Ngành chăn nuôi dịch chuyển [Bài 2]: Không còn đánh đổi môi trường

Bình luận · 211 Lượt xem

Đồng Nai, thủ phủ chăn nuôi của cả nước, đang có những dịch chuyển lớn về khu vực nuôi và số lượng trang trại, trước những yêu cầu về bảo vệ môi trường.

Một trang trại chăn nuôi gà công nghiệp ở Đồng Nai. Ảnh: Lê Bình.

Một trang trại chăn nuôi gà công nghiệp ở Đồng Nai. Ảnh: Lê Bình.

Thủ phủ chăn nuôi đời đầu

Từ hàng chục năm nay, Đồng Nai luôn được coi là thủ phủ chăn nuôi của cả nước. Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết, từ những năm 1960, trên địa bàn tỉnh Biên Hòa (sau năm 1975, tỉnh Biên Hòa, tỉnh Long Khánh và tỉnh Phước Tuy được hợp nhất thành tỉnh Đồng Nai), đã xuất hiện nhiều trang trại nuôi heo theo hướng công nghiệp với quy mô lớn so với thời đó.

Với thời tiết và điều kiện tự nhiên thuận lợi (ít khi có bão, nền đất cứng và cao phù hợp cho việc xây dựng chuồng trại) cộng việc nằm gần thị trường tiêu thụ lớn nhất là TP.HCM, kết hợp hệ thống giao thông thuận tiện cả đường bộ và đường thủy, ngành chăn nuôi theo hướng công nghiệp ở Đồng Nai hình thành từ rất sớm.

Nhờ sớm có hệ thống trang trại chăn nuôi theo hình thức công nghiệp, trong hàng chục năm qua, Đồng Nai đã thu hút được nhiều công ty lớn về thức ăn chăn nuôi, con giống, như C.P. Việt Nam, Cargill Việt Nam, De Heus, Japfa Việt Nam, Woosung Vina, GreenFeed Việt Nam, Proconco… đến đầu tư xây dựng nhà máy, qua đó giúp giảm bớt giá thành vận chuyển từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ. Nhờ vậy, chăn nuôi Đồng Nai ngày càng phát triển mạnh và trong hàng chục năm qua luôn được coi là thủ phủ chăn nuôi cả nước.

Thông tin từ Sở NN-PTNT Đồng Nai cho thấy, đến hết năm 2022, Đồng Nai có tổng đàn heo 2,5 triệu con, tổng đàn gà khoảng 26 triệu con. Trong đó, chăn nuôi trang trại chiếm hơn 90% tổng đàn. Chăn nuôi là ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của Đồng Nai với gần 62%.

Một cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ tại Đồng Nai trong diện phải ngừng hoạt động. Ảnh: Lê Bình.

Một cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ tại Đồng Nai trong diện phải ngừng hoạt động. Ảnh: Lê Bình.

Sắp xếp lại ngành chăn nuôi

Có thể nói, trong hàng chục năm qua, chăn nuôi Đồng Nai đã đóng vai trò rất quan trọng trong việc cung cấp thịt, trứng… cho TP.HCM, Đông Nam bộ cũng như vào sự tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh Đồng Nai. Tuy nhiên, số lượng đông đảo các cơ sở chăn nuôi cùng tổng đàn lớn cũng gây ra nhiều vấn đề về môi trường.

Đứng trước tình hình đó, việc xắp xếp lại chăn nuôi theo hướng ổn định về số lượng và bảo vệ môi trường đang là mối quan tâm hàng đầu của tỉnh Đồng Nai. Ngày 24/2/2023, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành Quyết định 296/QĐ-UBND về việc phê duyệt danh sách các cơ sở chăn nuôi phải di dời ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi.

Theo Quyết định này, trên 2.000 cơ sở phải di đời và 861 cơ sở ngưng chăn nuôi. Chậm nhất là trước ngày 1/1/2025, các cơ sở này buộc phải di dời hoặc ngưng hoạt động. Động thái cứng rắn này của Đồng Nai được cho là cần thiết, nhằm phát triển kinh tế theo hướng bền vững, đảm bảo môi trường và an toàn dịch bệnh.

Trước khi ban hành Quyết định nói trên, Đồng Nai đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra liên ngành nhằm đánh giá mức độ ảnh hưởng của các hộ chăn nuôi trên địa bàn.

Theo ông Trần Trọng Toàn, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai, kết quả kiểm tra cho thấy vẫn còn nhiều bất cập về quy hoạch, hệ lụy tiêu cực tác động đến môi trường cũng như an toàn dịch bệnh từ hầu hết các cơ sở chăn nuôi được kiểm tra.

“Rất nhiều cơ sở chăn nuôi không trình được giấy phép chăn nuôi hoặc chưa có giải pháp xử lý nước thải và phân hiệu quả. Hầu hết xả thải ra sông, suối hoặc tận dụng để nuôi cá gây ô nhiễm môi trường. Các khu vực như sông Buông, suối Săn Máu, suối Reo, suối Nước Trong... ô nhiễm nặng, mùi hôi thối do các trang trại chăn nuôi dọn rửa chuồng và xả thải ra đây”, ông Trần Trọng Toàn thông tin.

