Du lịch cộng đồng làm “bệ phóng” cho sản phẩm OCOP ở Hậu Giang

Bình luận · 225 Lượt xem

Vài năm gần đây, phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch cộng đồng là giải pháp được Hậu Giang nói riêng và các địa phương trên cả nước nói chung tập trung thực hiện nhằm nâng cao giá trị kinh tế, hiệu quả sản xuất n?

Du lịch cộng đồng muốn phát triển thì cần có sản phẩm đặc trưng và OCOP (Mỗi xã một sản phẩm) muốn vươn xa phải gắn kết với du lịch. Theo các chuyên gia: Cả hai sẽ nằm trong chuỗi phát triển của "ngành công nghiệp không khói", là sự liên kết không thể thiếu và khó tách rời nhau.

OCOP đồng hành với du lịch cộng đồng

Theo số liệu của Bộ NNPTNT, sau 5 năm triển khai Chương trình OCOP, đến nay cả nước có 10.322 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên của 5.361 chủ thể (trong đó có 51 sản phẩm 5 sao). Ông Phương Đình Anh - Phó Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương - cho biết: "Đến nay, chương trình OCOP đã khơi dậy tiềm năng đất đai, sản vật, lợi thế so sánh, đặc biệt là các giá trị văn hóa vùng miền. Hình thành nhiều sản phẩm OCOP gắn với vai trò như một "đại sứ" chuyển tải những câu chuyện sản phẩm mang tính nhân văn của vùng, miền".

Du lịch cộng đồng làm “bệ phóng” cho sản phẩm OCOP ở Hậu Giang - Ảnh 1.

Vợ chồng anh Nguyễn Văn Đua đang nghiên cứu tìm cách nâng chất sản phẩm sữa dê lên OCOP 5 sao. Ảnh: T.L

"Thời gian tới, Hậu Giang tiếp tục khảo sát, đánh giá thực trạng phát triển du lịch nông nghiệp - nông thôn; lựa chọn, hỗ trợ phát triển điểm du lịch nông thôn và sản phẩm du lịch nông nghiệp - nông thôn. Đồng thời rà soát, đề xuất, hoàn thiện cơ chế chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư, phát triển du lịch nông thôn".

Ông Trương Cảnh Tuyên - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang

Ông Phương Đình Anh nhận định, phát triển sản phẩm OCOP và phát triển du lịch nông thôn có mối quan hệ "hữu cơ", sản phẩm OCOP chính là tài nguyên để xây dựng sản phẩm du lịch nông thôn. Bên cạnh đó, sản phẩm OCOP cũng góp phần truyền tải các câu chuyện và giá trị văn hóa về du lịch nông thôn. Ở chiều ngược lại, du lịch nông thôn chính là không gian để phát triển sản phẩm OCOP.

Ông Trương Cảnh Tuyên - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, thời gian qua, Hậu Giang tập trung xây dựng nhiều cơ chế, chính sách để phát triển sản phẩm nông nghiệp, du lịch nông nghiệp nông thôn gắn với tiêu thụ sản phẩm OCOP. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hậu Giang đã ban hành Nghị quyết 04 ngày 26/11/2021 về phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 - 2025 và các năm tiếp theo; trong đó, nông nghiệp và du lịch là 2 lĩnh vực tỉnh Hậu Giang đang tập trung phát triển. Ngoài ra, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2022 - 2025 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang và các chính sách liên quan để phát triển du lịch nông nghiệp - nông thôn gắn với tiêu thụ nông sản, đặc sản và sản phẩm OCOP của tỉnh" - ông Tuyên cho hay.

Đưa OCOP gắn kết du lịch xanh

Du lịch cộng đồng làm “bệ phóng” cho sản phẩm OCOP ở Hậu Giang - Ảnh 3.

