Mô hình liên kết sản xuất lúa chất lượng cao, an toàn theo hướng hữu cơ

Bình luận · 439 Lượt xem

Thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững theo Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ; Nghị quyết 04-NQ/TU của tỉnh ủy về đẩy mạnh cơ


Mô hình liên kết sản xuất lúa chất lượng cao, an toàn theo hướng hữu cơ

Với những tiềm năng, lợi thế về điều kiện đất đai, khí hậu thời tiết, biến điều kiện khắc nghiệt thành lợi thế phát triển, gắn phát triển nông nghiệp với du lịch sinh thái, Quảng Trị lựa chọn mục tiêu là địa phương tiên phong về sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên quy mô lớn gắn với các sản phẩm chủ lực là Gạo hữu cơ chất lượng cao, cà phê Arabica Khe Sanh, Hồ tiêu Quảng Trị và cây ăn quả đặc sản. Trong thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và ngành Nông nghiệp và PTNT đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, theo hướng chuyển từ số lượng sang chất lượng, giá trị theo chuỗi liên kết, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất thông qua Doanh nghiệp… nhằm tạo sản phẩm có quy mô lớn, đồng nhất, nâng cao giá trị gia tăng và hiệu quả sản xuất, kinh doanh, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng, ổn định tốc độ tăng trưởng nông - lâm - thủy sản, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, tăng thêm nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới.

Ngày 20/3/2017, Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Trị và các địa phương đã ký biên bản ghi nhớ với Công ty TNHH sản xuất thương mại Đại Nam (Cty Đại Nam) về việc hợp tác, liên kết trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, an toàn theo hướng hữu cơ. Đến nay, đã qua 03 vụ sản xuất (Hè Thu 2017, Đông Xuân 2017-2018, Hè Thu 2018), hợp tác liên kết trong việc sản xuất lúa chất lượng cao, an toàn theo hướng hữu cơ đã thực hiện được 390 ha lúa trên địa bàn các địa phương sản xuất lúa trọng điểm của tỉnh. Mặc dù, đối diện với nhiều khó khăn thách thức, đặc biệt tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, thiên tai dịch bệnh thường xuyên xảy ra, thị trường nông sản biến động, tuy nhiên hợp đồng liên kết sản xuất lúa chất lượng cao, theo hướng hữu cơ, sử dụng công nghệ Obi- Ong biển đã đạt được nhiều kết quả đáng phấn khởi, mang lại hiệu quả trên cả 3 mặt kinh tế, xã hội và môi trường, giúp nâng cao nhận thức của người nông dân về canh tác theo hướng hữu cơ, đảm bảo an toàn thực phẩm, tạo ra sản phẩm nông sản sạch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, xây dựng thành công thương hiệu gạo hữu cơ Quảng Trị.

Hiệu quả mô hình, chi phí và lợi ích của mô hình như sau:

- Về kinh tế:

Với năng suất lúa tươi bình quân đạt 50 tạ/ha, nơi cao đạt trên 70 tạ/ha, doanh nghiệp thu mua lúa tươi tại ruộng với đơn giá  8.000 đ/kg lúa tươi, cho thu nhập bình quân 40 triệu đồng/ha, nơi cao đạt 56 triệu đồng/ha. Sau khi trừ chi phí giống, phân bón, làm đất, thu hoạch cho lãi bình quân 22 triệu đồng/ha, nơi cao cho lãi 38 triệu đồng/ha, cao hơn sản xuất đại trà từ 6-18 triệu đồng/ha.

Qua 03 vụ liên kết sản xuất lúa hữu cơ với quy mô 390 ha, tổng sản lượng lúa tươi thu được hơn 2.000 tấn, tổng thu nhập của mô hình gần 16 tỷ đồng, lãi toàn mô hình qua 03 vụ là 8,6 tỷ đồng. Giá trị thu nhập bình quân trên 01 ha lúa hữu cơ/02 vụ là 80 – 100 triệu đồng, cao gấp 1,3-2 lần so với sản xuất lúa thep phương pháp truyền thống. Bên cạnh đó, thương hiệu Gạo hữu cơ Quảng Trị mặc dù mới chỉ có mặt trên thị trường trong thời gian ngắn nhưng đã trở thành thương hiệu mạnh, đã được đưa vào phân phối tại các chuỗi siêu thị lớn trên toàn quốc.

+ Về xã hội: Mô hình giải quyết được 02 vấn đề cơ bản về tổ chức sản xuất và an toàn thực phẩm.

Về tổ chức sản xuất, tất cả các hộ gia đình tham gia mô hình đều phải nằm trong vùng quy hoạch sản xuất cánh đồng lớn, tập trung. Mô hình đã thúc đẩy hình thức sản xuất trên cánh đồng lớn, tập trung, tích tụ ruông đất.

Về an toàn thực phẩm, mô hình giúp nâng cao nhận thức của người nông dân theo hướng không sử dụng thuốc BVTV, tập trung sử dụng phân hữu cơ vi sinh, phân chuồng hoai mục, tạo ra sản phẩm nông sản sạch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

+ Về môi trường: Việc không sử dụng thuốc BVTV và phân bón vô cơ, đã giúp khôi phục và duy trì hệ sinh thái đồng ruộng, bảo vệ độ phì nhiêu của đất, bảo vệ thiên địch cũng như các loài thủy sinh sống trong ruộng lúa.

Trên cơ sở các kết quả đạt được trong thời gian qua, Sở Nông nghiệp và PTNT cùng với Công ty Đại Nam – Nhà máy sản xuất phân bón Obi – Ong biển tiếp tục mở rộng diện tích liên kết sản xuất gạo hữu cơ Quảng Trị, đồng thời, xúc tiến để xây dựng Nhà máy chế biến gạo hữu cơ Quảng Trị  nhằm mục tiêu ổn định đầu ra, mở rộng diện tích sản xuất. Phấn đấu đến năm 2020, diện tích sản xuất lúa hữu cơ đạt 5.000 ha – 10.000 ha. Ngoài ra, tiếp tục mở rộng mô hình sản xuất hữu cơ trên các đối tượng cây trồng như: Hồ tiêu mang chỉ dẫn địa lý Quảng Trị, Cây ăn quả đặc sản; Thử nghiệm phục hồi diện tích Cà phê Arabica già cỗi bằng công nghệ Obi – Ong biển…

Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Trị

Bình luận