Cuộc vượt ngục của chí sĩ Đông Kinh nghĩa thục ở Guyane hấp dẫn hơn phim hành động Hollywood

Bình luận · 188 Lượt xem

Sáng 25/9, tại Hà Nội, Trung tâm Văn hóa Minh Triết đã tổ chức tọa đàm 'Các nhà Nho trong phong trào Đông Kinh nghĩa thục’.

Tại đây, bằng các tư liệu lưu trữ và điền dã trong nhiều năm, các diễn giả Đỗ Thái Bình, Nguyễn Thanh Thuận, Phan Lương Minh đã làm sống lại quá trình hoạt động từ khi bị giam cầm đến khi về nước hoạt động của các chí sĩ yêu nước trong Phong trào Đông Kinh nghĩa thục.

 

Nhà nghiên cứu, dịch giả Đỗ Thái Bình đã dành hơn 20 năm để nghiên cứu các tư liệu tại các trung tâm lưu trữ của Việt Nam và thế giới, đã điền dã sang Guyane tìm lại dấu vết lịch sử của các chí sĩ phong trào Đông Kinh nghĩa thục từ khi bị giam cầm ở Việt Nam sau bản án ngày 5/9/1913 của thực dân Pháp đến quá trình giam cầm tù nhân ở “địa ngục” nhà tù Guyane và sau đó là quá trình vượt ngục của các chí sĩ đó.

 

Từ 1913 đến 1925, trong vòng 8 năm, các chí sĩ của Đông Kinh nghĩa thục ở Nam bộ như Nguyễn Thần Hiến (1857 - 1914), Đỗ Văn Phong (1860 - 1930) (ông nội của nhà nghiên cứu Đỗ Thái Bình), Nguyễn Quang Diêu (1880 - 1936), Đinh Hữu Thuật (1881 - 1942) và đặc biệt là Lí Liễu (1893 - 1940, có tư liệu viết mất năm 1964) đã phải chấp hành bản án khắc nghiệt của thực dân Pháp, chịu tù đày và đã dựa vào cộng đồng người Hoa ở vùng Caribe để vượt ngục từ Guyane về Trinidad, sau đó về Trung Quốc rồi về Việt Nam.

 

 

Dựa và văn khố lưu trữ của Pháp, Việt Nam và các nghiên cứu của học giả trong và ngoài nước, nhà nghiên cứu Đỗ Thái Bình đã vẽ lại được cuộc hành trình “đào thoát” của các “tù nhân” Đông Kinh nghĩa thục từ Guyane để về với đất mẹ Việt Nam. Diễn giả cũng đưa ra những thống kê chi tiết về các con tàu chở tù nhân của Pháp khi đó và hồ sơ các tù nhân của Pháp về những nhân vật của Đông Kinh nghĩa thục.

 

Nhà sử học Nguyễn Thanh Thuận - Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Đồng Tháp trình bày về cuộc đời và hoạt động của nhà nho Nguyễn Quang Diêu trên đất Đồng Tháp. Diễn giả đưa ra nhiều thông tin mới như mối liên hệ giữa Nguyễn Quang Diêu với các nhân vật khác của Đông Kinh nghĩa thục khi về Đồng Tháp như Nguyễn Quyền, Võ Hoành và Phương Sơn (con rể cụ cử Lương Văn Can)…

 

Nhà nghiên cứu Phan Lương Minh từ Cần Thơ trình bày về thân thế và sự nghiệp của nhà yêu nước Lý Liễu. Bằng những tư liệu điền dã và căn cứ trên các tư liệu lưu trữ, diễn giả Phan Lương Minh đặt ra vấn đề mà từ trước đến nay nhiều nhà nghiên cứu còn có ý kiến khác nhau về nhân vật Lý Liễu: Lý Liễu mất năm 1940 hay Lý Liễu chính là Lí Phùng Xuân, tham gia hoạt động cách mạng, mất năm 1964? Theo diễn giả Pham Lương Minh, Lý Liễu chính là Lý Phùng Xuân và là một nhân sĩ yêu nước

 

Có thể nói rằng, sau bản án ngày 5/9/1913 của thực dân Pháp đối với các chí sĩ yêu nước Việt Nam và cuộc vượt ngục, thoát khỏi lãnh địa tù đày (Territoire Pénitentiare) của họ được các chuyên gia trình bày bằng những tư liệu sống động hôm nay, đó thực sự là những trang sử đẹp, hào hùng, gan dạ của những chí sĩ yêu nước Việt Nam giai đoạn đầu thế kỉ XX. Nếu được dựng thành phim, đó sẽ là những thước phim hấp dẫn, ngang bằng hoặc hơn cả phim của Hollywood. Và đó cũng là mảnh đất chưa được khai phá dành cho các nhà đạo diễn điện ảnh Việt Nam.

 

Các diễn giả cũng mong rằng, vấn đề “hậu” Đông Kinh nghĩa thục đối với những nhân vật được biết đến cần phải tiếp tục nghiên cứu, làm rõ, để qua đó hiểu sâu sắc hơn về một thế hệ người Việt yêu nước đã dấn thân đấu tranh vì tồn vong của dân tộc.

Bình luận