Cây mới 'đãi' người có tâm, có tầm: Cơ duyên với giống sâm tiến vua

Bình luận · 209 Lượt xem

Từ sản xuất bánh mì, bánh trung thu, làm nhang, quán nhậu… tình cờ sở hữu 7 cây sâm bố chính, anh chuyển sang trồng loài cây lạ hoắc này và thành công mỹ mãn…

Cơ hội “từ trên trời rơi xuống”

Năm 2021, thời điểm dịch Covid-19 bùng phát dữ dội, mọi hoạt động sản xuất kinh doanh ở Bình Định đều “tê liệt”. Vốn là người năng động, mới gần 50 tuổi mà anh Trần Minh Tâm đã trải qua không biết bao nhiêu nghề, từ trồng nấm đến trồng cây cảnh; làm thợ mộc; sản xuất bánh mì, bánh trung thu; làm nhang đến làm chủ quán nhậu nổi đình nổi đám ở phường Bình Định (thị xã An Nhơn), bỗng dưng do ảnh hưởng dịch bệnh mà giờ phải “rảnh tay rảnh chân”, Tâm thấy quá bức bối. Khi ấy, Tâm lang thang qua nhà mấy đứa em hàng xóm ở tổ 4, khu phố Kim Châu (phường Bình Định) chơi cho đỡ buồn.

Trong lúc trà dư tửu hậu, cậu em tên Bắc được bạn bè chạy xe tải đường dài tuyến Nam - Bắc từ Quảng Bình về tặng cho mấy cây sâm bố chính, giờ tặng lại Tâm 7 cây. Bắc nói: “Loại này từng được mệnh danh là “sâm tiến vua” từ thế kỷ 14, được danh y Hải Thượng Lãn Ông dùng làm thuốc lần đầu tiên tại huyện Bố Trạch (Quảng Bình) nên còn có tên gọi là sâm bố chính, quý lắm đó”.

Anh Trần Minh Tâm với vườn sâm bố chính khởi nghiệp của mình. Ảnh: V.Đ.T.

Anh Trần Minh Tâm thăm vườn sâm bố chính. Ảnh: V.Đ.T.

Tâm nhận, mang về trồng trong vườn nhà để đỡ “rảnh tay rảnh chân” trong những ngày dịch dã. Không làm gì chăm cây cũng vui, lúc rảnh Tâm cứ quấn quýt với mấy cây sâm bố chính. Thấy cây sinh trưởng phát triển tốt, Tâm lên mạng tìm hiểu kiến thức về giống sâm này, anh đặc biệt quan tâm đến “chuyên mục nhà nông” và trang thông tin về nông nghiệp của Tổ chức FAO, từ đó anh nắm bắt được kỹ thuật ươm giống, nuôi cấy, chăm sóc cây sâm bố chính.

Từ 7 cây sâm bố chính đầu tiên, Tâm nhân giống rồi trồng thêm vài chục cây, tăng lên 40 - 50 cây để xem giống cây này có phù hợp với thời tiết, khí hậu ở địa phương không. Trong quá trình trồng thử nghiệm, Tâm theo dõi, đúc kết kinh nghiệm để lập ra cho riêng mình quy trình trồng loại cây mà ở Bình Định chưa ai trồng. Khi thấy cây sâm bố chính phù hợp với khí hậu, đồng đất tại địa phương, sinh trưởng và phát triển ổn định, cho củ to không thua kém sâm trồng ở các nơi, trong đầu Tâm liền nảy ra ý định bỏ hết những nghề đã làm trước đây để quay về với nông nghiệp và khởi nghiệp bằng cây sâm bố chính.

“Tôi còn nhớ như in là vào ngày 19/2/2022 là ngày tôi nhân rộng trồng 5.000 chậu sâm bố chính trên diện tích hơn 5.000m2 tại tổ 4, khu phố Kim Châu (phường Bình Định). Giống sâm này như có ma lực, nó cuốn hút khủng khiếp lắm, đến độ chẳng mấy chốc tôi phủ kín diện tích nửa ha (5.000m2) với 20.000 chậu sâm bố chính. Lứa sâm tôi trồng đầu tiên vừa cho thu hoạch vào giữa tháng 3/2023”, anh Trần Minh Tâm phấn khởi kể.

Vườn sâm bố chính khởi nghiệp với 20.000 cây trồng trong chậu của anh Tâm. Ảnh: V.Đ.T.

Vườn sâm bố chính khởi nghiệp với 20.000 cây trồng trong chậu của anh Tâm. Ảnh: V.Đ.T.

Để bảo đảm an toàn thực phẩm, trong quá trình sản xuất Tâm không sử dụng thuốc BVTV hóa học, nếu cây có bị bệnh anh cũng trị bệnh bằng thuốc sinh học. “Lúc tôi nhân rộng 20.000 cây sâm trồng trong chậu trên diện tích hơn 5.000m2, tôi đổ 20 xe đất, 500 bao trấu, 400 bao tro và vỏ đậu phộng trộn lẫn vào đất để đất được tươi xốp rồi mới vào chậu, tránh tình trạng ấu trùng của con sùng còn trong đất sinh sôi nẩy nở gây hại cây”, Tâm nhớ lại.

