Kiến thức bản địa là chìa khóa cho hệ thống lương thực thực phẩm bền vững

Bình luận · 223 Lượt xem

Những dữ liệu tưởng chừng mới với giới khoa học có thể lại là kiến ​​thức truyền thống mà người dân địa phương đã ứng dụng từ hàng trăm, hàng nghìn năm.

Báo Nông nghiệp Việt Nam giới thiệu bài nghiên cứu của ông Alexandre Antonelli, Giám đốc Khoa học tại Vườn thực vật Hoàng gia Kew trên Tạp chí khoa học Nature. Toàn bộ nội dung trong bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.

Một nông dân ở Uganda đang canh tác trên mảnh đất của gia đình, nơi cô trồng đậu và rau. Ảnh: Panos.

Một nông dân ở Uganda đang canh tác trên mảnh đất của gia đình, nơi cô trồng đậu và rau. Ảnh: Panos.

Tôi lớn lên ở Campinas, một thành phố ở Đông Nam Brazil. Táo ở đó, hiện phần lớn được trồng từ giống châu Âu, bắt nguồn vào những năm 1960, có vị ngọt. Nhưng, nếu được chọn, tôi sẽ luôn chọn đu đủ. Cha tôi, người biết rằng việc trồng cây ăn quả ôn đới ở một nước nhiệt đới hiếm khi hiệu quả. Thay vào đó, ông trồng đầy vườn những cây nhiệt đới, trong đó có hai giống đu đủ. Mẹ tôi, dựa vào kiến ​​thức bản địa, đã trồng đủ loại thảo mộc trong các chậu xung quanh nhà, thứ mà bà dùng để trị các bệnh như tiêu chảy và khó tiêu.

Người dân bản địa và các cộng đồng địa phương, những người đã sống trong một khu vực hàng nghìn hoặc hàng trăm năm, từ lâu đã đóng vai trò tạo hình cho thiên nhiên. Ở nhiều nơi trên thế giới, hệ thống sản xuất lương thực do các cộng đồng như vậy phát triển trở thành hệ thống lương thực chủ đạo, hỗ trợ các quốc gia lân cận và cung cấp lương thực cho cả khu vực nông thôn lẫn thành thị.

Trong 30 năm qua, nhiều nghiên cứu liên quan tới đa dạng sinh học ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình được thực hiện. Chúng tôi nhận thấy, có sự mất cân bằng lớn giữa các quốc gia giàu có và các tập đoàn lớn với các quốc gia, cộng đồng giữ gìn được đa dạng sinh học nhưng thiếu thốn về kinh tế và công nghệ. Trên thực tế, lợi ích hiếm khi đến được với những người nắm giữ kiến ​​thức bản địa, hoặc đang bảo vệ đa dạng sinh học.

Ngày nay, sản xuất lương thực là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến mất đa dạng sinh học, cũng như góp phần vào biến đổi khí hậu và ô nhiễm. Hơn lúc nào hết, phải thiết lập lại những kiến ​​thức bản địa trong việc xây dựng các hệ thống thực phẩm bền vững.

Cách thức các xã hội trên thế giới sử dụng thực vật đã bị thu hẹp đáng kể trong 500 năm qua. Nguyên nhân nằm ở việc con người mong muốn tối đa hóa sản lượng và lợi nhuận trên cùng một đơn vị diện tích. Kiến ​​thức bản địa đã bị loại bỏ theo nhiều cách khác nhau.

Chẳng hạn tại Cerrado, Nam Mỹ, khoảng 100.000 người bản địa đại diện cho hơn 80 dân tộc đã định cư trong vòng hàng trăm, hàng nghìn năm. Kể từ thập niên 1970, hơn 40% đất chua tự nhiên của Cerrado được chuyển đổi thành đất nông nghiệp, khoảng 20% ​​diện tích đó được sử dụng để trồng đậu nành để cung cấp thức ăn cho gia súc. Do phụ thuộc quá nhiều vào máy móc, ngày càng ít người dân địa phương làm việc trên đồng ruộng của họ. 

