'Nội chiến' vùng keo nguyên liệu: [Bài 2] Kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra

Bình luận · 217 Lượt xem

Chính quyền địa phương nghĩ gì trước việc vùng nguyên liệu 'chảy máu', trong khi doanh nghiệp đóng chân tại địa phương thì lâm vào cảnh... cầm hơi.

Doanh nghiệp địa phương “chết đói”

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo NNVN, mỗi ngày các điểm thu mua keo tự phát trên địa bàn huyện Như Thanh (Thanh Hóa) có thể nhập khoảng 30-50 tấn gỗ keo, thậm chí có thời điểm lên tới cả trăm tấn. Lượng gỗ chủ yếu được vận chuyển xuống cảng Nghi Sơn (thị xã Nghi Sơn, Thanh Hóa) để tiêu thụ.

 

Đại diện một cơ sở thu mua keo tại thôn Đồng Mưa, xã Xuân Khang (Như Thanh) cho hay, giá keo hiện tại đang cao nên người dân có thể bán cho bất cứ ai miễn là được giá. Ở chiều ngược lại, trên địa bàn huyện Như Thanh có hàng loạt nhà máy chế biến gỗ keo được đăng ký, cấp phép kinh doanh theo đúng ngành nghề đang lâm vào cảnh lao đao vì thiếu nguyên liệu.

 

Khảo sát của phóng viên Báo NNVN cho thấy, Công ty TNHH đầu tư thương mại B.T (huyện Như Thanh, Thanh Hóa) chỉ còn lác đác vài công nhân làm việc, nhiều máy móc trong trạng thái ngưng hoạt động. Ông Đ.X.B, chủ doanh nghiệp cho hay, năm 2018, ông đầu tư máy móc với tổng số tiền gần 40 tỷ đồng để mua máy móc làm xưởng chế biến gỗ dăm. Sản lượng gỗ keo mà doanh nghiệp nhập về xưởng để sản xuất trung bình đạt từ 30-35 nghìn tấn/năm, đồng thời tạo điều kiện cho 15 công nhân có việc làm thường xuyên với thu nhập khoảng 6 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, từ năm 2021 trở lại đây, nhà máy luôn trong tình trạng hoạt động “cầm hơi” do thiếu nguyên liệu.

 

“Từ năm 2021 trở lại đây, số nguyên liệu nhập về chỉ bằng một nửa so với trước kia. Do không đủ nguyên liệu nên chúng tôi phải cắt giảm một nửa lao động và thực hiện chế độ làm việc nửa tháng làm, nửa tháng nghỉ. Nếu tình trạng thiếu nguyên liệu kéo dài cùng với việc kinh doanh sụt giảm, doanh nghiệp chỉ còn nước đóng cửa”, ông B. cho biết.

 

Khó khăn trong kinh doanh khiến mức thuế của doanh nghiệp này nộp cho ngân sách nhà nước cũng giảm theo: “Trước đây mỗi năm chúng tôi nộp thuế cho nhà nước khoảng 3-4 tỷ đồng. Tuy nhiên kể từ quý I và II năm 2023, số tiền thuế mà doanh nghiệp nộp cho nhà nước giảm tới 2/3.

 

Cùng chung cảnh ngộ trên, ông V.Đ.B, Giám đốc Công ty TNHH lâm sản Đ.P (huyện Như Thanh, Thanh Hóa) kiến nghị cơ quan có thẩm quyền vào cuộc làm rõ tính pháp lý của các bàn cân, trạm thu mua nguyên liệu tự phát nhằm lành mạnh hóa thị trường gỗ keo trên địa bàn huyện Như Thanh.

 

“Trước khi đi vào hoạt động, chúng tôi đã được UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận việc quy hoạch vùng nguyên liệu xã Xuân Khang, xã Hải Long... Tuy nhiên, sau một thời gian đi vào hoạt động, nhà máy chế biến đang lâm vào cảnh khó khăn do thiếu nguyên liệu. Nguyên nhân là do sự xuất hiện ồ ạt của các trạm thu mua tự phát, cạnh tranh không lành mạnh, liên tục đẩy giá cao, khiến nhiều nhà máy trên địa bàn huyện Như Thanh chết đứng, hoặc phải giảm công suất hoạt động”, ông B. than thở.

 

Theo quan sát, nhiều điểm thu mua keo gắn trạm cân trạm cân tự phát được đặt ngay cạnh cửa rừng khiến doanh nghiệp khó khăn trong việc tiếp cận vùng nguyên liệu. “Chúng tôi cũng không dại gì phải ép giá keo để người trồng keo chở nguyên liệu đi bán nơi khác, bởi nguyên liệu là thứ sinh tồn của nhà máy và doanh nghiệp. Vì vậy, các cấp có thẩm quyền của tỉnh Thanh Hóa cần nhanh chóng vào cuộc để chấn chỉnh hoạt động các trạm thu mua tự phát với những kiểu cạnh tranh không lành mạnh để giúp các nhà máy, đặc biệt là số đứng chân tại các vùng nhiên liệu ổn định hoạt động”, ông B. đề nghị.