Du khách đến thăm vườn dâu Thiên Ân (phường Ngã Bảy, TP.Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang). Ảnh: T.L

Hậu Giang hiện có khoảng 20 điểm du lịch nông nghiệp - nông thôn đang hình thành và phát triển. Trong đó, một số địa điểm nổi tiếng đã thu hút khách tham quan như Khu du lịch Mùa Xuân, Trang trại sữa dê Ngọc Đào, Vườn dâu Thiên Ân, điểm tham quan du lịch Bamboo Graden… Hậu Giang hiện có 175 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, gồm 68 sản phẩm 4 sao và 107 sản phẩm 3 sao; các sản phẩm đang tạo được sức hút trên thị trường và được tăng cường gắn kết với các điểm du lịch để quản bá, giới thiệu đến du khách.

Chính những sản phẩm OCOP là thế mạnh của Hậu Giang như cá thát lát tẩm gia vị, cá thát lát rút xương, trà mãng cầu, rượu Lão Tửu Út Tây, các sản phẩm từ khóm Cầu Đúc, chanh không hạt, cam xoàn, sữa dê các loại, mật ong, gạo sạch Vị Thủy… được coi là nền tảng để gắn kết phát triển du lịch tại tỉnh trong tương lai.

Trang trại sữa dê Ngọc Đào (ở ấp 2B, xã Tân Hòa, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang) từ lâu đã trở thành điểm đến khám phá và trải nghiệm đầy sức hút đối với khách du lịch. Trang trại dê có hơn 400 con, trên diện tích khoảng 20ha. Anh Nguyễn Văn Đua - chủ trang trại sữa dê Ngọc Đào, cho biết: Ban đầu anh nuôi dê để sử dụng trong gia đình, thấy cỏ nhiều, đất rộng thì nuôi. Nhưng sau đó anh nhận thấy tiềm năng phát triển nên đã đầu tư nuôi nhiều và thành lập trang trại, mở rộng hoạt động làm du lịch. Trang trại đã cơ giới hóa các khâu, vắt sữa dê bằng máy.

Mỗi tuần vào thứ bảy và chủ nhật, trang trại sữa dê Ngọc Đào tiếp đón cả trăm du khách, với nhiều học sinh và có cả khách nước ngoài. Hoạt động du lịch không đơn thuần là mang đến những trải nghiệm thích thú mà qua đó còn cung cấp kiến thức, giáo dục cho du khách. Với cách làm này giúp các các sản phẩm OCOP đứng vững trên thị trường, góp thêm màu sắc mới cho du lịch miệt ngàn trên dòng kênh xáng Xà No.

Hiện trang trại của anh Đua đã xây dựng thành công 6 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 4 sao, gồm: sữa chua dê sấy thăng hoa, sữa chua dê sấy khô, phô mai sữa dê, yaourt sữa dê, mới đây có thêm sữa chua dê mít sấy thăng hoa và sữa chua dê sầu riêng sấy thăng hoa. Việc đổi mới sản phẩm liên tục là một trong những chiến lược tạo sự hấp dẫn và tăng giá trị cho sản phẩm OCOP của trang trại nuôi dê Ngọc Đào. Từ câu chuyện khởi nghiệp của chủ trang trại, anh Nguyễn Văn Đua đã chứng minh rằng: để các sản phẩm OCOP phát triển, cần phải kết hợp với ngành du lịch thay vì tách rời nhau. Điều này là cơ sở quan trọng để tạo ra giá trị cho ngành công nghiệp không khói tại Hậu Giang, mở ra cánh cửa hội nhập và giúp các sản phẩm OCOP của trang trại Ngọc Đào tiếp cận được thị trường lớn hơn.

Từ câu chuyện này có thể thấy, sản phẩm OCOP là nền tảng để thúc đẩy du lịch cộng đồng phát triển. Để thúc đẩy phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn, gắn với tiêu thụ sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, ông Trương Cảnh Tuyên kiến nghị Bộ NNPTNT tiếp tục tạo điều kiện, giới thiệu các nhà đầu tư, các công ty du lịch đến Hậu Giang khảo sát thị trường, gặp gỡ các cơ sở du lịch nông nghiệp - nông thôn để chia sẻ kinh nghiệm, kết nối, mở rộng thị trường. Qua đây, từng bước giúp cho tỉnh phát triển mạnh hơn các hoạt động du lịch nông nghiệp - nông thôn. 

Bình luận