Festival Bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam năm 2023: Tôn vinh tinh hoa làng nghề Việt

Bình luận · 196 Lượt xem

Sáng 26/9, Bộ Nông nghiệp và Phát riển nông thôn phối hợp cùng UBND thành phố Hà Nội tổ chức họp họp báo "Festival Bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam năm 2023". Theo đó, Festival sẽ diễn ra từ tháng 10 đến tháng 1

Đặc sắc và hấp dẫn

Tại buổi họp báo, ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn nhấn mạnh: "Festival Bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam năm 2023 được tổ chức nhằm bảo tồn, tái hiện và phát huy bản sắc các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; hình thành các nét văn hóa đương đại của làng nghề Việt Nam, trong đó lấy các làng nghề của thành phố Hà Nội làm trung tâm để lan tỏa đến các địa phương khác.

Festival Bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam năm 2023: Tôn vinh tinh hoa nghề Việt - Ảnh 1.

Festival bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam 2023 sẽ diễn ra từ tháng 10 đến tháng 11/2023 tại nhiều địa điểm trên địa bàn Hà Nội.

Thông qua đó, Festival cũng là nơi giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, kiến thức sản xuấ kinh doanh sản phẩm làng nghề, cũng như là dịp để tôn vinh các nghệ nhân, thợ giỏi, người lao động trong các làng nghề, qua đó khơi dậy tình yêu làng nghề truyền thống của thế hệ trẻ; xây dựng và hình thành các tour, điểm du lịch làng nghề, nhất là các làng nghề truyền thống của thành phố Hà Nội; đồng thời, kết nối giữa doanh nghiệp với làng nghề để thúc đẩy tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm…"

Festival sẽ diễn ra từ tháng 10 đến tháng 11/2023 tại nhiều địa điểm trên địa bàn Hà Nội. Trong đó, thời gian tổ chức sự kiện chính diễn ra từ ngày 9 - 12/11 tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long. Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp với UBND thành phố Hà Nội đồng chủ trì tổ chức lễ vinh danh các nghệ nhân, thợ giỏi; lễ khai mạc Festival; Hội chợ quốc tế giới thiệu sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP.

Festival Bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam năm 2023: Tôn vinh tinh hoa nghề Việt - Ảnh 2.

Làng nón Chuông nằm gần dòng sông Đáy hiền hòa, yên bình. Đến với làng nón Chuông, bạn không chỉ được ngắm nhìn các sản phẩm nón đa dạng kiểu dáng, màu sắc, chẳng hạn như: nón quai thao, nón chuông, nón tơi cho đến nón dấu,… mà còn được tận hưởng không khí trong lành, mát dịu nơi ngoại thành Hà Nội.

Cũng tại họp báo, bà Nguyễn Thị Hoàng Yến - Phó Cục trưởng, Cục Kinh tế hợp tác và PTNT thông tin thêm: " Lễ khai mạc Festival dự kiến được tổ chức vào ngày 11/9 tới đây tại Hoàng thành Thăng Long, dự kiến có khoảng 300 đại biểu với những nghi lễ hết sức trang trọng như Lễ dâng hương tại Điện Kính Thiên; tái hiện lễ rước Tổ nghề tại một số làng nghề truyền thống Việt Nam; khai mạc Festival và Hội chợ sản phẩm thủ công mỹ nghệ  - OCOP; trao giải Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam. Đặc biệt là sự kiện Lễ vinh danh các nghệ nhân, thợ giỏi dự kiến được trao cho khoảng 100 đai biểu, thợ giỏi của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Bên cạnh đó, các nghệ nhân, thợ giỏi cũng sẽ được tham gia các hoạt động khác như: Vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, thăm khu di tích nhà sàn Bác Hồ; tiếp kiến Lãnh đạo Nhà nước; tọa đàm với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nong thôn. Và sự kiện Hội chợ quốc tế giới thiệu sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP hoành tráng và công phu được tổ chức tại Hoàng thành Thăng Long với khoảng hơn 300 gian hàng…"

Bên cạnh đó, hưởng ứng Festival do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì và phối hợp còn có các hoạt động đặc sắc và hấp dẫn diễn ra từ ngày 9/11 – 12/11 như: Chương trình nghệ thuật của các làng nghề văn hóa truyền thống; Hội thảo quốc tế chủ đề "Bảo tồn và phát triển làng nghề"; Hội thảo Kết nối giao thương Việt Nam - San Marico; Hội thảo Xúc tiến thương mại Việt Nam - Mông Cổ; Hội thảo Xây dựng vùng nguyên liệu dâu tằm tơ; Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2023.

Song song với các hoạt động kể trên, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, thành phố Hà Nội chủ trì 7 sự kiện tại lễ hội gồm: lễ rước tổ nghề và tuần văn hóa du lịch - thương mại làng nghề Vạn Phúc năm 2023 với chủ đề "Vạn Phúc - Sắc màu hội nhập"; Lễ trao giải các sản phẩm làng nghề Hà Nội đạt giải năm 2023; sự kiện giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh Nam Bộ; Lễ hội và trưng bày sản phẩm làng nghề huyện Phú Xuyên; Lễ hội mùa thu Hà Nội, dự kiến tổ chức từ ngày 29/9/2023 đến 01/10/2023 tại khu vực hồ Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội với khoảng 200 gian hàng, do Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và Dịch vụ thành phố Hà Nội chủ trì thực hiện.

