Vượt núi tìm những cây Du sam cuối cùng
Theo chân những người bản xứ ở vùng đệm Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ (Bắc Kạn), chúng tôi lên đường đi tìm những cây Du Sam cuối cùng còn sót lại trên những dãy núi đá vôi trùng điệp. Thôn Thẳm Mu ở ngay sát vùng lõi Khu bảo tồn, đây cũng là điểm xuất phát trong hành trình của chúng tôi. Trưởng thôn Thẳm Mu, anh Bàn Văn Quốc dẫn đường, cùng đi còn có 2 cán bộ kiểm lâm kỳ cựu đã nhiều năm gắn bó với núi rừng Kim Hỷ.
Vừa đi, anh Quốc vừa chia sẻ: Cây Du Sam chỉ mọc trên những đỉnh núi đá tai mèo lởm chởm, quanh năm sương gió. Loài cây này có sức sống mãnh liệt, cũng bởi vậy, gỗ của loài cây này rất quý, chính sự quý giá đó cũng khiến nó trở thành mục tiêu hàng đầu của lâm tặc.
Khoảng hơn 15 năm trước, số lượng cây Du Sam còn khá nhiều, nhưng thời điểm đó lâm tặc mang cả chăn màn vào rừng sâu ngủ, rình rập chờ chặt hạ nên số lượng giảm đi nhanh chóng. Đến bây giờ, rừng được bảo vệ tốt hơn nhưng cây Du Sam còn lại chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Sau gần hai tiếng đồng hồ vượt qua những dãy núi đá cheo leo, quanh năm sương mù bao phủ, cây Du sam đầu tiên cũng đã xuất hiện. Trước mắt chúng tôi, cây Du Sam đá vôi mọc cheo leo lưng chừng sườn núi đá có đường kính hơn 80cm, cao khoảng 20m. Đặc điểm dễ nhận thấy là cây Du Sam có lá như lá cây thông nên người dân bản địa gọi là cây thông đá. Gỗ loài cây này có vân rất đẹp, mùi hương thoang thoảng nên rất được giới mê đồ gỗ ưu chuộng dùng để làm đồ nội thất xa xỉ.
Cán bộ kiểm lâm ở đây cho biết, sau nhiều năm thu thập thông tin, xác định trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ hiện chỉ còn khoảng 3 cây Du Sam cổ thụ. Những cây Du Sam cuối cùng trên đỉnh núi đá Kim Hỷ đều ở những vị trí cheo leo khó tiếp cận, cũng chính đặc điểm này giúp chúng tồn tại được đến bây giờ trước sự thèm thuồng của lâm tặc.
Theo tài liệu nghiên cứu từ năm 2000 - 2004, trên những đỉnh núi khu vực Kim Hỷ có hơn 100 cá thể Du Sam đá vôi trưởng thành. Thế nhưng đến năm 2008, cả khu vực chỉ còn lại 7 cá thể, mọc rải rác trên các đỉnh núi đá tương đối hiểm trở có độ cao trên 800m so với mực nước biển. 7 cây Du sam này phân bố tương đối tập trung trên những đỉnh núi ở trung tâm của Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ. Đến năm 2009, khi điều tra bổ sung, các nhà nghiên cứu phát hiện có 2 cá thể đã bị chặt hạ, chỉ còn lại 5 cây sống sót. Trong quá trình khảo sát, nhóm nghiên cứu cũng tìm thêm được 1 cá thể Du Sam trưởng thành trên đỉnh núi Khuẩy Tả.
Ông Lê Xuân Diệu, phụ trách Ban quản lý, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ cho biết, khảo sát mới nhất cho thấy, hiện trong Khu Bảo tồn chỉ còn 3 cây Du Sam cổ thụ, nguy cơ loại cây này tuyệt chủng đang hiển hiện trước mắt.
Tại Việt Nam, loài Du Sam đá vôi có địa bàn phân bố rất hẹp, số lượng cá thể ít, chỉ còn lại một số cây trên những đỉnh núi đá vôi vùng Kim Hỷ. Do gỗ tốt, có mùi thơm, dễ gia công chế biến nên hiện nay Du Sam đá vôi đang bị khai thác ráo riết, nguy cơ tuyệt chủng rất cao. Trong Sách đỏ Việt Nam năm 2007, Du Sam đá vôi được xếp vào nhóm thực vật nguy cấp cần được bảo vệ nghiêm ngặt.
Đã từng ươm giống thành công
Trước nguy cơ cây Du Sam có thể biến mất, một số giải pháp đã được thực hiện. Khoảng 10 năm trước, Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ phối hợp với các nhà khoa học đã tổ chức thu hạt từ những cây cổ thụ để ươm giống. Sau một thời gian đã ươm thành công khoảng 1 nghìn cây con.
