Mù Cang Chải [Kỳ 1]: Rực rỡ từ bình mình đến hoàng hôn

Bình luận · 228 Lượt xem

Với những tiềm năng về điều kiện tự nhiên, bản sắc dân tộc, huyện Mù Cang Chải là một trong những điểm đến thu hút đông khách du lịch ở khu vực Tây Bắc.

“Tác phẩm nghệ thuật” hùng vĩ giữa núi non đại ngàn

 

Phóng viên đến huyện Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái) vào những ngày đầu mùa thu, khi đó thời tiết ở vùng thấp vẫn còn oi bức, ngột ngạt, nhưng không khí ở đây đã khá dễ chịu, trời se lạnh vào sáng sớm, đến trưa cái nắng cũng không còn gay gắt. Cả chặng đường dài, tôi cảm nhận được sự giàu có của thiên nhiên và nét đặc sắc trong đời sống văn hóa của đồng bào các dân tộc Tây Bắc.

 

Đường lên Mù Cang Chải tuy xa và khó khăn song lại rất thú vị, quang cảnh thay đổi liên tục trên đường, chưa kịp ngắm hết những ngôi nhà sàn của người Thái bên cánh đồng Mường Lò rộng lớn với bạt ngàn hoa ban trắng thì đã đến với những con đường quanh co, uốn khúc trên các sườn đồi dốc đứng. Từ đèo này qua đèo khác, núi này qua núi khác, tôi có thể cảm nhận rõ nét sự thay đổi của độ cao, hai bên đường là những triền ruộng bậc thang làm choáng ngợp lòng người.

 

Mù Cang Chải có kiểu khí hậu đặc thù, quanh năm mát mẻ, nhiệt độ trung bình hàng năm dao động từ 19 - 21 độ C. Nơi đây có vô số cảnh đẹp, hùng vĩ và vô cùng thơ mộng. Tiêu biểu nhất là di tích cấp Quốc gia đặc biệt “Danh lam thắng cảnh Ruộng bậc thang Mù Cang Chải” - kiệt tác về nghệ thuật canh tác trên đất dốc đã được nhiều tạp chí du lịch uy tín của Việt Nam và thế giới nhận định là “một trong những điểm đến rực rỡ nhất thế giới”.

 

Quần thể ruộng bậc thang Mù Cang Chải có tổng diện tích trên 7.000ha, trong đó có hơn 850ha vùng lõi đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích cấp Quốc gia đặc biệt vào năm 2019, nằm trên địa bàn các xã La Pán Tẩn, Dế Xu Phình, Chế Cu Nha, Kim Nọi, Mồ Dề và Lao Chải.

 

Ruộng bậc thang Mù Cang Chải gắn liền với đời sống, tập tục của người Mông. Chính vì thiếu những mảnh ruộng bằng phẳng để canh tác, đồng bào Mông đã tận dụng từng mảnh ruộng nhỏ được vỡ ra ở từng ngọn núi có độ cao từ 800 - 1.700m so với mực nước biển. Việc thu phục thiên nhiên để sinh tồn đã vô tình biến đồng bào ở đây lại trở thành những “người nghệ sĩ” tạo nên một “tác phẩm nghệ thuật” hùng vĩ giữa núi non đại ngàn.

 

Rực rỡ từ bình mình đến hoàng hôn

Theo những người có kinh nghiệm, để ngắm những thửa ruộng bậc thang tại đồi mâm xôi La Pán Tẩn vào buổi sáng là đẹp nhất. Khi ấy, những vạt nắng mỏng manh bắt đầu ló rạng, đan xen vào nhau rải lên màn sương khói huyền ảo. Cảm giác giống như lạc vào một miền đất hứa, đi giữa biển vàng mênh mang khói trắng. Để chụp ảnh thì bất cứ góc chụp nào cũng cho ta những bức ảnh đẹp xuất thần, vừa ảo ảnh vừa lãng mạn.

 

Không riêng gì sáng sớm, thời điểm hoàng hôn ở đây cũng đẹp không hề kém cạnh. Hoàng hôn trên đồi mâm xôi mang một vẻ đẹp vô cùng rực rỡ, từ sắc vàng hồng ấm áp, bầu trời chuyển dần sang màu tím mơ mộng rồi buông xuống biển lúa vàng màn đêm tĩnh lặng đầy yên bình. Những bông lúa trĩu hạt cũng chìm vào giấc ngủ, tỏa hương thơm ngọt ngào, ngất ngây khách du lịch.

 

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Tuấn Vũ - Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh Yên Bái cho biết, năm nào, anh em nghệ sĩ nhiếp ảnh chúng tôi cũng đến với Mù Cang Chải vài lần. Chúng tôi bị thu hút đặc biệt bởi vẻ đẹp của danh thắng Ruộng bậc thang. Vào mùa nước đổ (khoảng tháng 5 - 6), ruộng bậc thang mang vẻ đẹp hoang sơ, bình dị với gam màu trầm chủ đạo, đúng chất của miền sơn cước vùng Tây Bắc.

 

Bà Lương Thị Xuyến - Phó chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải mong muốn, trong tương lai chúng tôi sẽ hướng tới đề nghị UNESCO công nhận Danh thắng Ruộng bậc thang Mù Cang Chải là di sản thế giới. Vì vậy, để tiếp tục bảo tồn, gìn giữ và phát triển Danh thắng Ruộng bậc thang, chính quyền và người dân trong huyện mong muốn Nhà nước sẽ có chính sách hỗ trợ người dân trực tiếp trồng lúa trong vùng di tích để người dân yên tâm gắn bó lao động sản xuất và bảo vệ. 

 

Bình luận