Thu hoạch đậu tương ở Cerrado, Brazil. Ảnh: Getty.

Thu hoạch đậu tương ở Cerrado, Brazil. Ảnh: Getty.

Giữa những năm 1960 và 1980, chỉ có 3 loại cây là lúa mì, gạo và ngô chiếm ưu thế trong thương mại quốc tế. Các loại cây như sắn và một số loại kê hầu như chỉ xuất hiện trong các chương trình nhân giống ở các vùng nhiệt đới. Các nhà lai tạo có thể sửa đổi để chúng thích nghi tốt hơn với điều kiện địa phương.

Dù vậy, người dân bản địa thường lại suy nghĩ, rằng hệ thống cây trồng của họ luôn đa dạng, có khả năng phục hồi, bền vững. Đồng thời những nguồn tài nguyên liên quan như đất, nước... luôn được sử dụng hiệu quả, ít lãng phí và phát thải các bon.

Kết quả, người trồng trọt trên toàn thế giới phải đối mặt với những thách thức to lớn. Thực vật đang trở nên kém chống chịu với sâu bệnh. Mùa màng có nhiều nguy cơ bị hư hại hoặc thất bát do hạn hán, sóng nhiệt, lũ lụt, xâm nhập mặn và nước biển dâng cao. Đất bị bạc màu; sông, suối đầu nguồn bị ô nhiễm; sự đa dạng và phong phú của các loài thụ phấn cho cây trồng suy giảm nghiêm trọng. Trong khi đó, sản xuất lương thực góp đến 37% lượng khí thải nhà kính. 

Để nhân loại tiến tới một thế giới bền vững, với nguồn cung cấp lương thực an toàn, ngoài việc thay đổi chế độ ăn uống, giảm lãng phí, nhân loại còn cần đa dạng hóa hệ thống lương thực trên diện tích đất nông nghiệp hiện có và phát triển các cách sản xuất lương thực tuần hoàn hơn.

Rõ ràng, các nguồn thực phẩm thích ứng với biến đổi khí hậu, bền vững với môi trường có thể đến từ các loại thực vật ít được sử dụng, hoặc các họ hàng hoang dã của chúng. Nguồn dữ liệu về nguồn thực phẩm này hiển nhiên xuất phát từ những cộng đồng đã sử dụng chúng từ lâu.

Chuối là một ví dụ. Bệnh héo rũ Panama đã và đang ảnh hưởng lớn đến các đồn điền chuối ở khắp vùng nhiệt đới, đe dọa lớn đối với chuỗi cung ứng chuối toàn cầu. Tuy nhiên, căn bệnh này không ảnh hưởng đến cây trồng ở châu Phi và Đông Nam Á, nơi các cộng đồng bản địa sở hữu hàng trăm giống có khả năng kháng bệnh một cách tự nhiên. Riêng ở Uganda, gần 100 giống chuối đã góp phần tạo nên sinh kế bền vững cho hàng triệu người.

Tương tự, cây chuối giả (ensete ventricosum - cây enset) được xem là cây chống đói hàng đầu tại vùng Tây Nam Ethiopia nhưng hầu như không được biết đến ở bên ngoài. Thân cây này chứa đầy tinh bột, cung cấp nguồn calo và chất dinh dưỡng chính cho hơn 20 triệu người. Lá dùng làm thức ăn cho gia súc, lấy bóng mát, làm mái che; thân cây cung cấp sợi để đan rổ. Khi được trồng theo hàng, cây enset được sử dụng thay cho hàng rào. Đặc biệt, chúng có khả năng chịu hạn hán đáng kể.

Cây enset, thuộc họ chuối, bao quanh các tòa nhà ở tây nam Ethiopia. Ảnh: KEW.

Cây enset, thuộc họ chuối, bao quanh các tòa nhà ở tây nam Ethiopia. Ảnh: KEW.

Toàn cầu hiện có gần 500 triệu người bản địa, nói ít nhất 4.000 ngôn ngữ, chiếm hơn 25% diện tích đất. Họ thường có kiến ​​thức sinh thái tốt nhất về khu vực đang sinh sống và biết rõ loài nào là quan trọng nhất với cộng đồng của mình.

