Nuôi ốc len dưới tán rừng giúp bảo vệ rừng hiệu quả

Bình luận · 231 Lượt xem

Đó là cách làm hiệu quả của Ban quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ (TP.HCM) để giúp những hộ giao khoán rừng có thêm thu nhập, yên tâm giữ rừng.

Mỗi ngày, công việc của vợ chồng chị Nguyễn Thị Loan (thuộc phân khu 1, Ban quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ) là đi tuần tra, bảo vệ rừng. Gia đình chị là một trong 159 hộ dân được giao khoán giữ rừng tại đây.

Từ nhiều năm nay, trong mỗi lần đi tuần tra rừng, chị Loan cùng chồng tranh thủ bắt những con ốc len, ốc giác, cua… để cải thiện thu nhập. Tuy nhiên, ốc len là loài thủy sản có số lượng nhiều nhất và giá trị kinh tế cao nhất. Khi thủy triều dâng cao, ốc len bò lên rễ và thân cây đước để trú ngụ. Khi thủy triều xuống, ốc len di chuyển từ trên cây xuống bãi sình lầy tìm kiếm thức ăn. Hiện mỗi kg ốc len được thương lái thu mua với giá từ 120.000 - 130.000 đồng.

Tranh thủ mỗi chuyến đi tuần tra bảo vệ rừng, vợ chồng anh Lới kết hợp bắt ốc len giúp tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Ảnh: Lê Bình.

Tranh thủ mỗi chuyến đi tuần tra bảo vệ rừng, vợ chồng anh Lới kết hợp bắt ốc len giúp tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Ảnh: Lê Bình.

“Có hôm nước lớn, ốc bám lên cây nhiều thì cũng được cả chục kg. Tiền bán mỗi lần trúng như thế này cũng được vài trăm ngàn, có khi hơn một triệu đồng”, chị Loan khoe.

Nhận thấy hiệu quả kinh tế cao, nhất là phù hợp với định hướng đa dạng sinh vật và bảo vệ rừng, chị Loan đã xin phép Ban quản lý Khu Dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ thả ốc len giống tại bìa rừng, khu vực mình phụ trách và được đồng ý.

Ốc len ăn chọn lọc các loài tảo đáy hoặc mùn bã hữu cơ nên không cần đầu tư thức ăn. Thời gian thả nuôi ốc len khoảng 5 - 6 tháng sẽ cho thu hoạch. Do thả với số lượng giống ít nên năm 2022, chị Loan mới chỉ thu lời được từ 20 - 30 triệu đồng từ tiền bán ốc len.

Với giá khoảng 120.000 đồng/ kg, chị Loan cũng kiếm được 300.000 - 400.000 đồng/ ngày. Ảnh: Lê Bình.

Với giá khoảng 120.000 đồng/ kg, chị Loan cũng kiếm được 300.000 - 400.000 đồng/ ngày. Ảnh: Lê Bình.

Tương tự, gia đình anh Nguyễn Anh Dũng và chị Trương Thị Ánh Hồng (hộ dân được giao khoán giữ rừng tại xã Tam Thôn Hiệp) cũng tận dụng điều kiện tự nhiên của rừng ngập mặn Cần Giờ để nuôi ốc len.

Công việc chính của anh Dũng là tuần tra bảo vệ rừng, việc nuôi ốc chủ yếu do vợ anh đảm nhận. Do tiền khoán bảo vệ rừng thường nhận vào mỗi quý nên vợ chồng anh Dũng coi đó là của để dành, còn tiền chi tiêu hàng ngày sẽ dựa vào tiền nuôi, bán ốc len.

“Nhờ vậy mà mình có của dư cho con cái, cho những dự định riêng. Rừng cho mình cơm ăn áo mặc, cho mình cuộc sống đủ đầy. Giờ con cái hay người khác mà bảo dọn đi đâu ở cũng không được. Mình bảo vệ rừng, sống nhờ rừng quen rồi nên đi đâu chăng nữa cũng khó lắm. Bảo vệ rừng và nuôi ốc len để sống như bổn phận và đặc ân đối với mình”, anh Dũng chia sẻ.

Trong mỗi lần đi bắt ốc len, cả gia đình anh Lới và anh Dũng đều tranh thủ cắm những trái đước xuống vị trí đất trống để tái tạo rừng. Nhờ đó, sau một thời gian, những khoảng trống được lấp đầy bởi những cây đước con. “Trừ những sự cố lớn như cây bị mục, gãy đổ nhiều thì mình sẽ phải báo cáo lại phân khu. Còn đối với những khoảng trống nhỏ thế này thì mình sẽ chủ động cắm những quả đước xuống đất, nó sẽ tự lên cây con sau 1-2 tuần”, anh Lới chia sẻ.

Ông Huỳnh Đức Hoàn, Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ cho biết, hiện ban có 39 tổ tự quản bảo vệ rừng và 159 hộ dân giao khoán giữ rừng. Nhiệm vụ của mỗi tổ hàng tháng là 6 buổi vào ban ngày và 3 buổi ban đêm. Ngoài ra, mỗi cá nhân sẽ phải tự đảm bảo nhiệm vụ bảo vệ rừng với giá khoán là hơn 1 triệu đồng/ha/năm.

Khuyến khích nuôi ốc len dưới bìa rừng ngập mặn cũng là cách mà Ban quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ giúp các hộ dân giao khoán vững kinh tế, yên tâm 'gác' rừng. Ảnh: Lê Bình.

Khuyến khích nuôi ốc len dưới bìa rừng ngập mặn cũng là cách mà Ban quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ giúp các hộ dân giao khoán vững kinh tế, yên tâm "gác" rừng. Ảnh: Lê Bình.

“Ngoài bảo vệ rừng, Ban quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ khuyến khích các hộ giao khoán nuôi trồng thủy sản, phù hợp với định hướng bảo vệ rừng. Việc này không chỉ giúp các hộ giao khoán rừng có thêm công ăn việc làm những lúc rảnh rỗi mà còn trực tiếp duy trì sự đa dạng tài nguyên sinh vật tại địa phương”, ông Hoàn chia sẻ.

Cũng theo Ban quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ, nhờ chăm lo tốt cho đời sống các tổ giao khoán bảo vệ rừng, những năm gần đây diện tích rừng Cần Giờ liên tục được cải thiện, không xảy ra vụ xâm hại rừng nào nghiêm trọng. Việc tuần tra bảo vệ rừng của các tổ cũng được phát huy hiệu quả hơn với số lượng tuần tra nhiều hơn, thông tin hai chiều với Ban quản lý rừng cũng liên tục hơn.

Rừng phòng hộ Cần Giờ (TP. HCM) với diện tích gần 35.000 ha rừng ngập mặn có các hệ sinh thái phong phú, là nơi sinh sống cho nhiều loại động, thực vật hoang dã có giá trị kinh tế, khoa học và đóng góp nhiều giá trị to lớn trong việc phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ gìn giữ môi trường sinh thái, ổn định đời sống cho dân cư địa phương và các vùng lân cận.

Bình luận