'Dì Hai' và sự chung tình của người Huế

Bình luận · 227 Lượt xem

“Dì Hai” là cách gọi dân dã về giống lúa Nhật J02 của Cty CP Giống - Vật tư Nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam được công nhận ở miền Trung tháng 12/2018.

Những điều đặc biệt

Chưa bao giờ ở Huế lại có chuyện thu hoạch lúa trong tháng 4 như năm nay bởi vụ xuân nóng kỷ lục đã rút ngắn thời gian sinh trưởng của cây trồng nhưng cánh đồng trồng lúa Nhật J02 của HTX Nông nghiệp xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy vẫn cho năng suất đạt khoảng 7-8 tấn /ha.

Kiểm tra ruộng J02 ở Huế.

Ông Phùng Hữu Thạnh-Giám đốc HTX kể, năm 2016 lần đầu dân trồng J02 rất ngại khoản xử lý nảy mầm vì phải ngâm ủ gấp đôi so với lúa thường. Đã thế, khi gieo sạ lại bị ngập phải tỉa dặm tốn công, lúc lúa uốn câu, bông khá ngắn trông không hấp dẫn. Ấy vậy mà thực thu năng suất lại đạt trên 4 tạ/sào và quan trọng hơn tỷ lệ gạo xát trên 70%, cơm ngon đặc biệt.

Đã thành thói quen cứ cuối tháng ông Phùng Hữu Cần- đội trưởng đội sản xuất số 9, 10 của HTX lại ra bến xe Hưng Thành gửi cho con gái ngoài Hà Nội một bao J02 vì ai đã trót ăn gạo Nhật thì gạo gì khác cũng thấy nhạt. Người lạ đến nhà ông gặp bữa cơm vẫn thường hay hỏi: “Gạo gì mà thơm thế anh?”.

Mới đây HTX đã xây dựng thương hiệu gạo thơm Thủy Thanh, bán 16.000đ/kg, mỗi vụ tiêu thụ được 35-40 tấn nên ngoài trồng 20 ha giống, xã viên còn trồng thêm 50 ha để ăn.

Ông Đặng Văn Chung-Tổng Giám đốc Công ty CP Giống cây trồng, vật nuôi Thừa Thiên - Huế nhận định, dân chưa dám trồng đại trà J02 vì khi được công nhận bà con đã chuẩn bị xong giống cho vụ xuân. Đơn vị đã triển khai sản xuất 150 ha ở Huế, 50 ha ở Quảng Nam, năng suất đạt khoảng trên 7 tấn/ha. Tuy nhiên, theo thói quen bà con còn sạ mật độ quá dày tới 100kg/ha trong khi khuyến cáo chỉ 70-80 kg/ha khiến cho ruộng lúa bị bí, dễ bị bệnh đạo ôn.

Dân Huế tuy nghèo nhưng rất thủy chung, đã bao nhiêu năm gắn bó với đơn vị vì họ thấy dễ gắn trách nhiệm hơn các công ty ở tỉnh ngoài. Có một dạo giống dự trữ quốc gia khi về đến Huế phải sang bao tên công ty giống của tỉnh thì dân mới chịu nhận.

Huế có điểm rất đặc biệt là gần như không có đại lý giống lúa mà phân phối qua HTX, hội đoàn thể, gần như bán hàng không có chiết khấu. Nhiều công ty giống đến tỉnh làm mô hình nhưng khi mở rộng đều không vào được, ngoài bởi cơ cấu chưa phù hợp, giá bán cao, năng suất, chất lượng không thuyết phục còn bởi không thiết lập được hệ thống đại lý như các tỉnh khác.

Trong nhóm 15 giống đang trồng thì J02 đứng đầu bảng về năng suất, chất lượng, tuy nhiên theo ông Chung, muốn phát triển được một giống, ngoài năng suất, chất lượng và khả năng chống chịu thì phải bán được gạo. Dân Huế có đặc điểm là gặt lúa xong, không chở về nhà mà tập kết bán ngay trên đồng, chỉ chừa lại một ít để ăn. Bởi gạo Nhật quá lạ lẫm ở Huế nên tiêu thụ được hay không sẽ quyết định đến sự lựa chọn của nông dân cho các vụ tới.

Quay trở lại với J02, vì là giống mới, vụ đông xuân 2015-2016 có HTX ở huyện Phú Vang thấy lúa ngắn bông quá nên sốt ruột đòi công ty giống phải bồi thường dù 10 ngày mới thu hoạch vì họ sợ gặt xong là hết bằng chứng.

Giải thích thế nào cũng không được nên công ty phải ứng 60 triệu ra và đề nghị HTX phải giữ tiền chờ đến khi gặt xong, tính năng suất, nếu hụt (dưới 6 tấn/ha là bồi thường) mới giải ngân cho dân.

Lúc cân lúa, công ty chọn ra 5 ruộng xấu nhất gặt rồi đem lên cân, kết quả đều đạt trên 6 tấn/ha, vậy là cùng cười xòa.
 

Giá trị gia tăng của “dì Hai”

Bà Nguyễn Thị Tâm, Tổng Giám đốc Cty CP Giống - Vật tư Nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam bảo, trước đây đơn vị khá rụt rè khi chỉ làm công nhận giống ở miền Bắc, đợi mấy năm sau mới làm công nhận ở miền Trung, tiếp đó đặt mục tiêu thời gian tới sẽ công nhận nốt ở miền Nam. Vụ xuân 2019 nắng nóng lịch sử là phép thử tốt cho J02. Với kết quả ở Quảng Nam và Huế, hoàn toàn có thể tự tin để giống Nam tiến cũng như mở rộng diện tích ở vụ mùa tại miền Bắc:

“Chúng tôi khuyến khích các đối tác làm gạo vì đó là thứ giá trị gia tăng của J02. Ở miền Trung, gạo ngon nhưng chưa có sản lượng đều do chỉ cấy một vụ xuân, khó mà mở được thị trường. Gạo càng chất lượng để càng nhanh dễ biến chất, mất mùi vì vậy chiến lược của chúng tôi là phải liên tục có gạo tươi.

Trước tiên phát triển 2 vụ lúa ở Tây Nguyên lấy gạo ra bổ sung cho miền Trung, thêm vào đó, miền Bắc nhiều nơi trồng được vụ mùa sẽ là một nguồn nữa để đưa vào đây.

Bông lúa tuy không dài nhưng hạt to tròn, xếp rất xít và nặng

J02 ít bị sâu bệnh, năng suất cao, chất lượng tốt, giá thành sản xuất sẽ rẻ, rất hợp với việc bình dân hóa gạo Nhật. Song song với đó là hướng đi cao cấp hơn như trồng ở miền núi, trồng theo hướng hữu cơ mà thực tế đã có nhiều tỉnh lấy J02 để làm thương hiệu đặc sản. Riêng chỉ một xã Cao Xá ở huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ vụ vừa qua giá trị gia tăng nhờ trồng J02 so với lúa thường đã thêm được 14 tỉ đồng.

Vân Đình
Bình luận