Khi cây con phát triển tốt, Khu Bảo tồn đã lựa chọn một số khu vực có sinh cảnh loài này ưa sống, khí hậu thích hợp nhất để trồng. Khởi đầu thuận lợi này tưởng chừng đã cứu được loài Du Sam trước nguy cơ tuyệt chủng, nhưng đến nay toàn bộ số cây đã trồng đều bị chết.
Những cán bộ kiểm lâm trực tiếp đi trồng và kiểm tra cho biết, khi mới trồng, cũng có những cây mọc khá tốt, nhưng một thời gian sau thì cây chết không rõ nguyên nhân. Từ đó đến nay, Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ chủ yếu tiến hành bảo vệ những cây cổ thụ mọc tự nhiên, chưa có thêm những dự án bảo tồn, phát triển loài cây quý hiếm này.
Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ có tổng diện tích hơn 15.000ha, trong đó phân khu bảo vệ nghiêm ngặt gần 11.000ha, phân khu phục hồi sinh thái khoảng 3.000ha, còn lại là khu vực hành chính và vùng đệm. Khu bảo tồn này trải dài trên địa phận 7 xã thuộc hai huyện Na Rì và Bạch Thông của tỉnh Bắc Kạn.
Với diện tích rất rộng, lực lượng kiểm lâm mỏng, việc bảo vệ rừng nói chung và bảo vệ những cây Du Sam ít ỏi cuối cùng rất khó khăn. Dù chỉ còn vài cây nhưng hiện nay cán bộ kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ chưa có biện pháp bảo vệ riêng cho những cây Du Sam, chỉ thực hiện biện pháp giao khoán quản lý, bảo vệ chung cho rừng đặc dụng sử dụng nguồn vốn từ nguồn ngân sách hỗ trợ các tổ bảo vệ rừng cộng đồng. Trước mắt, ngoài tăng cường tuần tra, lực lượng kiểm lâm tiếp tục phối hợp với các nhà khoa học tìm giải pháp nhân giống loài cây này.
Thạc sĩ Ngô Ðức Nhạc, Trung tâm Khoa học Lâm nghiệp Ðông Bắc Bộ (Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam) cho biết, từ năm 2021, Trung tâm đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu bảo tồn và phát triển nguồn gen cây Du Sam đá vôi ở một số tỉnh miền núi phía Bắc”.
Qua khảo sát bước đầu ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ, trên cơ sở đánh giá kích thước quần thể nhỏ, có phân bố hẹp ở hai điểm gần nhau, có thể đánh giá nguy cơ tuyệt chủng loài cây này đang ở mức rất cao. Mặt khác, việc tái sinh tự nhiên của loài này rất kém, dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng, mất nguồn gen quý.
Vì vậy, việc cấp thiết nhất lúc này là phải điều tra về đặc điểm lâm học, đánh giá giá trị nguồn gen, đa dạng di truyền để có thông tin một cách đầy đủ và hệ thống nhằm bảo tồn và phát triển Du Sam đá vôi tại tỉnh Bắc Kạn.
“Trước mắt, cần có các biện pháp nhân giống, cụ thể là sử dụng kỹ thuật nhân giống hữu tính để cung cấp đủ nguồn giống phục vụ trồng rừng. Xây dựng các mô hình trồng, chăm sóc và hướng dẫn kỹ thuật nhân giống, kỹ thuật trồng loài Du Sam đá vôi, có như vậy loài cây này mới có thể tránh được nguy cơ tuyệt chủng”, Thạc sỹ Ngô Đức Nhạc cho biết.
Du Sam đá vôi hay còn gọi là Thông dầu, Mạy Kinh, Tô Hạp đá vôi có tên khoa học Keteleeria davidiana (Bertr.) Beissn. là loài thực vật hạt trần quý hiếm của Việt Nam. Chúng chỉ mọc trên núi đá vôi, loài cây này có tên trong Sách Đỏ Việt Nam 2007, là loài có nguy cơ bị tuyệt chủng.
Du Sam đá vôi là loài cây gỗ lớn có chiều cao 20 - 25m đường kính đạt 0,6 - 0,8m, vỏ thân màu xám bong mảng. Lá dài 2,5 - 5cm, rộng 0,3 - 0,4cm. Nón quả dài 12 - 20cm, hình trụ, màu xanh khi còn non và màu nâu khi già. Mùa hoa vào tháng 3 đến tháng 4, mùa quả chín từ tháng 10 đến tháng 12.