Bộ NN-PTNT đề nghị Quảng Nam thực hiện các biện pháp mạnh chống khai thác IUU

Bình luận · 224 Lượt xem

Bộ NN-PTNT yêu cầu Quảng Nam bố trí cán bộ có năng lực, trình độ, tinh thần trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU.

Vẫn còn những tồn tại, hạn chế chậm khắc phục

Ngày 26/9, Bộ NN-PTNT ban hành văn bản gửi Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu khẩn trương thực hiện các biện pháp mạnh chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), chuẩn bị làm việc với Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) lần thứ 4.

 

Công văn nêu rõ, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về triển khai thực hiện các giải pháp chống khai thác IUU, khắc phục cảnh báo “thẻ vàng” của EC, ngày 15/9/2023, Bộ NN-PTNT đã tổ chức Đoàn công tác liên ngành làm việc với tỉnh Quảng Nam và có một số ý kiến cụ thể như sau:

 

Sau gần 6 năm triển khai thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU, qua 3 lần kiểm tra của Đoàn công tác Bộ NN-PTNT, kết quả thực hiện tại địa phương có sự cải thiện so với trước về lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS), xử phạt hành vi vi phạm về mất kết nối VMS... Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại, hạn chế chậm khắc phục theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 81/QĐ-TTg ngày 13/2/2023. Cụ thể như:

 

Đăng ký tàu cá mới đạt 57%, cấp Giấy phép khai thác thủy sản mới đạt 81,5% (còn 11 tàu khai thác vùng khơi chưa được cấp phép, giao huyện quản lý tàu cá dưới 15m nhưng cần phải theo dõi, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ đảm bảo thực hiện theo quy định); hiện tàu cá còn hạng đăng kiểm mới đạt 20%.

 

Lắp đặt thiết bị VMS đạt gần 100% (hiện còn 1 tàu chưa lắp); tuy nhiên mất kết nối VMS diễn ra thường xuyên, số lượng lớn (70% trường hợp mất kết nối trong bờ, cần phải được theo dõi, giám sát đảm bảo tàu cá không hoạt động).

 

Hiện mới kiểm soát được khoảng 15% tàu cá ra vào cảng, sản lượng thủy sản khai thác được kiểm soát bốc dỡ qua cảng mới đạt khoảng 5% so với tổng sản lượng của toàn tỉnh.

 

Xử phạt tốt hành vi mất kết nối VMS trên 10 ngày, tuy nhiên cần phải rà soát đầy đủ mức phạt, đối tượng vi phạm để xử phạt đúng theo quy định; việc kiểm tra, đối chiếu Nhật ký khai thác với dữ liệu VMS chưa được thực hiện dẫn đến nhiều trường hợp vi phạm quy định về Nhật ký khai thác nhưng chưa có trường hợp nào bị xử lý theo quy định.

 

Qua kiểm tra thực tế tại cảng cá: Chất lượng Nhật ký khai thác chưa đảm bảo (thông tin mẻ lưới ghi không trung thực chiếm 88% số lượng Nhật ký thu nộp), thông tin Nhật ký thu mua, chuyển tải không đảm bảo truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác được thu mua từ tàu khai thác (qua kiểm tra dữ liệu giám sát tàu cá (VMS) phát hiện trường hợp thời điểm thu mua, chuyển tải ghi trên Nhật ký thu mua không đúng); sổ sách ghi chép thông tin tàu cá thông báo ra vào cảng, biên bản kiểm tra, giám sát tàu cá chưa khớp số liệu; công tác xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác thực hiện chưa đảm bảo theo quy định (sổ theo dõi sản lượng bốc dỡ không phân theo loài nhưng trên cơ sở dữ liệu điện tử lại có thành phần loài dẫn đến không bảo đảm chứng minh được thực hiện trên thực tế hay không...); lưu trữ hồ sơ, sổ sách bằng bản giấy và trên phần mềm điện tử thiếu khoa học dẫn đến truy xuất phục vụ cho công tác kiểm tra của Đoàn công tác không kịp thời, chưa cung cấp được số liệu theo yêu cầu.

 

Giải pháp quyết tâm gỡ "thẻ vàng"

Để chuẩn bị làm việc với Đoàn Thanh tra của EC lần thứ 4 trong tháng 10/2023 với quyết tâm đến tháng 10/2023 gỡ cảnh báo “thẻ vàng” theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; Bộ NN-PTNT đề nghị đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ trước mắt, các giải pháp cấp bách, trọng tâm.

 

Tập trung tối đa nguồn lực khắc phục các tồn tại, hạn chế hiện nay; thực hiện nghiêm túc, hoàn thành các nhiệm vụ được giao theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 81/QĐ-TTg ngày 13/2/2023, Công điện số 265/CĐ- TTg ngày 17/4/2023, của Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về IUU và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ NN-PTNT (Công điện số 5312/CĐ-BNN-KN ngày 3/8/2023, Văn bản số 6168/BNN-KN ngày 6/9/2023); gắn trách nhiệm người đứng đầu các cấp với kết quả thực hiện, nghiêm túc tổ chức kiểm điểm trách nhiệm các tổ chức, cá nhân không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao.

 

Khẩn trương rà soát toàn bộ hồ sơ kiểm soát tàu cá ra vào cảng, giám sát sản lượng thủy sản khai thác bốc dỡ qua cảng, cấp giấy xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác đảm bảo thực hiện đúng quy định.

 

Thực hiện nghiêm túc, hoàn thành công tác quản lý tàu cá theo quy định (đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác, cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, lắp đặt thiết bị VMS, cập nhật đầy đủ dữ liệu tàu cá vào cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia); đảm bảo tàu cá cập cảng chỉ định, giám sát 100% sản lượng thủy sản khai thác tại địa phương.

 

Chỉ đạo các lực lượng thực thi pháp luật tại địa phương, thực hiện nghiêm túc trách nhiệm công vụ trong theo dõi, kiểm tra, xác minh, xử lý 100% các hành vi khai thác IUU vi phạm về Nhật ký khai thác, mất kết nối VMS, vượt ranh giới trên biển...) theo quy định của pháp luật.

 

Lập danh sách, theo dõi toàn bộ tàu cá có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU (tàu chưa lắp thiết bị VMS, ngưng hoạt động, xóa đăng ký, chưa được cấp giấy phép khai thác... phải nắm được hiện trạng đang ở đâu, giao chính quyền cơ sở theo dõi, giám sát hàng ngày); kiểm tra, kiểm soát 100% tàu cá xuất, nhập bến tại các đồn/trạm Biên phòng, xử lý 100% các tàu cá không đủ điều kiện xuất, nhập bến vào cảng cá bốc dỡ thủy sản khai thác; đặc biệt kiên quyết không để tàu cá địa phương vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.

 

Tiếp tục hoàn thiện, đầu tư cơ sở hạ tầng nghề cá, tăng cường nguồn lực cho lực lượng kiểm ngư địa phương bảo đảm đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước trên các vùng biển được phân cấp.

 

Bố trí cán bộ có năng lực, trình độ, tinh thần trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU; xây dựng kịch bản chi tiết, chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất chuẩn bị đón và làm việc với Đoàn Thanh tra của EC.

Bình luận