Cấm giết mổ tràn lan, bày bán trên vỉa hè
Lễ hội Chọi trâu truyền thống Đồ Sơn hàng năm luôn thu hút hàng chục nghìn lượt người đến tham dự và khi ra về thường không quên mua thịt trâu chọi làm quà. Do nhiều yếu tố, thịt trâu chọi thường đắt hơn các loại thịt trâu khác, do vậy trước khi lễ hội diễn ra, ngoài việc quan tâm đến chất lượng các chiến binh, nhiều người vẫn lo ngại đến việc thịt trâu bị trà trộn, dịch bệnh,…
Về vấn đề này, trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Ngô Việt Đông - Trưởng phòng Kinh tế quận Đồ Sơn cho hay, việc quản lý giết mổ và bán thịt trâu tại lễ hội luôn được thực hiện nghiêm trong những năm qua, các khâu chuẩn bị, kiểm soát được thực hiện chặt chẽ từ trước, trong và sau lễ hội.
Trước khi diễn ra Lễ hội Chọi trâu, UBND quận Đồ Sơn giao các đơn vị liên quan triển khai thực hiện tốt công tác quản lý giết mổ, bán thịt trâu chọi trên địa bàn nhằm đảm bảo vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm và bảo vệ quyền lợi chính đáng của các ông chủ trâu, người dân và du khách.
Đối với việc kiểm soát việc vận chuyển, giết mổ và bán thịt trâu trên địa bàn, quận Đồ Sơn giao trực tiếp cho Chủ tịch UBND các phường chủ động thành lập tổ kiểm tra kiểm soát trong thời gian trước, trong và sau khi tổ chức vòng chung kết.
Theo đó, các phường có trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển, giết mổ và bán thịt trâu trên địa bàn và xử lý nghiêm các trường hợp tự ý giết mổ, bán thịt trâu trên vỉa hè, lòng đường hoặc nơi công cộng.
UBND quận Đồ Sơn cũng đã giao cho Phòng Kinh tế, đội Quản lý Thị trường số 8, Trạm Chăn nuôi và Thú y quận Đồ Sơn bố trí cán bộ hỗ trợ, hướng dẫn các địa phương xử lý vi phạm liên quan đến giết mổ, buôn bán thịt trâu tại lẽ hội, nếu có trường hợp xảy ra.
Với các tổ chức, cá nhân có nhu cầu giết mổ trâu không tham gia lễ hội vì mục đích thương mại, UBND quận Đồ Sơn yêu cầu phải cam kết trâu giết mổ đảm bảo khỏe mạnh, không mắc bệnh, có nguồn gốc rõ ràng.
Mặt khác, người dân cần phải đăng ký và giết mổ tại khu giết mổ gia súc tập trung trên của quận Đồ Sơn tại phường Ngọc Xuyên trước ngày 15/9, đồng thời phải thực hiện nghĩa vụ thuế với nhà nước cũng như bán đúng địa điểm theo quy định.
"Trâu giết mổ phải đầy đủ điều kiện, có phiếu đăng ký, phiếu thu đóng góp của các ông chủ trâu. UBND các phường có trách nhiệm xem xét nội dung đề nghị của các tổ chức, cá nhân về nhu cầu giết mổ trâu không tham gia lễ hội, nếu đủ các điều kiện xác nhận trâu đảm bảo điều kiện giết mổ chuyển khu giết mổ gia súc tập trung của quận ở tổ 8, phường Ngọc Xuyên", ông Đông thông tin.
Kiểm soát chặt, đảm bảo vệ sinh thú y
Cũng theo ông Ngô Việt Đông, tất cả các trâu tham gia lễ lội năm 2023 đều được Ban Tổ chức kiểm tra đánh giá là khỏe mạnh, đã về Đồ Sơn từ lâu, sức khỏe tốt, nguồn gốc đảm bảo an toàn dịch bệnh.
Việc giết mổ trâu tham gia lễ hội sẽ có khu vực bán thịt riêng, khu vực giết mổ riêng, đảm bảo vệ sinh thú y, thực hiện khử trùng tiêu độc cả khu giết mổ và khu bán trước khi hoạt động giết mổ diễn ra.