“Năm 2022, Hội Nông dân tỉnh Bình Định phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh tổ chức cuộc thi “Nông dân khởi nghiệp sáng tạo” lần thứ I và hội thi “Sáng tạo nhà nông” tỉnh Bình Định năm 2022. Với mô hình trồng sâm bố chính, tôi được ngành chức năng phường Bình Định mời tham gia. Từ cấp phường đến cấp tỉnh tôi may mắn đều đạt giải. Với dự án ươm trồng sản xuất cây con và chế biến sâm bố chính, trà sâm, tôi được trao giải Nhất cuộc thi “Nông dân khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Bình Định” lần thứ nhất. Sau đó tôi tiếp tục đi thi khu vực, rồi thi cấp quốc gia tại An Giang”, anh Trần Minh Tâm vui vẻ chia sẻ.

Làm chơi ăn thật

Theo chân anh Tâm đi thăm những vùng trồng sâm bố chính của anh tại đội 3 và đội 4 khu phố Kim Châu, nhìn những vườn sâm ra hoa rực màu hồng sen làm sáng cả cánh đồng, chúng tôi không khỏi ngẩn ngơ. “Mới trồng gần 4 tháng mà cây sâm đã phát triển dày, ra hoa là hứa hẹn cây sâm sẽ cho củ tốt”, Tâm vừa nhìn những luống sâm được phủ bạt vừa nói.

Lao động làm việc trong vườn sâm bố chính của anh Tâm. Ảnh: V.Đ.T.

Lao động làm việc trong vườn sâm bố chính của anh Tâm. Ảnh: V.Đ.T.

Nói về năng suất cây sâm bố chính trên đất Bình Định, anh Tâm trò chuyện tiếp: “Đến bây giờ tôi có thể mạnh dạn nói về năng suất của sâm bố chính trồng trên đất này, vì 20.000 chậu tôi trồng đầu năm trước nay đã cho thu hoạch. Bình quân 1 cây tôi thu hoạch được 1,7 - 1,8 lạng củ, nếu đạt 2 lạng củ/cây thì người trồng càng lãi to. Sâm bố chính trồng ở Bình Định cho củ không thua kém sâm trồng ở các nơi khác, nếu nhổ 30 cây liền kề, trong 30 củ ấy sẽ có 18 củ đạt trong lượng 6 củ/kg, 12 củ còn lại nhỏ hơn, đạt 8 củ/kg”, anh Tâm chia sẻ.

Rồi Tâm tính toán, với 20.000 cây sâm trồng trong chậu đang cho thu hoạch anh sẽ thu được gần 4.000kg củ. Giá hiện nay Tâm bán lẻ 1 - 2kg là 700.000 - 800.000 đồng/kg, còn ai mua từ 10kg trở lên anh bán giá 600.000 đồng/kg.

Anh Tâm thường xuyên kiểm tra độ tăng trưởng của củ sâm bố chính để điều chỉnh quy trình kỹ thuật trồng sâm cho riêng mình. Ảnh: V.Đ.T.

Anh Tâm thường xuyên kiểm tra độ tăng trưởng của củ sâm bố chính để điều chỉnh quy trình kỹ thuật trồng sâm cho riêng mình. Ảnh: V.Đ.T.

“Bán 10kg sâm được 6 triệu, trừ chi phí 3 công thu hoạch, sơ chế mỗi công 220.000 đồng tổng cộng là 660.000 đồng, tôi còn lại hơn 5,3 triệu đồng. Ngoài ra, hàng tuần tôi còn thu hoạch hoa, lá sâm để sơ chế, bán ra thị trường. Với 20.000 cây sâm đầu tiên tôi trồng trong chậu, tính từ khi xuống giống đến khi thu hoạch, cả chi phí từ cây giống, phân bón, công chăm sóc, thuốc trừ bệnh sinh học… mỗi cây “ngốn” 54.000 đồng, với 20.000 cây tôi tiêu tốn hết 1 tỷ đồng. Giờ thu hoạch được gần 4.000kg củ, tính bình quân 1kg củ bán được 600.000 đồng ít nhất tôi sẽ thu vào hơn 2 tỷ đồng, trừ tất tần tật chi phí tôi còn lãi hơn 1 tỷ đồng”, Tâm vui vẻ cho hay.

Theo anh Tâm, cây sâm bố chính trồng được 1 năm là củ đủ dinh dưỡng có thể thu hoạch, nhưng thu hoạch vào thời điểm này củ sâm chưa đủ thời gian tích tụ dinh dưỡng, nếu để sau 1 năm mới thu hoạch thì củ sâm đạt chất lượng tốt nhất. “Tôi nhổ thử 1 cây sâm chưa đủ 12 tháng tuổi, khi rửa tôi thấy ngoài vỏ củ sâm còn nhớt, nhưng với cây sâm đã qua 12 tháng tuổi thì vỏ của củ sâm khi rửa không còn thấy nhớt nữa. Trồng sâm bố chính chăm sóc đúng quy trình, củ to củ nhỏ gì cũng có dược tính như nhau, nhưng nếu để qua 1 năm mới thu hoạch thì dược tính trong củ sẽ đạt hơn là thu hoạch non”, Tâm chia sẻ.

Anh Tâm gắn bó với vườn sâm bố chính khởi nghiệp của mình. Ảnh: V.Đ.T.

Anh Tâm gắn bó với vườn sâm bố chính khởi nghiệp của mình. Ảnh: V.Đ.T.

Hiện nay, ngoài 20.000 cây sâm trồng trong chậu tại tổ 4 khu phố Kim Châu, anh Tâm còn thuê gần 2ha đất chuyên trồng màu ở tổ 3 cùng khu phố và gần 2ha ở huyện Phù Cát mở rộng vùng trồng sâm bố chính.

Bình luận