Loại quả dại treo lủng lẳng la liệt trong một khu rừng giữa Đắk Lắk và Đắk Nông sao lại ví là biệt dược đen?

Bình luận · 208 Lượt xem

Mùa nho rừng chín, dưới tán rừng khộp bạt ngàn của Vườn Quốc gia Yok Đôn (trải dài qua 7 xã của 3 huyện là huyện Ea súp, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk và huyện Cư Jut, tỉnh Đắk Nông), hàng trăm cư dân của các bản làng xung

Nếu như trướt kia, loài quả này chỉ được xem như món ăn dân dã của trẻ nhỏ vùng cao thì từ vài năm nay nó trở thành “biệt dược” được giới thương nhân khắp nơi tìm kiếm với mục đích bồi bổ sức khỏe.

1. 

Ở rừng khộp Yok Đôn, cây rừng phát triển mạnh vào mùa mưa và rụng lá vào mùa khô. Vào mùa khô, rừng trơ trụi lá, đất đai khô cằn, các dòng suối trong rừng hầu hết đều cạn kiệt, nhìn như những khu rừng khô, nhưng chỉ cần có một cơn mưa thoáng qua là cả khu rừng lập tức bừng màu xanh trở lại, trong đó nho rừng bắt đầu sinh trưởng. 

Mưa xuống, chúng sẽ kết bông. Những chùm bông nhỏ xíu nằm im ỉm dưới tán rừng già, có khi len lỏi trong kẽ đá. 

Nho rừng lặng lẽ hút tinh túy của đất trời, nuôi chùm trái non vừa kết. Khoảng tháng sau, trái nho bắt đầu lớn dần. Khi còn non, nho rừng có màu xanh, hệt như một số giống nho xanh bày bán ở chợ, nhưng trái tròn và cứng hơn. 

Lúc chín, nho rừng chuyển sang màu tím sẫm rất đẹp mắt. Những chùm nho rừng lúc lỉu, chín rực cả một khoảng rừng, chùm to lúc thu hoạch có thể nặng 500-700gr.

Các bản làng dưới tán rừng có thêm một nghề “hái ra tiền” là đi tìm nho rừng. 5 giờ sáng, khi màn sương còn bảng lảng trên mái nhà, sương ướt sũng mảnh rừng khộp nơi đầu làng, anh em nhà Hoàng Văn Nùng (22 tuổi, xã Cư M’lan, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk) đã chuẩn bị tươm tất hành trang cho chuyến đi rừng săn nho hoang dã. 

Nùng và em trai là Hoàng Văn Kiên (17 tuổi) từ nhỏ đã được theo cha mẹ lên rừng hái rau nên hai anh em đã không còn xa lạ gì với những chuyến đi gập ghềnh mù sương như thế. Chúng đã có thâm niên 5 năm làm thợ săn “biệt dược” ở khắp các cánh rừng Yok Đôn này.

Loại quả dại treo lủng lẳng la liệt trong một khu rừng giữa Đắk Lắk và Đắk Nông sao lại ví là biệt dược đen? - Ảnh 1.

Đi rừng hái nho rừng đòi hỏi phải có sức khỏe và đôi mắt tinh tường. Nho rừng dưới tán rừng khộp bạt ngàn của Vườn Quốc gia Yok Đôn (trải dài qua tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Đắk Nông).

Nùng kể, năm ngoái người miền xuôi đổ về đây tìm nho rừng rất nhiều nhưng không có mà bán, giá nho vì thế tăng cao. Năm nay, ngay từ đầu mùa, nho rừng được thu mua tại bìa rừng đã có giá 35-40 ngàn/kg. 

Dân trong làng nô nức vào rừng tìm nho, cuộc cạnh tranh vì thế cũng khốc liệt. Ở bìa rừng hoặc sâu hơn vài cây số, hầu như đều có bước chân của người săn nho, anh em Nùng phải di chuyển đoạn đường rất dài, leo qua mấy ngọn đồi, lội qua vài khe suối sâu mới tìm được nho rừng. 