 

Chính quyền buông lỏng quản lý?

Theo khảo sát của phóng viên Báo NNVN, các điểm thu mua gỗ theo kiểu tự phát trên địa bàn huyện Như Thanh hoạt động trong thời gian dài nhưng chính quyền địa phương không hề có bất cứ một chế tài nào về việc kiểm tra, xử lý.

 

Tại nhiều xã của huyện Như Thanh, lãnh đạo địa phương nắm rất lơ mơ về hoạt động của các trạm cân và điểm thu mua nguyên liệu trên địa bàn. Điển hình như, sau khi có phản ánh của phóng viên về hoạt động của điểm thu mua, tập kết keo gắn bàn cân trên đất nông nghiệp của hộ ông L.Đ.C (thôn Vĩnh Lợi), ông Vi Trung Thân, Chủ tịch UBND xã Hải Long khẳng định, tại vị trí này không có trạm cân hoạt động như phản ánh của phóng viên. Tuy nhiên, vị Chủ tịch UBND xã Vĩnh Long vội vàng “đính chính” lại thông tin nêu trên khi phóng viên đề nghị ông xác minh thông tin nêu trên với chủ cơ sở thu mua keo.

 

Trong khi đó, tại xã Xuân Khang, hai cơ sở thu mua nguyên liệu keo có đặt bàn cân hoạt động từ cuối năm 2022, đầu năm 2023 thế nhưng, mới đây UBND xã mới tiến hành hướng dẫn doanh nghiệp làm các thủ tục đăng ký hoạt động theo quy định.

 

Trao đổi với phóng viên Báo NNVN, ông Đặng Tiến Dũng, Chủ tịch UBND huyện Như Thanh cho hay, các điểm thu mua nguyên liệu đều có đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên chúng tôi sẽ cho rà soát lại tính pháp lý của các điểm thu mua gắn trạm cân theo phản ánh.

 

"Huyện chưa thể trả lời đúng sai trong việc này được. Mục tiêu của việc rà soát để chống thất thu thuế", ông Dũng nói.

 

Cũng theo ông Dũng, lãnh đạo huyện đã làm việc với các doanh nghiệp đóng trên địa bàn về kiến nghị rà soát, xử lý các điểm thu mua nguyên liệu đặt bàn cân có dấu hiệu không đúng quy định pháp luật theo phản ánh của một số doanh nghiệp đóng trên địa bàn.

 

Ông Phạm Văn Thành, Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Thanh Hóa cho biết, cơ quan có thẩm quyền cần rà soát, kiểm tra giấy phép kinh doanh, điều kiện hoạt động (môi trường, mục đích sử dụng đất…) tại các cơ sở kinh doanh được báo chí phản ánh: “Người dân được kinh doanh các ngành nghề mà pháp luật không cấm. Tuy nhiên, việc hoạt động phải đăng ký hoạt động, điều kiện hoạt động đầy đủ. Nếu cá nhân, đơn vị nào vi phạm cơ quan có thẩm quyền cần vào cuộc làm rõ và chấn chỉnh và hướng dẫn doanh nghiệp tuân thủ đúng quy định”.

 

Trước những tồn tại nêu trên, dư luận đặt câu hỏi: Trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương ra sao khi các điểm thu mua keo, gắn bàn cân theo kiểu tự phát mọc lên như "nấm" trong thời gian qua? Tại sao nhiều điểm thu mua tập kết keo hoạt động tự phát trong một thời gian dài, thế nhưng khi báo chí phản ánh, chính quyền địa phương mới cho rà soát, kiểm tra? Có hay không việc “làm lơ” của cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương trước những tồn tại, bất cập như đã nêu? Chính quyền địa phương nghĩ gì trước việc vùng nguyên liệu "chảy máu", trong khi doanh nghiệp đóng chân tại địa phương thì lâm vào cảnh hoạt động thoi thóp, cầm hơi.

 

Trước thực tế trên, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn huyện Như Thanh được cấp phép đầy đủ để hoạt động thu mua, chế biến gỗ từ cây keo đã có đơn gửi cơ quan quản lý nhà nước, kiến nghị rà soát hoạt động của các điểm thu mua keo tự phát không đủ điều kiện hoạt động, đồng thời đảm bảo nguồn nguyên liệu keo cho các nhà máy đóng chân trên địa bàn.

Bình luận