Theo quy định, cơ sở chăn nuôi phải có hệ thống xử lý nước thải sau biogas, hồ lắng, hồ chứa để xử lý nước thải, phân… Nước thải sau xử lý được tuần hoàn vệ sinh chuồng trại, tưới cây hoặc xả ra môi trường, phân thải được thu gom, tập kết vào nhà chứa, ủ rồi mang bán. Tuy nhiên, phần lớn các cơ sở nhỏ và vừa chưa thực hiện được yêu cầu này.

Sở NN-PTNT Đồng Nai cho biết, chăn nuôi nông hộ hiện chiếm khoảng 9 - 10% tổng đàn heo, gia cầm, nhưng số lượng cơ sở khá nhiều và trải rộng khắp tỉnh. Định hướng phát triển chăn nuôi của UBND tỉnh Đồng Nai là sẽ thu hẹp, tiến tới việc thay thế chăn nuôi nông hộ bằng các mô hình liên kết, khép kín và có quy mô lớn.

Ông Trần Lâm Sinh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai chia sẻ, đây là chủ trương hướng đến mục tiêu kép là ổn định đàn vật nuôi và đảm bảo được an toàn môi trường, dịch bệnh. Khi phát triển nuôi lợn, gà với số lượng lớn, khép kín, công nghệ cao không chỉ đảm bảo được sản lượng mà còn hướng đến tiêu chuẩn chất lượng quốc tế và dịch bệnh được kiểm soát chặt chẽ hơn.

Một cơ sở nuôi heo ở Đồng Nai. Ảnh: Lê Bình.

Một cơ sở nuôi heo ở Đồng Nai. Ảnh: Lê Bình.

Cần lộ trình hỗ trợ người chăn nuôi di dời

Trong khoảng 3.000 cơ sở chăn nuôi buộc phải di dời hoặc ngừng hoạt động, tập trung nhiều nhất tại các huyện Định Quán (1.000 cơ sở), Long Thành (766 cơ sở) và Cẩm Mỹ (300 cơ sở)… Nhiều người chăn nuôi thuộc diện phải di dời hoặc ngưng hoạt động đang như ngồi trên đống lửa.

Từ nhiều năm nay, trang trại nuôi heo khép kín của ông Nguyễn Hữu Thắng (ngụ tại xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu) vẫn luôn duy trì khoảng 3.000 đầu heo. Mới đây, ông Thắng cũng được thông báo sẽ phải di dời trại heo do không nằm trong quy hoạch. Cân đo đong đếm, ông Thắng quyết định bỏ nghề.

Với ông Thắng lúc này, bài toán chuồng trại sẽ được tận dụng để làm gì tiếp theo là điều ông quan tâm nhất. Mặt khác, thời gian đánh giá công nhận cho một cơ sở chăn nuôi trang trại đủ điều kiện sản xuất tại Đồng Nai thường phải mất 1 - 2 năm, với chi phí hàng chục đến hàng trăm triệu đồng. Điều này cũng trực tiếp gây khó khăn cho người chăn nuôi.

“UBND tỉnh di dời cơ sở chăn nuôi nhưng chưa có hướng cụ thể khiến người chăn nuôi khó chồng khó. Tỉnh cũng nên bàn luận để đặt vấn đề sinh kế của người dân lên hàng đầu. Không chỉ 3.000 cơ sở bị ảnh hưởng mà còn cả chục ngàn lao động cũng bị ảnh hưởng theo”, một chủ cơ sở chăn nuôi kiến nghị.

Đây cũng là vấn đề mà Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai đang kiến nghị và cùng lãnh đạo tỉnh gỡ cho các hộ chăn nuôi. Là người có thâm niên hơn 20 năm trong ngành chăn nuôi, ông Lê Văn Quyết, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai mong mỏi có sự bàn bạc kỹ lưỡng, đặt lợi ích bền vững của người dân song song với việc đảm bảo môi trường.

“Việc di dời hơn 3.000 cơ sở chăn nuôi trong thời gian gấp rút như vậy có thể dẫn đến nguy cơ làm đứt gãy chuỗi cung ứng thực phẩm cho các tỉnh, thành lân cận. Do đó, đứng về phía người chăn nuôi, chúng tôi thiết nghĩ ngành chức năng cần xây dựng lộ trình phù hợp hơn, có quy hoạch về đất đai cũng như xây dựng vùng chăn nuôi phù hợp, có chính sách hỗ trợ kinh phí di dời, chủ trương hỗ trợ vốn tín dụng từ ngân hàng…”, ông Quyết bày tỏ.

"Sở NN-PTNT đang xây dựng kế hoạch trình UBND tỉnh về các mức hỗ trợ cụ thể cho từng trường hợp bị ảnh hưởng di dời hoặc ngưng chăn nuôi. Ngoài ra, Sở cũng định hướng cho người chăn nuôi những vùng chăn nuôi hợp lý, nằm trong vùng an toàn dịch bệnh tại khu vực Đông Nam bộ mà Chính phủ đã đề ra. Với kinh nghiệm chăn nuôi của mình, Đồng Nai cũng đang khuyến khích chủ chăn nuôi đến các tỉnh khác để đầu tư chăn nuôi, đúng quy hoạch của địa phương", ông Trần Lâm Sinh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Nai cho biết.

Bình luận