Để nghề nuôi yến bền vững: [Bài 1] Nguy cơ lụi tàn vì nạn săn bắt

Bình luận · 209 Lượt xem

Gần 20 năm nay, Bình Định rộ nghề nuôi chim yến, nhưng gần đây ngành chức năng tỉnh này đang đau đầu vì nạn săn bắt chim yến…

 

Hình thành mô hình du lịch sinh thái kết hợp tiêu thụ sản phẩm yến

Nạn săn bắt chim yến có nguyên nhân lớn từ hoạt động phóng sinh

Đàn chim yến suy giảm do săn bắt và vùng thức ăn thu hẹp

Nuôi yến hiệu quả cao nhưng gây nhiều hệ lụy

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định, nghề dẫn dụ, gây nuôi, khai thác sản phẩm từ chim yến phát triển mạnh trên địa bàn tỉnh này từ năm 2004 đến nay với số lượng nhà nuôi yến tăng từng năm với quy mô và kỹ thuật nuôi ngày càng được cải tiến.

 

Nếu như vào năm 2016, số lượng nhà yến ở Bình Định mới chỉ có 268 nhà, từ đó đến nay số lượng nhà yến ở tỉnh này không ngừng tăng vọt, hiện đã có 1.500 nhà yến đang hoạt động và chưa có dấu hiệu dừng lại.

 

Nhà yến ở Bình Định nằm phân tán trên 45 xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh, tập trung nhiều nhất ở thành phố Quy Nhơn cùng các huyện Tuy Phước, Phù Mỹ, Phù cát, thị xã An Nhơn và thị xã Hoài Nhơn.

 

Do nghề nuôi chim yến mang lại hiệu quả kinh tế cao, nên nhiều hộ gia đình tự cơi nới, nâng tầng ngôi nhà mình đang ở để đầu tư nuôi chim yến.

 

Hoạt động nuôi chim yến tự phát này không hề khai báo, đăng ký, đồng nghĩa nằm ngoài sự kiểm soát của cơ quan chức năng.

 

Thực tế trên đã gây ra nhiều hệ lụy, bất cập như: Nhà nuôi yến mọc cả trong nội thành, nội thị, con người và chim yến chung sống trong những căn nhà tầng trên là chim yến ở, tầng trệt người ở, nhà yến được mọc ngay trong khu dân cư, có nhà yến nằm ngay cạnh trường học.

 

Việc sử dụng âm thanh dẫn dụ chim yến gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của cộng đồng, đặc biệt là ảnh hưởng đến việc học của con em nếu nhà yến nằm gần trường học. Việc vệ sinh, tiêu độc sát trùng, phòng bệnh, giám sát dịch bệnh của các nhà nuôi chim yến ở Bình Định chưa đảm bảo, dẫn tới nguy cơ lây nhiễm bệnh cúm gia cầm H5N1 của đàn chim yến là rất cao, nằm ngoài sự quản lý, kiểm soát của ngành chức năng.

 

Theo ghi nhận của chúng tôi, trên địa bàn thành phố Quy Nhơn có số lượng hộ nuôi chim yến phát triển nhanh và nhiều nhất tỉnh Bình Định.

 

Theo con số thống kê chưa đầy đủ, ở thành phố biển Quy Nhơn ngoài hoạt động khai thác yến sào tự nhiên tại các đảo thuộc những xã Nhơn Lý, Nhơn Hải của Công ty Cổ phần Yến Ngọc Bình Định, còn có hơn 130 nhà nuôi chim yến tự phát, chủ yếu tập trung ở các phường Nhơn Phú, Nhơn Bình, Đống Đa, Hải Cảng, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt.

 

Nổi cộm nhất là ở phường Nhơn Bình với hơn 40 hộ nuôi chim yến tập trung tại khu vực I (khu dân cư phía Đông đường Điện Biên Phủ).

 

Theo ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định, quy mô tổ yến của mỗi nhà nuôi yến trên địa bàn tỉnh này đạt bình quân từ 100-500 tổ/nhà nuôi yến. Số lượng tổ của mỗi nhà nuôi yến ít hay nhiều tùy thuộc vào vùng nuôi, hoặc phụ thuộc vào hiệu quả của việc dẫn dụ chim yến về làm tổ của các nhà nuôi yến.

 

Cũng theo ông Diệp, hầu hết các hộ dẫn dụ, gây nuôi chim yến ở Bình Định đều hoạt động theo mô hình “2 trong 1” theo kiểu “chim yến ở tầng trên, người ở tầng dưới”.

 

Phương thức nuôi chủ yếu là dẫn dụ chim yến thông qua thiết bị âm thanh chim yến đến trú ngụ, làm tổ. Âm thanh dẫn dụ của các nhà yến ra rả suốt ngày đêm khiến người nghe “đinh tai nhức óc”.

 

“Thực trạng này tiếp diễn trong thời gian dài đã phát sinh nhiều vấn đề tiêu cực như ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm môi trường từ chất thải của hoạt động nuôi chim yến, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh, đặc biệt là đã ảnh hưởng đến đời sống của cộng đồng dân cư, dẫn tới nhiều hộ dân đã có đơn phản ánh gửi đến chính quyền địa phương và các cấp ngành chức năng.