Gặp những dây nho nào còn non xanh thì tuyệt đối không được hái, mà chỉ chọn nho chín có màu tím lịm như sim. Hái làm sao phải giữ nguyên được gốc và thân của dây để cho chúng tiếp tục sinh trưởng, năm sau còn cho ra quả ngọt. 

Có chuyến đi, anh em Nùng gặp trúng “ổ nho”, chỉ mười phút là hái đầy gùi, trở về nhanh chóng. Nhưng, cũng có chuyến đi cả buổi chỉ được vài ký.

Loại quả dại treo lủng lẳng la liệt trong một khu rừng giữa Đắk Lắk và Đắk Nông sao lại ví là biệt dược đen? - Ảnh 2.

Nho rừng mang lại niềm vui cho sơn nhân.

Trời xế bóng, cơn mưa rào đổ xuống khiến cánh rừng thâm u rùng rợn, thú hoang nhao nhác tìm nơi trú ẩn, sóc chuyền cành ríu rít, xào xạc trên ngọn cây và tiếng hú gọi bầy của đàn chim gõ tiếng nghe ken kén, rờn rợn. 

Anh em nhà Nùng nhanh chân tìm lối ra khỏi bìa rừng khi đêm vừa đổ bóng tối xuống. Mọi thứ dù đã quá thân thuộc nhưng mùa mưa ở rừng khộp vẫn luôn tiềm tàng nhiều mối nguy hại cho thợ săn. Nùng cho biết, rừng mùa mưa vắt và đỉa là chuyện đương nhiên, sợ nhất vẫn là rắn độc.

“Rắn độc thường nằm lẩn trong các lùm cây rậm rạp hoặc dưới tán lá khô nên khi vô tình giẫm chân vào lập tức nó quay ra cắn. 

Thường thì chúng em mang giày và quấn thêm mấy lớp vải dày từ ống chân trở xuống nên khi bị cắn, răng nó sẽ không xuyên tới da thịt được. Nhưng, nếu là rắn từ trên đầu bổ xuống bất thình lình thì chẳng còn cách nào khác, lúc ấy phụ thuộc vào vận may rủi”, Nùng chia sẻ.

Là dân đi rừng chuyên nghiệp, có ông nội làm thầy bốc thuốc nổi tiếng ở Cao Bằng nên anh em Nùng đã biết cách xử lý khi rắn độc cắn. 

Nùng bật mí: “Chúng em mang theo một loại thuốc đặc trị của ông nội, khi bị rắn cắn sẽ bôi ngay vào vết thương rồi thực hiện băng bó, sơ cứu. Tất nhiên là sau đó vẫn phải đi bệnh viện để điều trị”. Nùng cho biết thêm, kiếm sống bằng nghề đi rừng, bất cứ ai ở vùng này đều biết cách sơ cứu tai nạn, họ đều là những sơn nhân dày dạn kinh nghiệm rừng xanh.

Mỗi ngày “săn” nho, anh em Nùng đều kiếm được ngót nghét một triệu. Đây là số tiền rất lớn với lao động vùng núi, có thể nuôi sống cả gia đình Nùng trong những ngày sau đó.

2. 

Mùa nho rừng chín rộ bắt đầu khoảng cuối tháng 6 cho tới tháng 9 (âm lịch). Trong khoảng thời gian này, các thợ săn nho đi rừng mải miết, không kể ngày mưa bão. 

Nói là đi hái nho nhưng không phải cứ mang kéo vào là cắt được, mà đòi hỏi người đi hái phải là dân sơn tràng từng trải, am hiểu rừng, sở hữu các kỹ năng đi rừng thuần thục. 

Đầu tiên, người đi hái phải có con mắt sáng và tinh để quan sát từ xa những chùm nho chín. Phải chịu khó, chăm chỉ, sức khỏe dẻo dai và đặc biệt phải biết trèo cây như con sóc.

