Những lợi thế giúp Sơn La trở thành vựa nhãn lớn nhất nước

Bình luận · 207 Lượt xem

Từ chỗ không mấy ai biết tới, Sơn La hiện đã trở thành vựa nhãn nổi tiếng với diện tích hơn 20 nghìn ha, lớn nhất nước.

Tỉnh Sơn La vừa khép lại mùa thu hoạch nhãn, tổng sản lượng quả đạt gần 145.000 tấn, là vụ được mùa nhãn lớn nhất trong nhiều năm lại đây.

Lợi thế trời phú

Ông Hoàng Mạnh Đoàn, Giám đốc HTX Nuôi ong bản Nướt ở xã Chiềng Khoong, Sông Mã (Sơn La) kể, cây nhãn được người Hưng Yên lên xây dựng kinh tế mới và gieo trồng ở đây từ những năm 60 của thế kỷ trước. Ngày đó các cụ (gồm thân sinh ông Đoàn) chỉ đơn giản nghĩ trồng để lấy quả ăn chơi và đưa hình ảnh cây đặc sản của quê hương lên quê mới cho đỡ nhớ quê. “Tuy là cây gieo hạt, nhưng nhờ đất đai màu mỡ, thời tiết thích hợp, cây nhãn đã nhanh chóng bén chân, sai hoa, trĩu quả trên quê hương thứ hai của các cụ”, ông Đoàn kể.

Nhãn Sông Mã đang được chuyển đổi trồng trên các chân đất đồi đốc là chính. Ảnh: Hải Tiến.

Nhãn Sông Mã đang được chuyển đổi trồng trên các chân đất đồi đốc là chính. Ảnh: Hải Tiến.

Do một thời gian dài chịu ảnh hưởng của nền kinh tế bao cấp, giao thông đi lại khó khăn, khoa học kỹ thuật chưa phát triển nên cây nhãn Sông Mã đã bị dậm chân tại chỗ, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Phải tới đầu thế kỷ 21, cùng với sáng tạo trong kỹ thuật canh tác của bà con nông dân, giống mới có năng suất, chất lượng cao được đưa vào thay thế các giống nhãn thực sinh cũ, cộng với sự vào cuộc của các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu Rau quả (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) lên chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và kết nối thị trường, nhãn Sông Mã mới trở thành cây trồng hàng hoá giá trị cao, giúp xoá đói, giảm nghèo, làm giàu cho người dân vùng cao.

PGS.TS Nguyễn Quốc Hùng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả phân tích: Điều kiện sinh thái của Sơn La nói chung, huyện Sông Mã nói riêng rất thích hợp cho cây nhãn sinh trưởng sinh dưỡng và sinh trưởng sinh thực. Cụ thể, khí hậu hàng năm ở đây chia thành hai mùa rõ rệt, mùa khô bắt đầu từ tháng 11 năm trước đến 4 năm sau, mùa mưa từ tháng 5 đến 10.

Trong mùa khô, thời tiết khô hanh, không mưa, thường có rét đậm kéo dài, ít phát sinh nấm bệnh. Đây là điều kiện lý tưởng cho cây nhãn phân hoá mầm hoa, thụ phấn, thụ tinh, ít phải tác động các biện pháp xử lý ra hoa cây vẫn cho quả đều đặn mỗi năm. Đặc biệt hầu như không xảy ra hiện tượng ra quả cách năm như cây nhãn ở đồng bằng sông Hồng.

Với những lợi thế về đặc thù khí hậu, nhãn Sơn La nói chung, huyện Sông Mã nói riêng giảm được việc phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ sâu bệnh hại, nhất là bệnh thán thư hại hoa, ngồng hoa, quả non trên cây.

Giống nhãn T6 trồng ở Sơn La rất sai quả. Ảnh: Hải Tiến.

Giống nhãn T6 trồng ở Sơn La rất sai quả. Ảnh: Hải Tiến.

Mùa mưa ở Sông Mã còn có nhiều ngày rất nắng nóng, đêm se lạnh, nhiệt độ ngày và đêm chênh lệch lớn nên rất thuận lợi cho cây trồng tích luỹ khô vào quả, giúp trái lớn nhanh, trọng lượng đạt cao. Vào mùa mưa cây nhãn cũng đã đậu quả xong, chuyển sang thời kỳ tăng trọng lượng trái, nhu cầu về nước và dinh dưỡng cao nhưng nhờ trời mưa thường xuyên nên bà con ít phải bơm tưới dưỡng cây, dưỡng trái.

Mặt khác, do nhãn vùng cao chủ yếu trồng trên đất đồi dốc, mực nước ngầm thấp nên có thể ví như cây nhãn được “xiết nước" tự nhiên, giúp cho cây tự phân hoá ngồng hoa thay vì phải khoanh cành, chặn rễ, dừng tưới nước để thúc cho cây ra hoa giống các loại nhãn trồng ở dưới xuôi hoặc tại những khu đất thấp.

