Thương hiệu cua Cà Mau ở thị trường nước ngoài 'rất mờ nhạt, lãng phí'

Bình luận · 248 Lượt xem

Hình ảnh cua Cà Mau phần nào định hình với người tiêu dùng Việt Nam nhưng ở các thị trường xuất khẩu, đặc biệt như Trung Quốc, vẫn bị lãng phí và chưa để lại dấu ấn.

Cua Cà Mau cần nâng cấp hình ảnh, thương hiệu cho các thị trường xuất khẩu. Ảnh: Trọng Linh.

Cua Cà Mau cần nâng cấp hình ảnh, thương hiệu cho các thị trường xuất khẩu. Ảnh: Trọng Linh.

Sản phẩm thế mạnh

Theo báo cáo của UBND tỉnh Cà Mau, cua biển Cà Mau là sản phẩm thủy sản thuộc thế mạnh và nằm trong nhóm đối tượng tái cơ cấu của ngành nông nghiệp. Diện tích thả cua hằng năm trên địa bàn tỉnh Cà Mau khoảng trên 250.000 ha, sản lượng thu hoạch ước khoảng trên 25.000 tấn.

Từ sản lượng đó, giá trị thương phẩm của con cua ở Cà Mau đạt trên 10.000 tỷ đồng/năm, góp phần tăng thu nhập đáng kể cho người nuôi thủy sản (chỉ đứng sau các sản phẩm tôm). Với các chỉ số trên, Cà Mau trở thành địa phương có sản lượng cua nhiều nhất trong cả nước.

Hiện nay, một số vùng cua Cà Mau cũng đã được cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý và bảo hộ với hình thức nhãn hiệu tập thể nhằm tăng cường hơn nữa quản lý, kiểm soát và quảng bá thương hiệu sản phẩm, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm cua của địa phương.

Tuy nhiên, trong cuộc làm việc với Bộ NN-PTNT, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử thừa nhận, sản phẩm cua Cà Mau hiện nay chủ yếu xuất sang thị trường Trung Quốc nhưng dễ gặp nhiều rủi ro, dễ bị thao túng giá, không ổn định, chưa tổ chức sản xuất theo hướng bền vững.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử: Sản phẩm cua Cà Mau dễ bị thao túng giá, không ổn định, chưa tổ chức sản xuất theo hướng bền vững. Ảnh: Tùng Đinh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử: Sản phẩm cua Cà Mau dễ bị thao túng giá, không ổn định, chưa tổ chức sản xuất theo hướng bền vững. Ảnh: Tùng Đinh.

Trong khi đó, thời gian qua, Tổng Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post) đã tìm hiểu, nghiên cứu khá sâu về thị trường Trung Quốc, nhất là các địa phương tiêu thụ mặt hàng cua Cà Mau.

Vì vậy, ngày 10/5 vừa qua, UBND tỉnh Cà Mau đã tổ chức buổi làm việc cùng với sở, ban ngành tỉnh có liên quan, Tập đoàn Viettel và Viettel Post để bàn bạc, thống nhất các nội dung cùng xây dựng “Đề án tổ chức lại sản xuất và xuất khẩu chính ngạch sản phẩm cua Cà Mau sang thị trường Trung Quốc và một số nước trong khu vực”.

Chia sẻ sâu hơn về vấn đề này, ông Đinh Thanh Sơn, đại diện Viettel Post cho biết, cua Cà Mau là sản phẩm có thị trường lớn tại Trung Quốc. Tuy nhiên, tại các trung tâm phân phối thủy sản lớn ở Quảng Tây, Quảng Châu thì thương hiệu cua Cà Mau lại rất mờ nhạt, rất lãng phí.

Một khó khăn nữa mà ông Sơn nêu ra, đó là khâu vận chuyển và đảm bảo chất lượng cho con cua khi sang đến thị trường Trung Quốc.

Trao đổi với các đơn vị thuộc Bộ NN-PTNT, Viettel Post mong muốn ngoài chỉ dẫn địa lý cũng cần nghiên cứu có mã số riêng cho từng con cua để xác định nguồn gốc xuất xứ, dễ làm thương hiệu.

Về phía Viettel Post, đơn vị này cũng đã làm việc với các đối tác Trung Quốc để xây dựng chuỗi cung ứng sâu hơn trong nội địa, thông qua các sàn thương mại điện tử như JD, Alibaba hoặc có thể livestream để bán hàng.

Vì vậy, tỉnh Cà Mau cùng Viettel Post đặt vấn đề với Bộ NN-PTNT hỗ trợ nghiên cứu, đóng góp cho quá trình xây dựng Đề án tổ chức lại sản xuất và xuất khẩu chính ngạch sản phẩm cua Cà Mau sang thị trường Trung Quốc và một số nước trong khu vực, cũng như hỗ trợ thực hiện khi đề án bắt đầu triển khai.

Chuẩn hóa con cua

Liên quan con cua của Cà Mau, ông Ngô Hồng Phong, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN-PTNT) cho biết, các sản phẩm thủy sản của Việt Nam, trong đó có cua Cà Mau hiện nay đã được xuất khẩu chính ngạch Trung Quốc.

Các sản phẩm này cần đáp ứng 2 điều kiện, đó là sản xuất, bao gói tại các cơ sở được phía Trung Quốc chấp nhận và từng lô hàng sẽ được kiểm tra, cấp chứng thư trước khi xuất khẩu.

“Hiện nay cả nước có 880 cơ sở chế biến thủy sản được xuất khẩu sang Trung Quốc, trong đó sản phẩm cua có 45 cơ sở và Cà Mau có 5 cơ sở”, ông Ngô Hồng Phong cho biết.

Để phát triển bền vững sản phẩm này, ông Phong cho rằng cần xây dựng một đề án tổng thể, trong đó phát triển hệ thống chỉ dẫn địa lý, quảng bá thương hiệu, cải thiện logistics.

Bên trong một cơ sở bao gói cua ở Cà Mau. Ảnh: Trọng Linh.

Bên trong một cơ sở bao gói cua ở Cà Mau. Ảnh: Trọng Linh.

Trong khi đó, ông Ngô Thế Hiên, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN-PTNT) đóng góp ý kiến rằng có thể triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc và tem chống hàng giả đến từng con cua của Cà Mau. Tem chống giả được cho là giải pháp hiệu quả để khẳng định hình ảnh của cua Cà Mau khi có chi phí thấp (khoảng 200 đồng/tem) nhưng thể hiện được nhiều thông tin.

Sau khi lắng nghe các ý kiến bộ phận chuyên môn, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh cần tổ chức lại ngành hàng cua Cà Mau thật chuẩn và chứng minh được cái chuẩn đó, từ con giống, chăm sóc, thu hoạch đến đóng gói.

Vấn đề này được giao cho Cục Thủy sản, với tinh thần trước tiên là làm thật chuẩn, xây dựng niềm tin cho các thị trường xuất khẩu: “Xây dựng hình ảnh cua Cà Mau, trước là cho thị trường 100 triệu dân Việt Nam rồi mới nghĩ đến xuất khẩu”.

Về thị trường Trung Quốc, Bộ trưởng cho rằng cần mở rộng sâu hơn vào các thị trường nội địa và giao Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường phối hợp với tỉnh thực hiện vấn đề này.

 
Bình luận