Để Festival diễn ra thành công, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo các đơn vị trực thuộc bố trí nguồn kinh phí để phối hợp triển khai tổ chức. Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND thành phố Hà Nội và đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch chi tiết để triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Festival.

Cùng với đó, tổ chức thực hiện tốt công tác truyền thông nhằm thu hút được đông đảo các làng nghề, nghệ nhân, thợ giỏi, hiệp hội, doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân trên cả nước và tổ chức, cá nhân trên thế giới tham gia. Công tác tổ chức phải chu đáo, trang trọng, tiết kiệm, hiệu quả, bảo đảm công tác an ninh trật tự, vệ sinh môi trường và tiến độ của Festival.

Tôn vinh "Tinh hoa nghề Việt"

Có mặt tại buổi họp báo, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Tạ Văn Tường nhận định: "Festival là một sự kiện lớn, có ý nghĩa giao lưu văn hóa, thương mại chứ không đơn thuần chỉ là hội chợ quảng bá sản phẩm. Hà Nội được coi là cái nôi phát triển làng nghề của cả nước. Thành phố Hà Nội có lịch sử nghìn năm văn hiến với kho tàng di sản văn hóa giàu giá trị. Thành phố cũng là nơi tập trung số lượng làng nghề và các nghệ nhân nhiều nhất cả nước. Trong số gần 5.400 làng nghề ở Việt Nam, Hà Nội chiếm 1/3 với khoảng 1.350 làng nghề."

"Các làng nghề Hà Nội cũng có 47 nghề trong tổng số 52 nghề truyền thống của cả nước, hội tụ đủ các nhóm nghề. Các làng nghề của Hà Nội có tính sáng tạo cao với các sản phẩm thủ công đa dạng, độc đáo, giàu bản sắc văn hóa, như đúc đồng Ngũ Xã, kim hoàn Định Công, nghề mây tre đan Phú Vinh, chuồn chuồn tre Thạch Xá, nón Chuông, sơn mài Hạ Thái, quạt Chàng Sơn, rối nước Đào Thục, hoa Tây Tựu, thêu Quất Động… đã nổi tiếng khắp cả nước. Đặc biệt, sản phẩm của làng lụa Vạn Phúc, làng gốm Bát Tràng hay làng cốm Mễ Trì… đã được công nhận là thương hiệu quốc gia. Sản phẩm của các làng nghề truyền thống Hà Nội có sự kết hợp giữa văn hóa và trình độ kỹ thuật của người làm nghề, kết tinh giá trị thẩm mỹ, bàn tay và khối óc tài hoa của các nghệ nhân qua nhiều thế hệ; không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế cho người dân, mà còn phản ánh sinh động lối sống, phong tục, tập quán và ước mơ, khát vọng của người Thăng Long từ xưa đến nay. Do đó, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ tinh hoa của các làng nghề truyền thống Hà Nội vừa khơi dậy và lan tỏa sức sáng tạo, vừa góp phần hình thành thương hiệu riêng." - ông Tường nhấn mạnh.

Còn theo Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn Lê Đức Thịn: "Bảo tồn và phát triển làng nghề cần có cách nhìn mới, tư duy mới. Ở đây không còn là những sản phẩm làng nghề mà nó là các tác phẩm của các nghệ nhân. Làm thế nào để các sản phẩm được tôn vinh, đề cao, đồng thời ngày càng hiện nhiều nghệ nhân trẻ, tâm huyết, sáng tạo đối với các sản phẩm làng nghề. Các sản phẩm từ các làng nghề không chỉ dừng lại quảng bá ở Thủ đô, trong nước mà còn lan tỏa ra quốc tế".

Festival Bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam năm 2023: Tôn vinh tinh hoa nghề Việt - Ảnh 3.

Làng lụa Vạn Phúc đã hình thành một số doanh nghiệp có quy mô lớn nên các mặt hàng lụa cũng ngày càng phong phú

Ông Thịnh cũng thông tin thêm về "Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2023" – sự kiện nằm trong chuỗi các sự kiện hưởng ứng Festival do Bộ Nông nghiệp và PTNT chủ trì hướng tới việc tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá và tôn vinh các sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam; khuyến khích các tác giả phát huy ý tưởng sáng tạo nhằm tạo ra các sản phẩm thủ công mỹ nghệ mới, vừa có tính kỹ thuật, mỹ thuật, ứng dụng cao và đáp ứng được các tiêu chí phát triển bền vững trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Thông qua đó, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của các nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống và thúc đẩy tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm va cải thiện thu nhập cho người lao động.

Theo đó, thời gian tiếp nhận sản phẩm từ ngày 15 - 30/9, tại Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp. Thời gian chấm thi dự kiến từ ngày 26 - 30/10 tại Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp. Cơ cấu giải thưởng (của 5 nhóm sản phẩm) gồm 5 giải nhất; 10 giải nhì; 15 giải ba; 15 giải khuyến khích.

Bình luận