Người dân hưởng lợi từ dự án trồng rừng FMCR

Bình luận · 232 Lượt xem

Sau 3 năm triển khai, cộng đồng tham gia dự án trồng rừng FMCR tại TP Móng Cái (Quảng Ninh) đều có thu nhập ổn định và có phần cao hơn so với trước.

Người dân tham gia dự án trồng rừng ngập mặn tại TP Móng Cái (Quảng Ninh). Ảnh: Nguyễn Thành.

Người dân tham gia dự án trồng rừng ngập mặn tại TP Móng Cái (Quảng Ninh). Ảnh: Nguyễn Thành.

Dự án "Hiện đại hóa ngành lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu ven biển" (FMCR) do Bộ NN-PTNT phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam thực hiện. Dự án sử dụng vốn vay từ Ngân hàng Thế giới, thực hiện từ năm 2019 đến 31/12/2023 tại 8 tỉnh, thành phố ven biển là Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế.

Dự án gồm các hợp phần chính là trồng, phục hồi rừng và quản lý bảo vệ rừng; xây dựng các công trình chống sạt lở, gây bồi, tạo bãi trồng rừng; nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, chế biến và tiếp thị hàng hóa; đầu tư công nghệ phục vụ phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp.

Với mục tiêu cải thiện quản lý rừng ven biển tại các tỉnh thuộc vùng dự án, nhằm tăng khả năng chống chịu trước bất lợi của các hiện tượng thời tiết cực đoan và nước biển dâng, đến thời điểm này, dự án đã hoàn thành khoảng 70% khối lượng công việc.

Đặc biệt, nhờ phương thức triển khai dự án với định hướng phát triển lâm nghiệp bền vững dựa vào cộng đồng, vì vậy công tác trồng rừng của dự án chủ yếu sử dụng lao động trong cộng đồng địa phương để thực hiện. Cuộc sống của người dân tại các vùng dự án, do đó, được cải thiện.

Ông Bùi Xuân Hiển, Giám đốc Ban Quản lý dự án FMCR tại TP Móng Cái cho biết, đã có hơn 100 cộng đồng người dân được hưởng lợi trực tiếp thông qua việc tham gia bảo vệ, trồng và phục hồi rừng ven biển, rừng ngập mặn để tăng thu nhập và cải thiện sinh kế. Bên cạnh đó, ý thức bảo vệ rừng của người dân cũng được nâng cao rõ rệt.

Anh Phạm Quốc Hải (xã Hải Tiến, TP Móng Cái, Quảng Ninh) chia sẻ: "Tôi tham gia dự án trồng rừng ngập mặn từ những ngày đầu tiên cùng các nhóm cộng đồng. Dự án đã mang lại cho bà con nơi đây công việc ổn định. Ngoài ra, dự án tạo nguồn lợi thủy sản ở khu vực rừng ngập mặn để chúng tôi khai thác".

Dự án FMCR sẽ kết thúc khoản vay vào 31/12/2023. Dù vậy, Ban Quản lý các dự án Lâm nghiệp và chính quyền các địa phương đang trình điều chỉnh gia hạn thời gian thực hiện để tiếp tục duy trì, hỗ trợ người dân cải thiện cuộc sống, tăng thu nhập thông qua các gói sinh kế, tập huấn kỹ thuật, công nghệ phục vụ sản xuất.

Đồng thời, dự án còn đóng góp nhiều mặt cho ngành giao thông, thủy lợi, chương trình nông thôn mới thông qua việc nâng cấp các công trình đường giao thông nông thôn, hệ thống đê kè trên địa bàn các xã dự án.

Dự án đã đóng góp nhiều mặt cho ngành giao thông, thủy lợi, chương trình nông thôn mới tại Quảng Ninh. Ảnh: Nguyễn Thành.

Dự án đã đóng góp nhiều mặt cho ngành giao thông, thủy lợi, chương trình nông thôn mới tại Quảng Ninh. Ảnh: Nguyễn Thành.

Là một trong 8 địa phương thụ hưởng dự án “Hiện đại hóa ngành lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu ven biển”, Quảng Ninh được đánh giá là tỉnh tiên phong trong việc triển khai thực hiện và đã cho kết quả tốt.

Đến nay, Quảng Ninh là địa phương có diện tích trồng rừng ven biển lớn nhất, với tổng mức đầu tư gần 32 triệu USD, được thực hiện trên địa bàn 45 xã, phường thuộc 8 huyện, thị xã và thành phố bao gồm Quảng Yên, Hạ Long, Vân Đồn, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà, Móng Cái và Cẩm Phả.

Ban Quản lý dự án FMCR tỉnh Quảng Ninh đã tập trung triển khai các nội dung chính của hợp phần 2, 3, bao gồm đóng mốc giới các đơn vị chủ rừng ven biển với khối lượng khoảng 11.000 mốc; điều tra lập địa, rà soát mặt bằng để trồng rừng ngập mặn. Cùng với đó, khảo sát, thiết kế và thi công các công trình phụ trợ phục vụ cho công tác bảo vệ rừng ven biển; tổ chức lớp tập huấn về kỹ thuật giám sát, kỹ thuật phục hồi và kỹ thuật quản lý rừng bền vững.

Mục tiêu chính của dự án tại Quảng Ninh là trồng mới 1.800ha và phục hồi, nâng cấp chất lượng cho gần 3.700ha rừng phòng hộ ven biển và rừng ngập mặn; bảo vệ gần 20.000ha rừng; 13.500 mốc được đóng mốc ranh giới trên thực địa tại rừng phòng hộ ven biển theo các chủ rừng được giao, đảm bảo ổn định lâm phận, ranh giới giữa rừng phòng hộ và các loại đất khác.

Theo đánh giá của Bộ NN-PTNT, việc cải thiện, phục hồi rừng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã góp phần bảo vệ các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng ven biển hiện tại và quy hoạch trong tương lai, nâng cao tính chống chịu trước các yếu tố bất lợi của thời tiết.

Tổng kinh phí thực hiện dự án này là 195 triệu USD, trong đó, vốn vay Ngân hàng Thế giới 150 triệu USD và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là 45 triệu USD. Dự án được chia thành 4 hợp phần: Quản lý hiệu quả rừng ven biển; phục hồi và phát triển rừng ven biển; tạo lợi ích bền vững từ rừng ven biển; quản lý, giám sát và đánh giá dự án. Các tỉnh sẽ chịu trách nhiệm chính trong việc triển khai hợp phần 2, 3 và 4.

Bình luận