Ngọt hóa xứ dừa

Bình luận · 287 Lượt xem

BẾN TRE UBND tỉnh Bến Tre giao các Sở, ngành khẩn trương nghiên cứu xây dựng các công trình thủy lợi điều tiết nguồn nước tại các vùng thường xuyên xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn...

Toàn tỉnh Bến Tre đang có 1.687 cống ngăn mặn. Ảnh: Minh Đảm.

Toàn tỉnh Bến Tre đang có 1.687 cống ngăn mặn. Ảnh: Minh Đảm.

Phát huy hiệu quả các công trình thủy lợi

Nhằm đảm bảo công tác thủy lợi phục vụ sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu, thời gian qua, từ nhiều nguồn vốn, tỉnh Bến Tre đã đầu tư nhiều công trình thủy lợi và đưa vào vận hành, mang lại hiệu quả.

Theo Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bến Tre, hiện nay toàn tỉnh có 1.592 tuyến kênh các loại với chiều dài gần 2.600km. Cống ngăn mặn có 1.687 cái. Hồ chứa nước ngọt Ba Tri dung tích trên 800.000m3... Hiện nay, các công trình hoạt động tốt và đáp ứng yêu cầu ngăn mặn, trữ ngọt.

Còn theo Sở NN-PTNT tỉnh Bến Tre, thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu về thủy lợi và phòng, chống thiên tai trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, đến nay diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới và tiêu nước chủ động trên địa bàn 139 xã đạt tỷ lệ 83%.

Tại xã Châu Bình (huyện Giồng Trôm), ông Hồ Thanh Trung, Chủ tịch UBND xã cho biết, toàn xã có 19 tuyến kênh nội đồng do UBND xã quản lý. UBND xã thành lập một tổ chức thủy lợi cơ sở, quản lý các hoạt động thủy lợi trên địa bàn hiệu quả. Các tuyến kênh cơ bản đảm bảo phục vụ tưới và tiêu nước chủ động.

Hàng năm, UBND xã xây dựng kế hoạch nạo vét các tuyến kênh bị bồi lắng và vận động nhân dân khơi thông dòng chảy nhằm đảm bảo phục vụ cho tưới tiêu và sinh hoạt. Đồng thời, thông qua phong trào “Ngày Chủ nhật nông thôn mới” tổ chức phát hoang, khai thông dòng chảy các tuyến kênh đảm bảo mỹ quan, thông thoáng. Nhìn chung các tuyến kênh có bề mặt rộng và chiều sâu đảm bảo lưu lượng nước để phục vụ tốt cho sản xuất nông nghiệp.

Nạo vét kênh nội đồng, khơi thông dòng chảy. Ảnh: Hữu Đức.

Nạo vét kênh nội đồng, khơi thông dòng chảy. Ảnh: Hữu Đức.

Ngoài ra, xã cũng chú trọng vận động nhân dân tập trung khơi thông đường nước ở một số mương, rạch bị phù sa bồi lắng hoặc dọn dẹp các vật cản gây nghẽn dòng chảy, tạo thông thoáng cho việc dẫn nước vào khu vực sản xuất, thuận lợi cho trữ nước, ngăn mặn cũng như thoát nước trong mùa mưa.

Tất cả các công trình thủy lợi hoạt động đạt hiệu quả, phát huy trên 80% năng lực thiết kế, đáp ứng yêu cầu ngăn mặn trữ ngọt, đảm bảo nguồn nước cho nhân dân sinh hoạt và sản xuất. Trong điều kiện thời tiết bình thường, các công trình thủy lợi đảm bảo chủ động phục vụ 100% nhu cầu về tưới, tiêu. Tỷ lệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp (2.074ha) và phi nông nghiệp (241ha) được tưới tiêu chủ động đạt 100%.

Nâng cao chất lượng hiệu quả quản lý, vận hành

Mới đây, UBND tỉnh Bến Tre xây dựng Kế hoạch thực hiện Kết luận số 36- KL/TW ngày 23/6/2022 của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

83% diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bến Tre đảm bảo đủ nước tưới, tiêu úng. Ảnh: Minh Đảm.

83% diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bến Tre đảm bảo đủ nước tưới, tiêu úng. Ảnh: Minh Đảm.