 

Để đưa hoạt động nuôi yến vào quy củ, Sở NN-PTNT Bình Định đãg xây dựng Quy hoạch nuôi chim yến tập trung trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2023, tầm nhìn đến năm 2030”, ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định, bộc bạch.

 

Săn bắt chim yến là vi phạm Luật Chăn nuôi

Khoảng 3 năm trở lại đây, trên địa bàn Bình Định xuất hiện nạn săn bẫy chim yến và các loại chim khác bằng lưới “tàng hình”, đó là loại lưới có sợi rất nhỏ, khó nhìn thấy.

 

Lưới “tàng hình” có khổ rộng 2-3m, dài đến vài trăm mét, quấn vào 2 cọc tre căng dựng giữa các cánh đồng. Để dẫn dụ chim yến ngoài tự nhiên bay vào để sa lưới, người săn dùng máy phát tiếng chim kêu hoặc cột chim mồi ở giữa những tấm lưới.

 

Thời điểm kết thúc thu hoạch vụ lúa hè thu ở các xã khu Đông của huyện Tuy Phước (Bình Định) cũng là lúc nạn săn bắt chim yến “vào mùa”. Có 2 thời điểm chim yến dễ sa lưới là từ 5-7 giờ sáng, lúc chim yến đi tìm mồi và từ 15-17 giờ chiều, khi chim yến quay về tổ.

 

Chim yến sa lưới được những người săn bắt trái phép chủ yếu cung ứng cho các quán nhậu làm món nhắm, khi lên bàn nhậu chim yến được giới thiệu là… chim sẻ, 1 món nhắm khoái khẩu mà các đấng mày râu rất ưa chuộng.

 

Theo Chi hội Yến sào tỉnh Bình Định, hiện nay, trên địa bàn tỉnh này đang có hơn 1.500 nhà yến đang hoạt động, với diện tích xây dựng hơn 200.000m2, hơn 1.300 hộ nuôi.

 

Nếu không có biện pháp bảo vệ đàn chim yến trong tự nhiên sẽ dẫn đến nguy cơ đe dọa sự tồn tại của loài chim này, phá vỡ cân bằng sinh thái. Đặc biệt, sẽ gây thiệt hại cho hoạt động dẫn dụ, gây nuôi chim yến trong nhà, ảnh hưởng lớn đến nguồn lợi kinh tế của hàng ngàn hộ dân.

 

“Chim yến săn bắt trái phép được bán chỉ từ 2.000-3.000đ/con. Trong khi nếu bảo vệ tốt, mỗi năm, 1 cặp chim yến có thể mang lại giá trị kinh tế tới cả triệu đồng nhờ khai thác tổ”, ông Nguyễn Văn Mân, Chủ tịch Chi hội Yến sào Bình Định, cho hay.

 

Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Bình Định lập tức chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường thực hiện các giải pháp ngăn chặn hoạt động săn bẫy chim yến trong tự nhiên trên địa bàn tỉnh.

 

Theo đó, lãnh đạo tỉnh Bình Định yêu cầu Sở NN-PTNT, Công an tỉnh, chính quyền các địa phương trên địa bàn cùng các sở, ban, ngành liên quan thành lập các tổ kiểm tra liên ngành tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm đối với những tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nuôi chim yến và hành vi bẫy bắt, mua bán, vận chuyển chim yến trên địa bàn tỉnh.

 

Sau 1 thời gian các tổ công tác liên ngành ngăn chặn tình trạng săn bẫy chim yến ngoài tự nhiên hoạt động, những cánh đồng ở các xã khu Đông thuộc huyên Tuy Phước (Bình Định) sau những vụ thu hoạch lúa đã không còn thấy những tấm lưới “tàng hình” giăng dày đặc.

 

Vào thời cao điểm ngăn chặn nạn săn bẫy chim yến, chỉ trong 1 tháng sau khi kết thúc thu hoạch vụ hè thu mà lực lượng chức năng của xã Phước Thuận (huyện Tuy Phước) đã phát hiện đến 5 điểm giăng lưới “tàng hình” để săn bắt chim yến trái phép trên cánh đồng các thôn: Phổ Trạch, Tân Thuận, Quảng Vân; thu giữ 10 tấm lưới, 1 bộ loa phát thanh, 1 bình ắc quy, 1 thiết bị khuếch đại âm thanh.

 

Cùng thời điểm, Hiệp hội Yến sào tỉnh Bình Định cũng phối hợp với chính quyền các địa phương đi kiểm tra, phát hiện có hàng chục vụ sử dụng lưới “tàng hình” để săn bắt chim yến trái phép.

 

“Theo Công ước CITES, chim yến là động vật hoang dã quý hiếm, cần được bảo tồn và phát triển. Việt Nam tham gia Công ước CITES năm 1994. Tại Việt Nam, chim yến được xếp vào nhóm IIB trong danh mục động vật nguy cấp, quý hiếm. Tại điểm e, Điều 25, Nghị định 13/2020/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi có quy định tuyệt đối không được săn bắt chim yến”.

Bình luận