Mô hình trồng mãng cầu gai tại xã Vĩnh Quới, thị xã Ngã Năm, tỉnh sóc Trăng

Bình luận · 822 Lượt xem

Địa hình Ngã Năm là vùng trũng thấp nhất của tỉnh Sóc Trăng, khả năng thoát nước kém, tình trạng úng ngập thường xuyên và kéo dài trong mùa mưa, thiếu nước ngọt do sự xâm mặn vào mùa khô và bị nhiễm phèn vào đầu mùa mưa.


Sản phẩm trà mãng cầu gai

Thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, địa phương đã xác định ưu tiên đầu tư mô hình trồng mãng cầu gai ghép trên gốc bình bát bởi tính hiệu quả của mô hình. Cây mãng cầu gai ghép trên gốc cây bình bát trồng tại thị xã Ngã Năm được đánh giá là mô hình thích ứng tốt với BĐKH cũng như điều kiện thổ nhưỡng của địa phương.

Tổng diện tích mô hình trồng mãng cầu gai 240,9 ha, tập trung ở xã Vĩnh Quới và rãi rác ở xã Tân Long và Phường 2, sản lượng hằng năm tương đương 3.500 tấn. Trong kế hoạch thực hiện Dự án phát triển cây ăn trái tỉnh Sóc Trăng, thị xã Ngã Năm đặt mục tiêu mở rộng mới diện tích trồng mãng cầu lên tới 260 ha năm 2025.

Với kế hoạch phát triển Mãng cầu gai của thị xã Ngã Năm, các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và địa phương đã tích cực cùng nông dân tổ chức tập huấn kỹ thuật canh tác, ghép giống, xây dựng mô hình để mở rộng diện tích. Đến nay, đã thành lập 02 tổ chức kinh tế hợp tác đã sản xuất theo thực hành Nông nghiệp tốt (VietGAP). 1. Tổ hợp tác Mãng cầu gai Kiên Hòa (62 thành viên, 29,8 ha), Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh hỗ xây dựng mô hình VietGap cho 40 thành viên với diện tích 25,7 ha; 2. Hợp tác xã Nông nghiệp Mãng cầu gai Vĩnh Kiên (29 thành viên, 14 ha), dự án sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu hỗ trợ xây dựng mô hình sản xuất theo Thực hành Nông nghiệp tốt (VietGAP).

Mô hình trồng mãng cầu gai đã và đang hình thành mối liên kết chuỗi giá trị mãng cầu gai, liên kết sản xuất từ khâu đầu vào (nhà cung cấp, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật,…), khâu sản xuất trái mãng cầu (ND, tổ hợp tác, hợp tác xã), khâu thu gom trái (tổ hợp tác, hợp tác xã, công ty, thương lái), khâu chế biến mức, trà (hợp tác xã, công ty), khâu thương mại sản phẩm tươi, mức, trà (hợp tác xã, tổ hợp tác, công ty) và tiêu dùng. Mãng cầu gai là cây trồng thích ứng với điều kiện phèn, mặn, úng cho năng suất cao so với các loại cây trồng khác, tạo thu nhập cải thiện đời sống nông dân, từng bước thúc đẩy sự lan tỏa của mô hình theo hướng tích cực.

Đặc biệt, Công ty trách nhiệm hữu hạn Cẩm Thiều đã ứng dụng công nghệ cao trong khâu chế biến trà mãng cầu, mức mãng cầu, nhà kín phơi sản phẩm, máy móc thiết bị sản xuất công nghiệp như máy sấy trà, máy rang trà, máy ép đóng gói. Đồng thời, sản phẩm trà mãng cầu gai cũng được Hợp tác xã Nông nghiệp Mãng cầu gai Vĩnh Kiên đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể trà mãng cầu “Vĩnh Kiên“. Công ty trách nhiệm hữu hạn Cẩm Thiều đăng ký bảo hộ nhãn hiệu trà mãng cầu “Cẩm thiều“, sản phẩm trà trái mãng cầu gai đã công bố hợp quy chất lượng sản phẩm,  đăng ký tem truy xuất nguồn gốc quản lý sản phẩm.

Quá trình sản xuất, chế biến sản phẩm mãng cầu gai góp phần tạo việc làm cho lao động nông thôn, tăng thu nhập người nông dân trồng MCG, lực lượng lao động tham gia sản xuất ở công ty TNHH Cẩm Thiều mức lương 4-6 triệu đồng/tháng, tạo ra sản phẩm mới góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Mô hình mãng cầu gai tiêu biểu trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tranh thủ nhiều nguồn hỗ trợ, đã cải thiện giá trị của chuỗi sản xuất mãng cầu gai, ứng dụng cây trồng giống tự ghép thích ứng BĐKH, ứng dụng quy trình canh tác GAP, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo hộ nhãn hiệu, đầu tư trang thiết bị máy móc, xúc tiến thương mại quảng bá sản phẩm. Tuy nhiên quy mô hiện tại chưa đáp ứng nhu cầu thị trường, nhiều vấn đề cần cải thiện như dịch hại, năng xuất.

Thông tin liên hệ mô hình: ấp Vĩnh Kiên, xã Vĩnh Quới, thị xã Ngã Năm, tỉnh sóc Trăng

Sở Nông nghiệp và PTNT Sóc Trăng

Bình luận