Nhãn trồng trên đất dốc, gặp mưa sẽ tự tiêu thoát nước nhanh, tránh bị úng cục bộ gây nứt quả, rụng quả, giảm năng suất, giảm chất lượng như cây nhãn trồng dưới đồng bằng. Ngoài ra, đất đồi ở Sơn La hầu hết thuộc loại feralit đỏ - vàng - nâu, giàu mùn, giàu dinh dưỡng, tầng canh tác dày giúp giảm thiểu phân bón, nhất là phân hoá học. Nhờ có được những tiềm năng lợi thế này, nhãn trồng ở Sơn La đều dễ thâm canh theo hướng hữu cơ hoặc chuẩn VietGAP.

Tăng tốc nhờ đòn bẩy khoa học kỹ thuật

Từ năm 2001, TS Nguyễn Thị Hương (Viện Nghiên cứu Rau quả) cùng cộng sự đã đưa nhiều giống nhãn lên trồng khảo nghiệm ở các huyện Yên Châu, Mai Sơn và Sông Mã. Là cây lưu niên, việc đánh giá phạm vi thích ứng, tích chống chịu, khả năng ra hoa, đậu quả trên từng giống nhãn phải 3 - 5 năm mới có kết luận chính xác, sau đó cũng phải mất 5 - 7 năm để xây dựng mô hình, tuyên truyền vận động bà con mới nhân được giống tốt ra diện rộng. Đây là lý do phải tới năm 2015, Sơn La mới trở thành “vựa nhãn" nổi tiếng cả nước.

TS Hương cho biết, qua khảo nghiệm, giống nhãn Hương Chi vỏ mỏng, cùi dày, ngon, nhưng không phù hợp trồng ở Sơn La vì hay nứt quả. Giống nhãn chín muộn Khoái Châu vỏ dày giòn khó tách, có gai lì, mã xấu, đưa lên Sông Mã trồng cho quả rất to, vỏ mỏng mềm dễ tách, mã sáng, chín sớm hơn, năng suất, chất lượng cao.

Giống nhãn T6 trồng ở đây cũng dễ “bắt quả" hơn nhiều so với trồng ở Hưng Yên. Đặc biệt gần đây, giống nhãn Ánh Vàng 205 do Viện Nghiên cứu Rau quả chọn lọc cho thấy rất phù hợp với thổ những, khí hậu tại Sơn La, cho quả sai, chùm to, vỏ mỏng dễ tách, cùi dày thơm ngọt, dễ thâm canh, năng suất, chất lượng cao, phù hợp cho xuất khẩu...

TS Nguyễn Thị Hương là đồng tác giả chọn giống nhãn Ánh Vàng 205. Ảnh: Hải Tiến.

TS Nguyễn Thị Hương là đồng tác giả chọn giống nhãn Ánh Vàng 205. Ảnh: Hải Tiến.

Theo ông Nguyễn Tiến Hải - Phó Chủ tịch huyện Sông Mã, cây nhãn không bị nhiễm các bệnh do virus gây hại, khó phòng trị như cây ăn quả có múi, đây cũng được coi là lợi thế lớn. Tuy nhiên, sản xuất nhãn của Sơn La cũng có hạn chế, thu hoạch quả vào mùa mưa và xa thị trường tiêu thụ.

Để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế và khắc phục những hạn chế kể trên, nhiều năm qua, huyện đã phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan của tỉnh và trung ương, nhất là với Viện Nghiên cứu Rau quả đưa nhanh các tiến bộ công nghệ vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu diện tích nhãn trồng trên đồi dốc là chính, tăng cường chế biến và rải vụ thu hoạch bằng biện pháp cho ra quả trái vụ...

Nhờ đó, diện tích nhãn Sông Mã không ngừng tăng lên, năm 2015 đạt gần 4.300ha, sản lượng quả 31.000 tấn; năm 2023 tăng lên 7.500ha, sản lượng quả trên 75.000 tấn (tăng 15.000 tấn so với năm 2022), trong đó diện tích nhãn xử lý ra hoa trái vụ khoảng 300ha, sản lượng quả đạt 4.500 tấn.

Vụ thu hoạch nhãn năm nay, riêng HTX Hoa Mười đã xuất khẩu sang Cộng hoà Liên bang Đức được 17 tấn nhãn quả, tăng 5 tấn so với kế hoạch. Đáng chú ý, dù là huyện vùng sâu, bước đầu Sông Mã đã có 78 hộ ở xã Chiềng Khương áp dụng quy trình trồng nhãn công nghệ cao, tưới phun mưa hoặc tưới nhỏ giọt cho gần 70ha.

Bình luận