Ở bên cánh rừng Yok Đôn đoạn qua xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, của tỉnh Đắk Lắk không khí săn tìm loại “biệt dược” quý tấp nập hơn nhiều. 

Bà H’Chăm Niê (45 tuổi, buôn Đrăng Phôk, xã Krông Na) hào hứng kể: “Đi kiếm nho rừng cực khổ nhưng về là có tiền luôn, người ta tới tận nhà để mua. Lộc trời chỉ có mùa này phải tranh thủ đi kiếm, ít hôm nữa là hết rồi”.

Loại quả dại treo lủng lẳng la liệt trong một khu rừng giữa Đắk Lắk và Đắk Nông sao lại ví là biệt dược đen? - Ảnh 3.

Nho rừng đầu mùa được bày bán ngoài đường ở Đắk Lắk, Đắk Nông.

Mẹ con bà H’Chăm mỗi ngày hái được từ 20-25 kg, với giá mua lên tới 35 ngàn/kg, họ thu về khoảng 700 ngàn. 

Theo bà H’Chăm, hơn mười năm về trước, vợ chồng bà sống bằng nghề kiếm rau rừng và mật ong ở rừng Yok Đôn. Ngày ấy, nho rừng mọc tràn lan khắp nơi, tím lịm cả một vùng rừng. Vợ chồng bà chỉ hái một ít về cho trẻ con ăn hoặc ngâm một bình rượu nho để Tết uống.

“Từ hơn ba năm nay, lái buôn ngoài thành phố Buôn Ma Thuật ồ ạt vào tìm nho rừng, có người thuê hẳn nhà trong buôn để tiện thu mua. Nghe nói thứ này bây giờ là đặc sản, dùng để ủ rượu nho và làm thuốc chữa bệnh rất tốt”, bà H’Chăm cho biết.

Kiếm sống được từ loài “biệt dược đen” tự nhiên của rừng khộp, cuộc sống của bà con ở vùng lõi Vườn quốc gia Yok Đôn sung túc và vui tươi hơn mỗi ngày. 

Trước đây, bà con ở buôn Đrăng Phôk chủ yếu sinh sống bằng nghề nông, đi rừng lấy lâm sản cũng như săn voi, thuần dưỡng voi. Kể từ khi Vườn quốc gia Yok Đôn được thành lập cùng với chính sách bảo vệ voi được triển khai, người dân Đrăng Phôk đã thay đổi sinh kế, họ trở về làm ruộng nương, số khác tích cực tham gia gìn giữ, bảo vệ rừng. 

Theo bà H’Chăm, nhiều gia đình trong buôn nhận bảo vệ rừng nên tranh thủ thời gian vào rừng kiểm tra cũng hái được rất nhiều nho chín mang về bán, có thêm thu nhập.

Ngay từ đầu mùa mưa, mẹ con bà H’Chăm đã được một chủ vựa ở thị trấn Buôn Đôn đặt hàng 3 tạ nho rừng. Tiền họ đưa trước một nửa rồi nên bà H’Chăm phải ra sức đi tìm cho đủ số lượng đã cam kết. 

Bà huy động con gái, con trai, dù chúng chỉ mới 15 và 17 tuổi để cùng vào rừng. Hai đứa con của bà đã nghỉ học từ sớm, trở thành sơn nhân nhí từ khi chúng mới 10 tuổi. Được cái, chúng rất mê rừng, luôn yêu thích những chuyến đi vào tận rừng sâu để săn tìm lộc rừng.

Loại quả dại treo lủng lẳng la liệt trong một khu rừng giữa Đắk Lắk và Đắk Nông sao lại ví là biệt dược đen? - Ảnh 4.

Bà con mang nho ra trao đổi với nhau.

Sống với rừng nhưng bà H’Chăm rất tháo vát và linh động, ngay từ đầu vụ, bà đã nghĩ ra kế “mượn nho” của người quen. Vậy nên, chỉ trong vòng 10 ngày, bà đã có đủ số lượng nho giao cho chủ. Những ngày sau, bà đi hái trả lại cho chị em đã cho vay. 

