Mạnh tay với tôm tạp chất

Bình luận · 300 Lượt xem

Con tôm là đối tượng SX chủ lực của tỉnh Cà Mau, chiếm gần 80% tổng sản phẩm của ngành nông nghiệp địa phương.

Việc định hướng rõ ràng để phát triển nuôi tôm theo tiêu chuẩn xuất khẩu, đảm bảo ATTP là mục tiêu tỉnh này hướng đến.

10-57-29_sx_tom_sch_theo_chuoi_gi_tri_xut_khu_l_muc_tieu_m_tinh_c_mu_huong_den
SX tôm sạch theo chuỗi giá trị xuất khẩu là mục tiêu mà tỉnh Cà Mau hướng đến

Cà Mau đã xây dựng, phát triển nhiều mô hình nuôi tôm siêu thâm canh theo chuỗi giá trị xuất khẩu. Đồng thời, luôn chú trọng đến chất lượng sản phẩm trước khi cung ứng ra thị trường. Thực tế, sự phát triển mạnh mẽ của ngành tôm Cà Mau nói riêng và khu vực ĐBSCL nói chung trong thời gian gần đây, phần nào đã thấy được sức nặng của con tôm đối với nền kinh tế khu vực.

Song, đi kèm với sự phát triển, ngành hàng tôm luôn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đó là vấn nạn bơm chích tạp chất, vận chuyển mua bán tôm tạp chất diễn ra âm ỉ ở nhiều nơi.

Tại huyện Cái Nước, việc chú trọng phát triển tôm nuôi theo hướng sạch luôn được địa phương đặc biệt quan tâm. Huyện luôn tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra cũng như tuyên truyền việc mua bán tôm đảm bảo ATTP. Điều mà huyện quan tâm nhất vẫn là việc chế tài xử lý hành vi đưa tạp chất vào tôm nuôi còn quá nhẹ.

Ông Phạm Phúc Giang, Chủ tịch UBND huyện Cái Nước cho rằng, việc xử lý vi phạm theo quy định tại Nghị định 115/2018/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATTP vẫn chưa đủ sức răn đe đối với các doanh nghiệp, cá nhân hám lợi. “Hiện chưa có quy định áp dụng hình thức phạt bổ sung như tước quyền sử dụng giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện về ATTP, đình chỉ hoạt động…”, ông Giang nói.

Theo ông Giang, hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người tiêu dùng. Từ đó ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng của ngành hàng này khi đưa ra thị trường. Quá trình thanh tra, kiểm tra, huyện nhận thấy, nạn bơm chích tạp chất tập trung ở một số cơ sở nhỏ lẻ và diễn ra lén lút. Hình thức bơm chích, vận chuyển ngày càng tinh vi để qua mặt cơ quan chức năng.

“Nếu doanh nghiệp mạnh tay không thu mua thì thử hỏi ai dám bơm tạp chất nữa. Vì vậy, thời gian tới, địa phương kiến nghị xử mạnh tay với các trường hợp bơm tạp chất vào tôm nguyên liệu. Nếu phát hiện cơ sở, doanh nghiệp vi phạm ở địa phương nào, thì phải có hình thức xử lý trách nhiệm người đứng đầu ở địa phương đó”, ông Giang nêu quan điểm.

10-57-29_c_mu_kien_quyet_mnh_ty_voi_hnh_vi_du_tp_cht_vo_tom_nguyen_lieu
Cà Mau kiên quyết mạnh tay với hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu

Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau nhìn nhận: Việc xây dựng mô hình liên kết SX sẽ tạo được chuyển biến tích cực trong phát triển ngành hàng tôm xuất khẩu. Đồng thời, tăng lợi ích cho người nuôi và doanh nghiệp. Từ năm 2016 đến nay, tỉnh đã hỗ trợ ký kết 61 hợp đồng hợp tác phát triển chuỗi ngành hàng tôm, với sự tham gia của 18 HTX và 20 THT. Dù vậy, các hoạt động liên kết chưa thật sự chặt chẽ, còn xảy ra tình trạng hủy hợp đồng giữa các bên liên quan. Đáng chú ý, việc tiếp cận vốn vay SX theo chuỗi còn nhiều khó khăn, quy mô SX nhỏ lẻ, thiếu tính liên kết.

"Để con tôm vươn rộng ra thị trường thế giới, cần chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, đạt được mục tiêu SX theo liên kết chuỗi một cách bền vững. Đồng thời SX phải chặt chẽ, kiểm định nghiêm ngặt từ khâu đầu vào đến đầu ra. Kiên quyết xử lý mạnh tay đối với các doanh nghiệp, cá nhân liên quan đến tôm tạm chất, sản phẩm không đạt ATTP như rút giấy phép, đình chỉ hoạt động… Có như vậy thì vai trò, vị thế của con tôm mới được nâng tầm", ông Sử nói.

Bình luận