Cụ thể, đến năm 2025, tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước sạch đáp ứng quy chuẩn từ công trình cấp nước tập trung đạt 79%. Trong đó, tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước sạch khu vực đô thị đạt 96%. Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước sạch khu vực nông thôn đạt 72,7%. Giải quyết cơ bản tình trạng thiếu nước sinh hoạt, nước cho sản xuất; cơ bản sửa chữa, nâng cấp bảo đảm an toàn các công trình thủy lợi bị hư hỏng, xuống cấp.

Nạo vét trục dẫn nước ngọt Chín Thước - Cầu Đúc - Cổ Rạng; trục dẫn nước ngọt Cái Chát, Phụ Nữ, Cả Ráng Sâu để dẫn nước ngọt từ thượng nguồn huyện Chợ Lách về các huyện Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam và Thạnh Phú. Cơ bản hoàn thành dự án Quản lý nước Bến Tre

Ngoài ra, tỉnh Bến Tre còn phối hợp với các tỉnh Tiền Giang, Long An và nhà đầu tư để sớm triển khai Trạm bơm nước thô Nhà máy nước Đồng Tâm, hệ thống tuyến ống truyền tải thuộc dự án Trạm bơm nước thô Cái Bè và hệ thống tuyến ống truyền tải để cung cấp nước ngọt phục vụ người dân thuộc các tỉnh Tiền Giang, Long An, Bến Tre trong mùa hạn mặn hàng năm...

Sắp đưa vào vận hành cống Tân Phú và cống Bến Rớ trị giá gần 300 tỷ đồng ở Bến Tre. Ảnh: Hữu Đức.

Sắp đưa vào vận hành cống Tân Phú và cống Bến Rớ trị giá gần 300 tỷ đồng ở Bến Tre. Ảnh: Hữu Đức.

Để hoàn thành các mục tiêu trên, UBND tỉnh Bến Tre đã đề ra nhóm 12 nhiệm vụ và giải pháp, trong đó nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý, vận hành, bảo đảm an toàn công trình thủy lợi.

Theo đó, UBND tỉnh Bến Tre giao các Sở, ngành hoàn thành sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi hư hỏng, xuống cấp, trong đó ưu tiên các công trình có nguy cơ rủi ro cao. Khẩn trương nghiên cứu xây dựng mới các công trình thủy lợi, công trình điều tiết nguồn nước tại các vùng thường xuyên xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, ngập úng để tích trữ nước, chuyển nước, kiểm soát mặn, nâng cấp, hiện đại hóa các công trình phòng, chống tác hại của nước, bảo đảm an toàn chống ngập úng, nước biển dâng kết hợp kiểm soát nguồn nước.

Đồng thời, rà soát, đánh giá lại công năng, nhiệm vụ, quy trình vận hành của các công trình thủy lợi, nạo vét bồi lắng lòng hồ, bảo đảm dung tích trữ nước theo thiết  kế. Hiện đại hoá hệ thống quan trắc, cảnh báo, cơ sở thông tin dữ liệu liên quan đến an ninh nguồn nước và an toàn công trình thủy lợi, kết nối với hệ thống quan trắc khí tượng, thủy văn để phục vụ quản lý, vận hành công trình thủy lợi theo  thời gian  thực. Tăng cường công tác quản lý, vận hành các công trình thủy lợi, bảo đảm an toàn công trình.

Về công tác đảm bảo an toàn các cống dưới đê trong mùa mưa, bão, lũ, triều cường, UBND tỉnh Bến Tre giao Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi, UBND các huyện, thành phố tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng các cống dưới đê. Rà soát điều chỉnh, bổ sung, xây dựng quy trình vận hành các cống trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Có phương án khắc phục sửa chữa kịp thời những hư hỏng.

Để chủ động, chuẩn bị sẵn sàng hộ đê trong mùa mưa, bão, lũ, triều cường, UBND tỉnh yêu cầu đơn vị, địa phương quản lý khai thác đê điều tổ chức kiểm tra, đánh giá hệ thống đê điều, xây dựng phương án khắc phục, sửa chữa hư hỏng (nếu có). Rà soát xây dựng phương án hộ đê phù hợp với điều kiện thực tế, theo phương châm “4 tại chỗ" và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Bình luận