Thu hoạch lúa thơm ST trên cánh đồng lớn ở Sóc Trăng. |
Nhiều mô hình sản xuất hiệu quả
Nhờ có lợi thế về địa lý, điều kiện thổ nhưỡng, nguồn nước cho phép Sóc Trăng phát triển một nền nông nghiệp đa dạng, bền vững. Qua các kỳ đại hội, Ðảng bộ tỉnh luôn xác định kinh tế nông nghiệp là thế mạnh, từ đó tập trung chỉ đạo từ khâu quy hoạch tới huy động nhiều nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp. Giám đốc Sở Nông ngiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng Lương Minh Quyết cho biết, sau hơn 5 năm thực hiện đề án về cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu và đáp ứng nhu cầu thị trường, đời sống nông dân từng bước cải thiện, nâng cao. Trong sản xuất nông nghiệp, lúa là cây chủ lực của Sóc Trăng, với diện tích gieo trồng hằng năm hơn 350.000 ha. Ðến nay, tỉnh đã chuyển 50,6% diện tích canh tác (tương đương 177.088 ha) từ các giống lúa thường, kém chất lượng sang các giống lúa đặc sản, lúa thơm. Năm 2019, tổng sản lượng lúa đạt 2,17 triệu tấn, vượt 8,6% kế hoạch đề ra, tăng 1,9% so cùng kỳ; trong đó, sản lượng lúa đặc sản 1,07 triệu tấn, tăng 21,9% so cùng kỳ. Phát triển được 423 ha lúa sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, tăng 194 ha so năm 2018.
Từ một tỉnh có nền sản xuất nông nghiệp lạc hậu, đến nay, trên địa bàn tỉnh phát triển nhiều mô hình với hàng nghìn héc-ta theo tiêu chuẩn VietGAP và hữu cơ. Ðáng chú ý là mới đây, gạo thơm ST25 của Sóc Trăng được công nhận là "Gạo ngon nhất thế giới năm 2019" tại Hội nghị Thương mại gạo thế giới lần thứ 11 tổ chức tại Ma-ni-la, Phi-li-pin. Giống lúa thơm ST hữu cơ được trồng trên ao tôm ở Sóc Trăng đã và đang phát huy thương hiệu "Gạo ngon nhất thế giới" với những ưu thế như dễ canh tác, ngắn ngày và phù hợp với thổ nhưỡng ven biển riêng có ở nước ta. Hiện gạo thơm ST tại Sóc Trăng đã đạt chứng nhận hữu cơ quốc tế theo tiêu chuẩn USDA tại Mỹ và châu Âu, không chỉ phù hợp sức khỏe người tiêu dùng và bảo vệ môi trường mà còn là cây trồng thích ứng biến đổi khí hậu do đặc tính chịu hạn, mặn tốt.
Ðồng hành với cây lúa, mô hình nuôi tôm nước lợ ở Sóc Trăng đang khẳng định vị thế quan trọng. Năm 2019, tỉnh có 78.968 ha nuôi thủy sản, tăng 1,4% so cùng kỳ; trong đó, có hơn 57.500 ha tôm nước lợ, vượt 15,7% kế hoạch; hơn 130 ha nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao. Tổng sản lượng thủy hải sản là 281.352 tấn, tăng hơn 7,8% so cùng kỳ; trong đó, sản lượng khai thác biển là 63.300 tấn. "Nhằm giúp nghề nuôi trồng thủy sản phát triển bền vững, đồng thời đáp ứng được yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường, ngành nông nghiệp đã tổ chức tuyên truyền khuyến cáo áp dụng các quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản VietGAP đến người nuôi tôm. Ðến nay đã có 26 cơ sở áp dụng thực hành sản xuất tốt theo các tiêu chuẩn VietGAP, ASC, GlobalGAP, BAP với diện tích 1.100 ha. Ðáng chú ý, với sự vào cuộc quyết liệt của ngành nông nghiệp và các địa phương trong thực hiện Luật Thủy sản, năm 2019, Sóc Trăng không để xảy ra trường hợp đánh bắt cá vi phạm vùng biển nước ngoài" - đồng chí Lương Minh Quyết cho biết thêm.
Ðến nay, sản xuất hợp tác đã và đang phát huy hiệu quả ở Sóc Trăng. Mô hình này xác định phát triển nông nghiệp theo hướng liên kết chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình sản xuất sạch, an toàn gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, nâng giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt gần 200 triệu đồng. Hiện Sóc Trăng có 194 hợp tác xã (HTX), tăng 24 HTX so với năm 2018. Trong đó, có 168 HTX nông nghiệp, 1.145 tổ hợp tác với 27.935 thành viên; 1.121 tổ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp với 1.134 thành viên tham gia là đồng bào Khmer. Có một liên hiệp HTX nông nghiệp với bốn HTX thành viên, hoạt động trong lĩnh vực nuôi trồng và cung cấp artemia (một loại ấu trùng làm thức ăn cho tôm giống, cá cảnh cao cấp).