Ví dụ, các cộng đồng người Iban và Dusun ở Đông Nam Á từ lâu đã nhận ra rằng hai loại trái cây trông giống nhau, lumok và pingan, là hai loài riêng biệt. Nhưng trong gần hai thế kỷ, các nhà thực vật học phương Tây đã phân loại sai và xem chúng là cùng một loài duy nhất.

Về nguyên tắc, kiến ​​thức bản địa có thể giúp tạo lập nguồn dữ liệu, đặc biệt trong việc hỗ trợ các nhà nghiên cứu tìm ra những nguồn thực phẩm mới, với một số đặc tính cụ thể. Trong các tương tác của tôi với người bản địa và cộng đồng địa phương, sự hào phóng và sẵn sàng hợp tác của họ đã gây ấn tượng sâu sắc.

Dù chưa được công nhận xứng đáng, các cộng đồng bản địa đã tham gia nhiều hơn vào những hội thảo về an ninh lương thực, đa dạng sinh học và định hình các chương trình nghiên cứu. Từ những sáng kiến ​​đa phương tại các buổi làm việc này, nhà tài trợ có thể thúc đẩy sự hợp tác giữa cộng đồng bản địa với nhau và với các nhà khoa học.

Chính phủ ở các quốc gia có thu nhập cao cũng có thể ưu tiên một phần quỹ hỗ trợ phát triển hoặc các nguồn khác để hỗ trợ trao đổi tri thức cho đối tượng này. Trên cơ sở đó, cơ sở hạ tầng quốc gia, khu vực cho các chương trình nhân giống cây trồng, cũng như các chính sách và trợ cấp nông nghiệp được tạo lập để hỗ trợ các hệ thống lương thực đa dạng hơn, bền vững hơn, kể cả trên những loại cây trồng phi truyền thống.

Cà phê từ được phát triển bởi các cộng đồng ở Sierra Leone có thể chống chịu được nhiệt độ cao hơn so với loài thương mại arabica. Ảnh: IRD-CIRAD.

Cà phê từ được phát triển bởi các cộng đồng ở Sierra Leone có thể chống chịu được nhiệt độ cao hơn so với loài thương mại arabica. Ảnh: IRD-CIRAD.

Các phương pháp bảo vệ hệ sinh thái thường tập trung vào khái niệm "trạng thái hoang dã" lý tưởng. Tuy nhiên, gần như tất cả các cảnh quan đã được quản lý và định hình tích cực bởi người bản địa và cộng đồng địa phương trong nhiều thiên niên kỷ. Thiên nhiên nguyên sơ, không có hoặc ít con người, thường hay bỏ qua kinh nghiệm và cách sinh hoạt của người bản địa tại những cảnh quan này.

Nhiều sáng kiến ​​khác nhau đã giúp nghiên cứu đa dạng sinh học và nông nghiệp trở nên dễ tiếp cận và toàn diện hơn. Kể từ năm 2021, những tri thức dạng này về châu Phi đã được cung cấp miễn phí trên nhiều nền tảng mở, phục vụ cho đối tượng là các nghiên cứu được tiến hành ở lục địa đen.

Cùng với đó, các vườn bách thảo, bảo tàng lịch sử tự nhiên và các tổ chức nghiên cứu và phát triển tư nhân và công cộng đang cố gắng tạo ra một hướng đi tốt hơn cho nguồn dữ liệu quý về kiến thức bản địa.

Khi tôi trở lại Brazil, tôi luôn ghé thăm một chợ rau quả địa phương. Tôi dành hàng giờ để trò chuyện với những người nông dân, ngửi và nếm các sản phẩm địa phương và tìm hiểu thêm về cách họ trồng các loài thực vật này. Sự nhiệt tình của họ tiếp thêm cho tôi hy vọng, rằng đa dạng sinh học đang trở lại với cuộc sống của chúng ta.

Bình luận