Vùng nuôi tôm - lúa đạt chứng nhận ASC đầu tiên trên thế giới

Bình luận · 221 Lượt xem

Dự án GRAISEA đã giúp Cà Mau xây dựng được vùng nuôi tôm trên đất lúa đạt chứng nhận ASC đầu tiên tại Việt Nam và cũng là đầu tiên trên thế giới.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Cà Mau có quy mô vừa và nhỏ. Khi tham gia chuỗi giá trị, các doanh nghiệp đối mặt với nhiều thách thức, nhất là việc đáp ứng các tiêu chuẩn cao về xã hội, môi trường và sản xuất bền vững, dẫn đến việc liên kết với nông dân để thu mua sản phẩm ổn định, có chất lượng cao theo các tiêu chuẩn quốc tế còn đối mặt khó khăn, thách thức.

 

Dự án GRAISEA thuộc chương trình tăng cường bình đẳng và đầu tư kinh doanh nông nghiệp có trách nhiệm tại Ðông Nam Á tạo ra những cơ hội chuyển đổi cho các hộ sản xuất nhỏ lẻ trong lĩnh vực nông nghiệp tại châu Á thông qua thúc đẩy các chuỗi giá trị bao trùm và thực hành kinh doanh có trách nhiệm, tôn trọng quyền con người, tăng quyền năng kinh tế cho phụ nữ và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tỉnh Cà Mau là một trong những địa phương được thụ hưởng dự án này.

 

Bộ NN-PTNT cũng đã phê duyệt Ðề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022 - 2025, vùng nguyên liệu được xác định là điểm khởi đầu và là nền tảng để phát triển các chuỗi giá trị nông, lâm, thủy sản hiệu quả, bền vững. Tiêu chuẩn sản xuất bền vững được coi là bản lề cho việc nâng cao chất lượng vùng nguyên liệu, đáp ứng được nhu cầu của thị trường, tăng giá trị sản phẩm.

 

Dự án GRAISEA đã tạo điều kiện, cơ hội thúc đẩy các tiêu chuẩn sản xuất bền vững như GAP/VietGAP, chứng chỉ hữu cơ, SRP trên lúa, ASC... cho tỉnh Cà Mau, góp phần nâng cao chất lượng vùng nguyên liệu, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế, tăng giá trị sản phẩm.

 

Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đánh giá: Dự án GRAISEA đã góp phần quan trọng hỗ trợ các địa phương trong tỉnh thúc đẩy các tiêu chuẩn sản xuất bền vững, tiêu biểu như tiêu chuẩn ASC trong chuỗi tôm - lúa. Năm 2022, xã Trí Lực, huyện Thới Bình (Cà Mau) đã trở thành vùng nuôi tôm trên đất lúa đạt chứng nhận ASC đầu tiên tại Việt Nam và cũng là đầu tiên trên thế giới. Mô hình ở xã Trí Lực cũng được UBND tỉnh Cà Mau ủng hộ mở rộng trong kế hoạch phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 - 2025.

 

Trong khuôn khổ dự án, nhiều sáng kiến thúc đẩy sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, số hoá các nền tảng tổ chức sản xuất, quản lý và thương mại hiệu quả đã được triển khai nhằm tăng cường trao đổi, liên kết giữa các bên trong chuỗi tôm và lúa. Có thể kể tới như mô hình sản xuất tôm - lúa thích ứng biến đổi khí hậu, ứng dụng Rice Hero trên điện thoại thông minh để đo mức phát thải trong sản xuất lúa, quỹ phòng ngừa rủi ro thiên tai, ứng dụng số Diễn đàn Tôm Việt, kênh thương mại điện tử cho nông dân...

 

Dự án GRAISEA đã hỗ trợ nâng cao năng lực quản trị và vận hành của các hợp tác xã trong 2 chuỗi giá trị lúa, tôm tại 5 tỉnh khu vực ÐBSCL gồm An Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau. Đồng thời, hỗ trợ các tập đoàn đầu ngành, doanh nghiệp vừa và nhỏ cải thiện mô hình kinh doanh, chính sách đầu tư theo hướng bao trùm, có trách nhiệm. Quan hệ đôi bên cùng có lợi giữa người sản xuất quy mô nhỏ và doanh nghiệp có thể nhìn thấy một cách cụ thể khi nông dân chuẩn hoá quy trình canh tác, đảm bảo chất lượng và sản lượng cung ứng cho chế biến xuất khẩu. Trong đó, doanh nghiệp thu mua ổn định thu mua với giá ưu đãi cho nông dân, đồng thời có chính sách hỗ trợ kỹ thuật và vật tư cho bà con.

 

Bà Văn Ngọc Diệu, Phó Giám đốc HTX Dịch vụ, Sản xuất lúa - tôm Trí Lực, Tổ trưởng Tổ Sinh kế phụ nữ HTX Trí Lực (xã Trí Lực, huyện Thới Bình) cho biết: Tổ sinh kế thành lập được hơn 1 năm nay, mô hình tôm - lúa của HTX với giống lúa ST24 đã được thu mua toàn bộ phục vụ cho sản xuất gạo. Cũng từ đây, phụ nữ nông thôn được tham gia dây chuyền sản xuất gạo, tạo thêm sinh kế, tăng thu nhập cho gia đình.

 

Sau 5 năm triển khai, dự án đã hỗ trợ gần 4.500 nông dân (hơn 55% là nữ) và 58 HTX sản xuất theo tiêu chuẩn bền vững, nâng cao thu nhập; hơn 100 doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia, cải thiện hiệu quả sản xuất, kinh doanh. 15 doanh nghiệp đầu ngành (trong đó có Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, Công ty Cổ phần Tôm miền Nam) góp phần cải thiện chính sách, mô hình kinh doanh có trách nhiệm, từ đó giúp hơn 10 ngàn công nhân hưởng lợi từ chính sách tiền lương và phúc lợi xã hội. 9 sáng kiến thúc đẩy chuỗi giá trị tôm, lúa bền vững, toàn diện đã được hỗ trợ thành lập và vận hành, trong đó có Liên minh Tôm sạch và Bền vững Việt Nam.

Bình luận