Đến nay, công tác chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ công tác giết mổ, bán thịt trâu chọi tập trung được thực hiện chặt chẽ từ khâu chuẩn bị mặt bằng, các cột buộc trâu, hệ thống bể nước, nguồn điện, hệ thống mái che phục vụ công tác giết mổ.
Lực lượng làm dịch vụ giết mổ trâu có kinh nghiệm, uy tín, đảm bảo số lượng ít nhất 15 người, được trang bị bảo hộ lao động… Bên cạnh đó, sẽ chuẩn bị nước uống, bàn ghế khu vực điều hành giết mổ, bán thịt trâu chọi tập trung và có thùng xốp, đá lạnh phục vụ việc bảo quản.
"Bên cạnh đó, khi tổ chức giết mổ chúng tôi sẽ kiểm soát chặt chẽ từ lúc đầu đưa vào cho đến khi đưa ra và sau khi thịt trâu được đưa ra, lực lượng chức năng sẽ kiểm soát chặt chẽ từ khâu bán hàng để đảm bảo không có gian lận thịt từ bên ngoài đưa vào." Ông Đông nhấn mạnh.
Về giá cả, thịt trâu không phải là đối tượng giá cả theo khung giá trên hay khung giá dưới, không có hạn mức nên sẽ theo cơ chế thị trường. Việc này còn liên quan đến yếu tố tâm linh, hơn nữa trâu được chăm sóc cẩn thận, béo tốt nên sẽ được người bán định giá cao hơn so với thịt trâu bán trên thị trường.
“Nói chung là sẽ kiểm soát chặt chẽ, trong quá trình kiểm soát, Ban Tổ chức sẽ bố trí lối để kiểm soát. Tất cả đều có quy trình chặt chẽ từ nhiều năm nay, để làm sao du khách mua trâu chọi về là đảm bảo đúng chất lượng, không có gian lận để nâng cao chất lượng lễ hội”, ông Ngô Việt Đông chia sẻ thêm.
Liên quan đến kiểm soát dịch bệnh, giết mổ và vệ sinh thú y, ông Đoàn Đắc Luyện - Trạm trưởng Thú y Đồ Sơn cho biết, toàn bộ trâu chọi năm 2023 đã được đưa về địa phương từ lâu để chăn thả và được tiêm phòng đầy đủ, qua theo dõi thời gian dài, lực lượng thú y không phát hiện biểu hiện lâm sàng có bệnh tật.
Dù vậy, trước trước khi trâu vào xới, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục kiểm tra nước tiểu để xét nghiệm các loại kích thích, nếu có vấn đề sẽ loại ngay, tránh những hệ lụy không đáng có. Trong thời gian diễn ra chọi trâu, lực lượng thú y sẽ giám sát chặt chẽ từ khu giết mổ, các khâu giết mổ, vệ sinh thú y, phun khử trùng tiêu độc trước và sau sự kiện.
“Chúng tôi kiểm soát bằng công tác tiêm phòng thường niên và trước khi vào khu giết mổ, trâu sẽ được kiểm tra lâm sàng, nhìn qua trâu dắt đi khỏe mạnh, không có biểu hiện ốm đau, bệnh tật là được. Quá trình các hộ dân nuôi trâu chọi tại Đồ Sơn chúng tôi theo dõi rất kỹ và không phát hiện trâu bị dịch bệnh lạ, chưa có trường hợp ốm chết hoặc các bệnh phức tạp”, Luyện khẳng định.
Lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn năm 2023 chính thức diễn ra phần Hội từ ngày 25 - 30/9, trong đó, phần thi đấu của các ông trâu sẽ diễn ra từ ngày 23/9. Lễ hội năm 2023, sẽ có 16 trâu tham gia vòng đấu chung kết, mỗi phường trên địa bàn được đăng ký 2 suất trâu, riêng 4 chủ trâu có trâu đạt giải nhất, nhì và đồng giải ba năm 2022 mỗi người được đăng ký tham gia 1 suất trâu chọi. Để đảm bảo an toàn, Ban Tổ chức đã kiểm tra chất lượng các trâu chọi tới 3 vòng và chưa phát hiện điều bất thường, đến thời điểm hiện tại trâu khỏe mạnh, không có dấu hiệu bệnh tật.