“Ở đây, từ việc đi làm ruộng, làm nương chúng tôi vẫn giữ được nếp đổi công cho nhau. Mùa lúa nhà nào gặt trước sẽ cho nhà gặt sau mượn gạo ăn đỡ, nên việc mượn nho cũng rất bình thường”, bà H’Chăm chia sẻ.

3. 

Trời về chiều, màn mây trắng lãng đãng ôm lấy tán rừng xanh ngắt, ngoài bìa rừng, chị Lê Thị Tuyết đã đứng sẵn chờ đội quân hái nho ra để thu mua. 

Hôm nay chị Tuyết có đơn hàng khoảng 70kg cho khách ở TP Hồ Chí Minh đã đặt từ trước. Thời điểm này nho đã cuối vụ nên trái không được đẹp và đều, số lượng cũng ít dần đi nên chị Tuyết gom cả buổi vẫn chưa đủ. 

Còn thiếu hơn chục ký nữa, chị Tuyết sẽ tìm về tận nhà người hái nho, xin họ nhượng lại cho với giá nhỉnh hơn thị trường một chút. Do là mối quen lâu năm nên bà con cũng sởi lởi hỗ trợ chị. Nhà bà H’Chăm không còn trái nho nào nữa, bà đã sai con trai chạy sang nhà em gái ở xóm bên lấy gùi nho về đưa cho chị Tuyết. 

Đây là số nho đã được tuyển lựa kỹ, chọn lọc từng trái một để ngâm rượu uống Tết, nay vì quý chị Tuyết nên gia đình em gái bà H’Chăm mới bán lại, nếu là người khác sẽ khó mà mua nổi.

Chị Tuyết trước kia nhà ở buôn Đôn, từ hai năm nay chị buôn bán đặc sản rừng nên đã chuyển ra ngoài TP Buôn Ma Thuột cho tiện. 

Cứ mỗi vụ nho rừng, chị quay lại các buôn, ăn dầm nằm dề ở đó thu mua. “Nho được hái đem về ngâm rượu uống rất tốt cho sức khỏe. Rượu nho rừng có vị hơi chát, pha chút cay cay, đàn ông khá chuộng. Đây là sản vật tự nhiên nên khi biếu tặng cho ai đều rất yên tâm”, chị Tuyết cho biết.

Nhận biết được công dụng kỳ diệu của loài nho rừng, hầu như nhà nào cũng tích trữ một hũ rượu nho và một hũ làm siro. 

Chị Tuyết kể: “Thứ này bây giờ dân nhà giàu ở các thành phố lớn đang rất khát, vì nó giúp thanh nhiệt cơ thể, tăng cường đề kháng, chữa được một số bệnh mùa đông cho trẻ nhỏ và người già. Ở các buôn làng vùng sâu vùng xa, trẻ em ăn trái này từ nhỏ đến lớn nên chúng khỏe, rất ít bị bệnh thời tiết”, chị Tuyết nói về công dụng của nho rừng.

Khi mùa nho kết thúc, rừng Yok Đôn ngập tràn các loài hoa dại và chồi non. Đây là thời điểm sức sống của các loài thực vật sinh trưởng mạnh mẽ nhất trong rừng. Các sơn nhân thay vì hái nho, họ vẫn vào rừng tìm rau dại, nấm quý cho những bữa ăn gia đình. 

Đối với bà con sống bên cánh rừng quốc gia Yok Đôn, rừng như người mẹ lớn nuôi dưỡng và chở che cho dân làng qua nhiều thế hệ. Họ có ý thức bảo vệ rừng từ sâu xa trong tiềm thức. Bởi vậy mà mỗi mùa nho chín đi qua, mùa sau không bị lụi tàn mà vẫn luôn xanh tốt, cho quả ngọt khắp núi rừng.

Bình luận