Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL (gọi tắt hội đồng điều phối vùng) là tổ chức liên ngành do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập với nhiệm vụ nghiên cứu, chỉ đạo, điều phối và giải quyết những công việc quan trọng liên ngành, liên kết vùng để phát triển bền vững vùng ĐBSCL.
Cơ sở hạ tầng hạn chế
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ĐBSCL là địa bàn có ý nghĩa quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng và an ninh. Thời gian qua, các tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL đã có nhiều đóng góp quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nhưng quy mô còn khá khiêm tốn.
Tại hội nghị, lãnh đạo các tỉnh, thành phố trong khu vực ĐBSCL đã thẳng thắn chỉ ra những điểm ngẽn làm khu vực phát triển chưa tương xứng với tiềm năng như cơ sở hạ tầng hạn chế, chưa có các trung tâm logistics, thiếu cát phục vụ các công trình trọng điểm. Bên cạnh đó, tình trạng xâm nhập mặn và sạt lở bờ biển, bờ sông diễn ra phức tạp tại nhiều địa phương đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân. Ngoài ra, lãnh đạo các địa phương cũng nêu ra những giải pháp để phát triển vùng trên nhiều lĩnh vực và kiến nghị Trung ương sớm chỉ đạo tháo gỡ những điểm ngẽn để phát triển ĐBSCL.
Đồng thời, đề xuất một số kiến nghị lớn về cơ chế, chính sách đặc thù nhằm phát huy thế mạnh của mỗi địa phương. Đẩy mạnh liên kết vùng, cùng nhau đồng tâm, hiệp lực phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL nhanh và bền vững, nâng cao đời sống nhân dân.
Ông Ngô Minh Châu, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, thành phố đã có nhiều chương trình hợp tác với các tỉnh, thành ĐBSCL trên nhiều lĩnh vực như kết nối cung cầu hàng hóa, du lịch, y tế. Thời gian tới, TP.HCM sẽ tập trung triển khai các hoạt động cụ thể với các sản phẩm, dự án trong kế hoạch triển khai theo thỏa thuận hợp tác đã được ký kết.
“Tôi đề nghị Chính phủ xem xét bổ sung các công trình hạ tầng mang tính liên kết vùng để việc giao thương, trao đổi hàng hóa giữa các địa phương trong khu vực ĐBSCL và TP.HCM được thuận lợi hơn", Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh kiến nghị.
Phải có những hành động cụ thể
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, đánh giá cao những đóng góp, kiến nghị của các địa phương tại buổi làm việc và đưa ra nhận định. Đây cũng là vùng trọng điểm nông nghiệp của cả nước với nhiều sản phẩm chủ lực, nhất là lúa, tôm, cá tra, trái cây. Giai đoạn vừa qua, cơ cấu kinh tế của các địa phương trong vùng chuyển dịch tích cực, nhiều dự án công nghiệp trọng điểm về năng lượng đi vào hoạt động. Chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả quan trọng. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư bằng nhiều nguồn lực, góp phần thay đổi diện mạo của vùng ĐBSCL.
Hiện nay, ĐBSCL vẫn tồn tại những khó khăn, chưa phát huy hết tiềm năng. Cụ thể là, quy mô kinh tế nhỏ chỉ chiếm khoảng 12% GDP của cả nước, tăng trưởng kinh tế chưa bền vững, chất lượng chưa cao. Kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, kể cả giao thông kết nối nội vùng và với vùng Đông Nam bộ và TP.HCM. Công nghiệp chế biến chưa phát triển, nông nghiệp chưa hình thành được nhiều vùng chuyên canh quy mô lớn. Ô nhiễm môi trường, nguồn nước có xu hướng gia tăng, nhất là ở các khu đô thị. Phát triển văn hóa - xã hội còn nhiều bất cập, nguồn nhân lực thấp chưa đáp ứng nhu cầu phát triển.
Mô hình nuôi tôm công nghệ cao thích ứng biến đổi khí hậu, đồng thời tạo sự liên kết sản xuất chặt chẽ giữa nông dân, HTX và doanh nghiệp. Ảnh: Trọng Linh.
Mô hình nuôi tôm công nghệ cao thích ứng biến đổi khí hậu, đồng thời tạo sự liên kết sản xuất chặt chẽ giữa nông dân, HTX và doanh nghiệp. Ảnh: Trọng Linh.
Theo Phó Thủ tướng, đây là những vấn đề khó có thể được xử lý hoặc khó xử lý hiệu quả bởi các nỗ lực riêng lẻ của từng địa phương trong vùng ĐBSCL. Chính vì vậy, trong thời gian qua Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để phát huy tiềm năng, lợi thế nhất là tăng cường các hoạt động điều phối, liên kết vùng, tạo động lực phát triển vùng.
Về định hướng hoạt động của Hội đồng Điều phối vùng ĐBSCL trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị các Bộ, ngành, địa phương phải có những hành động cụ thể để nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng điều phối vùng, trong đó tập trung triển khai một số nhiệm vụ sau:
Một là, triển khai thực hiện có hiệu quả quy hoạch vùng ĐBSCL giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó đã nêu rõ phát triển theo hướng bền vững, tăng trưởng xanh gắn với việc thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/ 2017 của Chính phủ.
Thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nhất là cơ cấu nông nghiệp phù hợp với từng vùng sinh thái, chủ động thích ứng, thực hiện hiệu quả các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Giải quyết vấn đề sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún, hạn mặn. Xây dựng chiến lược tổng thể bảo vệ và sử dụng bền vững nguồn nước sông MeKong.
Hai là, tập trung nghiên cứu để đề xuất bổ sung về thể chế, cơ chế, chính sách phát triển vùng ĐBSCL.
Ba là, sớm hoàn thiện để triển khai danh mục các chương trình, dự án có quy mô vùng và có tính chất liên kết vùng để bổ sung thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025 đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết 108/NQ-CP ngày 18/7/2023 sử dụng vốn vay ODA của các đối tác phát triển.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, đây là một chính sách rất đặc thù của ĐBSCL. Tuy nhiên, hiện nay tiến độ hoàn thành thủ tục đầu tư còn chậm. Hiện mới có Bộ Giao thông vận tải được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề xuất đầu tư. Có 3 địa phương vướng mắc về thẩm quyền quyết định đầu tư, còn lại Bộ NN-PTNT và 10 địa phương cần khẩn trương hoàn thiện thủ tục pháp lý để phấn đấu khởi công các dự án trong giai đoạn 2024 - 2025.