Phát triển đô thị cần gắn với đảm bảo phòng cháy chữa cháy

Bình luận · 219 Lượt xem

Tốc độ đô thị hóa làm gia tăng số lượng chung cư mini và là một trong những nguyên nhân dẫn đến các vụ hỏa hoạn tại thành phố Hà Nội trong thời gian qua

Trước tình hình phức tạp của cháy nổ, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 25-CT/TU ngày 20/9/2023 về tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn Thành phố Hà Nội trong tình hình mới. 

Trong chỉ thị nêu rõ: Nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém nêu trên có nhiều nhưng chủ yếu là do tốc độ đô thị hóa, tăng dân số nhanh, nhưng hạ tầng, trang thiết bị về phòng cháy, chữa cháy chưa đáp ứng so yêu cầu thực tế; quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực chưa coi trọng công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. 

Trong khoảng 10 năm trở lại đây, nhu cầu về nhà ở đối với người người lao động nhập cư, có thu nhập thấp tại các tỉnh đổ về các thành phố ngày một lớn. Tuy nhiên, với túi tiền eo hẹp, phần lớn người lao động xa quê cũng không có quyền đòi hỏi quá nhiều ở chất lượng nơi ở cũng như vấn đề đảm bảo an toàn. Điều họ quan tâm hàng đầu chỉ có thể là “tấc đất cắm dùi” hay chỗ ở tạm để bám trụ lại đô thị.

Có “cầu” ắt sẽ tạo “cung” nên những chung cư mini biến tướng từ nhà ở riêng lẻ, xây dựng sai phép, cơi nới, không đảm bảo an toàn tại các thành phố lớn đã “mọc lên như nấm sau mưa” ở ngay trong các ngõ, hẻm chật chội.

Tốc độ đô thị hóa khiến nhu cầu nhà ở của người dân tăng cao tại các thành phố lớn.

Tốc độ đô thị hóa khiến nhu cầu nhà ở của người dân tăng cao tại các thành phố lớn.

Con số được Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) dẫn từ báo cáo của thành phố Hà Nội, cho thấy trên địa bàn thủ đô có hơn 300 chung cư mini đang sử dụng, nhưng có lẽ đây vẫn chưa phải là thống kê tổng thể. Bởi lẽ, tốc độ đô thị hóa tăng, rất nhiều trường hợp hộ gia đình, cá nhân đã tự ý xây dựng công trình nhà ở riêng lẻ theo kiểu nhiều tầng, nhiều căn hộ ở không đúng giấy phép, không đảm bảo an toàn.

Đặc biệt là các dãy nhà thuộc khu phố chợ, khi xảy ra cháy rất dễ cháy lan, cháy lớn và hầu như không có lối thoát nạn. Thường có diện tích không lớn nên khi thiết kế, xây dựng ngôi nhà thường không có lối ra thoát nạn an toàn (chỉ có duy nhất 01 cầu thang bộ bên trong nhà để hở); người dân thường làm lồng sắt, hoặc xây kín (không có ban công) dẫn đến không có lối ra thoát nạn.

Tầng 1 thường bố trí để xe máy, ô tô, phòng bếp (sử dụng đun nấu gas)…, đây là nơi có nguy cơ phát sinh cháy nổ cao nhất. Đặc biệt, có những nhà tận dụng tầng 1 làm nơi bán hàng tạp hóa, kinh doanh các hàng hóa dễ cháy khác như xăng, dầu, gas…

Nhiều ngôi nhà ở trong các con hẻm, ngõ sâu; bố trí nơi thờ cúng chưa hợp lý. Các gia đình thường không trang bị các phương tiện chữa cháy tối thiểu như bình chữa cháy, dụng cụ trữ nước, dụng cụ phá dỡ khi có những tình huống bất ngờ, sự cố cháy, nổ xảy ra.

Mặc dù đã có nhiều biện pháp thông tin tuyên truyền và sự nỗ lực của các cấp, các ngành để chỉ đạo thực hiện phòng chống cháy nổ, nhưng vẫn còn một số đơn vị, chủ cơ sở còn chủ quan, chưa thực sự chú trọng đến công tác PCCC, việc chấp hành các quy định về PCCC và CNCH trong quá trình hoạt động chưa được thực hiện đầy đủ, dẫn đến để xảy ra một số vụ cháy nhà dân, cơ sở kinh doanh Karaoke…, không được kiểm soát kịp thời, gây hậu quả nghiêm trọng. 

Hình ảnh căn chung cư mini sau vụ cháy tại phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân khiến 56 người thiệt mạng. 

Hình ảnh căn chung cư mini sau vụ cháy tại phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân khiến 56 người thiệt mạng. 

Điển hình như vụ cháy cơ sở kinh doanh Karaoke ISIS- 231 Quan Hoa - Cầu giấy- Hà nội làm 3 người tử vong, vụ cháy tại hộ gia đình gắn liền với cho thuê mặt bằng kinh doanh tại ngõ Thổ Quan, phường Khâm Thiên, quận Đống Đa khiến 3 người tử vong và đặc biệt là vụ cháy tại chung cư mini 9 tầng tại phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân làm 56 người thiệt mạng.

Các vụ cháy nổ chủ yếu là do sự cố điện, thiết bị điện, sự bất cẩn, chủ quan của người dân về công tác PCCC; việc tuân thủ các quy định về an toàn phòng cháy chữa cháy của một bộ phận nhân dân chưa nghiêm, chưa thường xuyên kiểm tra hệ thống dây dẫn điện, chưa giám sát, quản lý chặt chẽ nguồn nhiệt, nguồn điện... không lắp đặt, trang bị hoặc không bảo trì, bảo dưỡng hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động, hệ thống cấp nước chữa cháy và các phương tiện chữa cháy khác… dẫn đến các sự cố cháy, nổ xảy ra gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Bên cạnh đó việc xử lý tình huống cháy ban đầu của lực lượng cơ sở còn lúng túng, kỹ năng thoát nạn của nhân dân còn hạn chế.

Những vụ hỏa hoạn vừa qua là minh chứng đau lòng, không chỉ là hồi chuông cảnh báo về tình trạng mất an toàn của loại hình nhà chung cư mini, mà còn lời cảnh tỉnh về tình trạng phát triển kinh tế, tốc độ đô thị hóa  phải gắn liền với công tác PCCC, để đảm bảo an toàn cho mỗi người dân, mỗi gia đình.

 
Bình luận