Đưa Việt Nam thành điển hình thích ứng EUDR

Bình luận · 226 Lượt xem

Chiều 27/9, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tiếp và làm việc với Phó Chủ tịch phụ trách Chương trình bền vững của Tập đoàn JDE Peet’s Laurent Alexandre Sagarra về EUDR.

 

Muốn xuất khẩu bền vững sang EU cần quan tâm đến môi trường, lao động

EC đánh giá cao Việt Nam thích ứng nhanh chóng với Quy định chống phá rừng châu Âu

Indonesia đề xuất phương án giảm chi phí thực thi EUDR

 

Hai bên thảo luận về phát triển cà phê Việt Nam thích ứng với Quy định chống phá rừng của Liên minh châu Âu (EUDR). 

 

Chia sẻ về chuyến công tác tới EU cách đây ít hôm, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết đã gặp gỡ Cao ủy về Môi trường, Đại dương và Nghề cá và được thông tin quy định mới của châu Âu về chống phá rừng EUDR. Với quy định này, 3 ngành hàng của Việt Nam sẽ chịu tác động lớn là cà phê, cao su và gỗ. Do đó, để thích ứng với quy định này, phía Bộ NN-PTNT đã thống nhất với Cao ủy châu Âu rằng Việt Nam sẽ là nước chủ động thích ứng với quy định mới của EU. 

 

Do đó, Bộ trưởng tin rằng thời gian tới, cà phê sẽ không chỉ được đánh giá ở phương diện hương vị hay chất lượng mà còn là nguyên liệu mang trách nhiệm với thiên nhiên và xã hội. Bộ trưởng cho rằng những đóng góp của Tập đoàn JDE Peet’s giúp ngành nông nghiệp Việt Nam tại khu vực Tây Nguyên suốt 10 năm qua là nền tảng để ngành cà phê thích ứng với những quy định mới và xu thế phát triển bền vững. 

 

Bộ trưởng mong muốn sự hợp tác của JDE Peet’s cùng Tổ chức sáng kiến thương mại bền vững (IDH) và nhóm đối tác công tư ngành cà phê trong khuôn khổ Đối tác phát triển nông nghiệp bền vững ở Việt Nam (PSAV) sẽ được nâng lên tầm cao mới. 

 

Thông tin tại cuộc họp, Bộ trưởng cho biết Bộ NN-PTNT đang trình Thủ tướng Chính phủ kế hoạch hành động để thích ứng với EUDR. Do đó, Bộ mong muốn có thể xây dựng hệ sinh thái cùng nhóm đối tác để cùng IDH và tập đoàn xây dựng lộ trình tuân thủ quy định mới. 

 

"Khó khăn nhất của chúng tôi là trong những người trồng cà phê có cộng đồng dân tộc, nông hộ quy mô sản xuất nhỏ hay nhóm tiểu nông cần tăng cường năng lực và cấu trúc lại", Bộ trưởng cho hay đồng thời chia sẻ ấn tượng trong thời gian vừa qua, để tiến hành tư duy cà phê cảnh quan, Tập đoàn JDE Peet’s cùng các chuyên gia đã tập huấn cho hơn 30 ngàn nông hộ và cho rằng đây sẽ là điều hai bên sẽ chú trọng nhiều hơn nữa trong thời gian tới. 

 

Phó Chủ tịch phụ trách Chương trình bền vững của Tập đoàn JDE Peet’s Laurent Alexandre Sagarra cho biết, thế giới cần một quốc gia tiên phong thực hiện giải pháp đáp ứng được yêu cầu mới của thị trường, thích ứng, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu cũng như đảm bảo giá trị, quyền lợi của cộng đồng cư dân. 

 

​Nhằm đáp ứng với các yêu cầu mới của thị trường, IDH, JDE Peet’s đề xuất tăng cường hợp tác cùng các cơ quan quản lý cấp trung ương và địa phương, các đối tác trong chuỗi cung ứng. Theo đó, tăng cường hợp tác công tư, tiền cạnh tranh để triển khai các giải pháp thích ứng với các yêu cầu chống phá rừng và suy thoái rừng, chuẩn bị cho các yêu cầu về thẩm định trách nhiệm bền vững của doanh nghiệp dự kiến được EU ban hành vào năm 2026/2027.

 

Đẩy mạnh đầu tư và thu mua các sản phẩm cà phê giảm phát thải, kết hợp với các hệ thống đồng bộ về giám sát, đánh giá và báo cáo tác động, cơ chế chia sẻ lợi ích. Chuẩn hoá các quy trình, cơ chế hợp tác công tư, mô hình kinh doanh thành công để nhân rộng tiếp cận tại Tây Nguyên và các vùng sản xuất nông nghiệp khác tại Việt Nam; nâng cao năng lực sản xuất cho nông dân và các hợp tác xã, tăng cường liên kết chuỗi và truy xuất nguồn gốc, thúc đẩy chuyển đổi số gắn với phát triển khoa học công nghệ trong sản xuất hướng tới xây dựng một hệ thống nguồn thông tin mở, liên tục được cập nhật và được xác nhận bởi các bên liên quan.

 

Ông Sagarra cũng kỳ vọng, Việt Nam có thể trở thành một quốc gia tiên phong trong xây dựng ngành cà phê với đủ tiêu chuẩn đáp ứng quy định EUDR. 

 

Giai đoạn 2018-2020, JDE Peets đã tham gia cùng IDH thực hiện Chương trình Cảnh quan bền vững gắn với tiếp cận “Vùng nguyên liệu quy mô lớn” thí điểm tại tỉnh Lâm Đồng. Tổng ngân sách đầu tư cho giai đoạn thí điểm đạt hơn 11 triệu EUR, trong đó IDH đóng góp 28%, khối tư nhân gồm Tập đoàn JDE và 11 công ty xuất khẩu đóng góp hơn 41%. 

 

Tính đến năm 2022, IDH và JDE Peets đã hỗ trợ cho hơn 30.000 nông dân được tập huấn về các kỹ thuật canh tác, bón phân, quản lý cỏ dại, kỹ thuật trồng xen và các kỹ thuật canh tác bền vững khác, 12.000 nông dân nhận được các hỗ trợ về đầu vào và kỹ thuật như phân bón, thuốc trừ sâu, cây trồng xen, cây che bóng và một số thiết bị phục vụ cho các hoạt động canh tác như máy cắt cỏ, đồ bảo hộ lao động,…

Bình luận