Vận hành chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ an toàn
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Lê Văn Hiểu cho biết, thực hiện Nghị định số 98/2018/NÐ-CP của Chính phủ, UBND tỉnh đã xây dựng danh mục ngành hàng, sản phẩm được khuyến khích, ưu tiên hỗ trợ và phê duyệt hỗ trợ thực hiện liên kết sản xuất với tiêu thụ nông sản. Cùng với cây trồng, sản phẩm thủy sản đã được xây dựng chuỗi liên kết. Với sự hỗ trợ này, nông dân sẽ yên tâm sản xuất vì hàng hóa, nông sản được cam kết tiêu thụ. Sau thời gian phối hợp với các dự án quốc tế như ICAFIS, WWF kết nối giữa người nuôi với các nhà máy chế biến, doanh nghiệp áp dụng thực hành các chứng nhận theo yêu cầu thị trường. Kết quả toàn tỉnh có hơn 50% số HTX đạt chứng nhận theo tiêu chuẩn ASC và liên kết với nhà máy chế biến thực hiện theo chuẩn ASC. Chứng nhận theo tiêu chuẩn ASC là sự xác nhận cấp quốc tế đối với thủy sản được nuôi có trách nhiệm, hạn chế đến mức thấp nhất tác động xấu lên môi trường, hệ sinh thái, cộng đồng dân cư và bảo đảm tốt các quy định về lao động. Việc ký kết giữa công ty chế biến thủy sản trong tỉnh và các HTX, hộ nuôi đã giúp người nông dân an tâm về giá và ổn định về vùng nuôi; đồng thời tạo tập quán sản xuất theo quy chuẩn an toàn thực phẩm. Hiện nay, một số mô hình đã ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm với mật độ cao cho năng suất bình quân 35 tấn/ha rất hiệu quả. Ðiển hình như Công ty Tân Nam Farm có 160 ha áp dụng công nghệ tuần hoàn, sử dụng men vi sinh; Công ty Ngọc Thuận Hưng và Công ty Khánh Sủng Farm có 130 ha áp dụng công nghệ lọc tuần hoàn, lót bạc, bê-tông hóa ao nuôi; Công ty Tôn Vũ và Công ty Thuận Phát Farm có 103 ha áp dụng công nghệ lọc tuần hoàn, lót bạt đáy, che lưới lan; Công ty Vĩnh Thuận có 120 ha ứng dụng công nghệ nuôi tôm hai giai đoạn, lót bạt đáy, bờ. Bên cạnh đó, các công ty chế biến thủy sản như Fimex Việt Nam, Stapimex, Vina Clean Food, Út Xi... đã thực hiện liên kết từ đầu vào đến khâu chế biến, tiêu thụ sản phẩm, đồng thời hình thành vùng nuôi tôm khép kín với 460 ha nuôi tôm sạch.
Toàn tỉnh Sóc Trăng cũng có 106 nhà lưới, nhà màng sản xuất rau củ quả theo tiêu chuẩn VietGAP; 20,95 ha rau an toàn; hơn 14 ha hành tím tại tổ hợp tác rau màu phường 2, thị xã Vĩnh Châu được cấp giấy chứng nhận VietGAP. Ngành nông nghiệp Sóc Trăng đang tiếp tục hỗ trợ và xúc tiến tiêu thụ với các doanh nghiệp; đồng thời xây dựng các cửa hàng tiêu thụ rau sạch… Ðến nay, đã có bảy cửa hàng theo dự án chuỗi giá trị rau an toàn trong khu vực.
Trong quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp, Sóc Trăng chú trọng đẩy mạnh cải tạo vườn tạp chuyển sang trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Hơn 36.400 ha trồng các loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao đang phát triển khá ổn định, đem lại nguồn thu nhập khá cho nhà vườn với nhiều sản phẩm đã và đang được xây dựng thương hiệu. Cụ thể, có 265,8 ha sản xuất theo mô hình VietGAP trên các loại cây trồng như: Cam sành, cam soàn 97,5 ha; nhãn tiêu da bò 47,5 ha; mãng cầu gai 34,3 ha; xoài cát chu 42,3 ha; bưởi da xanh 11,5 ha; vú sữa 32,7 ha... Tỉnh vừa có thêm 105 ha được chứng nhận VietGAP trên cây nhãn, bưởi, vú sữa ở hai huyện Cù Lao Dung và Kế Sách. Ngành nông nghiệp đã hỗ trợ các HTX được cấp mã số truy xuất nguồn gốc vùng trồng cây vú sữa để xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Ðến cuối năm 2019, có thêm 16 mã truy xuất nguồn gốc tại bốn vùng trồng trái cây để xuất khẩu. Qua khảo sát để thực hiện đề án chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP), Sóc Trăng có đến 145 sản phẩm OCOP tiềm năng, trong đó có 16 sản phẩm được xếp hạng bốn sao, 23 sản phẩm được xếp hạng ba sao.
Tuy đạt được nhiều thành quả, nhưng theo đánh giá, chỉ số sinh lợi từ đất ở Sóc Trăng vẫn chưa đạt như mong muốn. Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Chuyện cho biết, tỉnh sẽ tiếp tục chuyển đổi mạnh cơ cấu kinh tế, tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thích ứng biến đổi khí hậu. Ðáng chú ý là chú trọng phát triển nuôi trồng thủy sản liên kết với ngành công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Phát triển du lịch sinh thái gắn với các mô hình nông nghiệp sạch, thông minh, nông nghiệp sinh thái. Tăng cường liên kết sản xuất, mời gọi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới.