông Hoàng Văn Hỷ, Chủ tịch UBND xã Bình Trung chia sẻ.

Bình luận