Người trồng trà hoa vàng hữu cơ được hỗ trợ 70% chi phí cây giống

Bình luận · 208 Lượt xem

Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng đề án trồng cây trà hoa vàng Ba Chẽ theo hướng hữu cơ với tổng kinh phí 800 triệu đồng.

 

Hiện nay, toàn huyện có khoảng trên 200ha trà hoa vàng, trong đó tập trung chủ yếu ở các xã Đồn Đạc, Đạp Thanh, Thanh Lâm, Thanh Sơn, Nam Sơn và Lương Mông. Sản lượng thu hoạch hoa trà hoa vàng tươi bình quân 20 tấn/năm; lá trà hoa vàng tươi 65 tấn/năm. Doanh thu từ cây trà hoa vàng trên địa bàn huyện đạt khoảng trên 20 tỷ đồng mỗi năm.

 

Với giá trị kinh tế của cây trà hoa vàng, cùng với sự hỗ trợ từ chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình 135, sau hơn 10 năm phát triển, trà hoa vàng đã góp phần nâng cao đời sống cho bà con vùng cao của huyện Ba Chẽ. Năm 2015, thu nhập bình quân đầu người của huyện là 17,5 triệu đồng, đến năm 2022 đạt 55 triệu, tăng trên 37 triệu đồng/người/năm.

 

Với mong muốn bảo tồn, phát triển nguồn gen cây dược liệu quý này, những năm qua, Công ty Cổ phần Kinh doanh Lâm sản Đạp Thanh (huyện Ba Chẽ) đã thực hiện đề tài "Nghiên cứu xây dựng kỹ thuật nhân giống và quy trình sản xuất các sản phẩm trà hoa vàng". Nhóm nghiên cứu đã áp dụng thành công mô hình nhân giống cây trà hoa vàng bằng phương pháp giâm hom, đáp ứng được nhu cầu về cây giống cho việc phát triển cây trà hoa vàng trên quy mô lớn.

 

Ông Nịnh Văn Trắng, Giám đốc Công ty Cổ phần Kinh doanh Lâm sản Đạp Thanh chia sẻ: “Trà hoa vàng vốn mọc tự nhiên trong những cánh rừng ở Ba Chẽ. Từ năm 2006, thương lái Trung Quốc thu mua cả hoa, lá, cây, rễ trà hoa vàng. Giá cả có lúc cao điểm 2 triệu đồng/kg hoa tươi. Bà con thi nhau tìm, khai thác dẫn đến ngày càng cạn kiệt. Đầu năm 2009, tôi nảy ra ý tưởng mua lại cây trà hoa vàng của bà con khai thác tự nhiên về trồng trong vườn nhà để nhân giống”.

 

Theo ông Trắng, trà hoa vàng là cây dược liệu, lá, hoa đều được thu hoạch để chế biến, vì vậy việc canh tác phải hoàn toàn theo hướng hữu cơ, tuyệt đối không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ cỏ, chỉ sử dụng phân bón hữu cơ được ủ hoai mục để chăm bón. Vì vậy, các sản phẩm từ cây trà hoa vàng không chỉ có dược tính cao mà còn đảm bảo các yêu cầu nghiêm ngặt về dược liệu.

 

Bà Thân Thị Thúy Hảo, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Ba Chẽ cho biết: Địa phương sẽ tiếp tục hỗ trợ người dân trong huyện để phát triển cây trà hoa vàng theo chính sách tại Nghị quyết 194/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Quảng Ninh. Theo đó, sẽ hỗ trợ 70% chi phí cây giống cho người sản xuất tham gia dự án liên kết với doanh nghiệp, tổng mức hỗ trợ không quá 500 triệu đồng. Đến nay, địa phương đã triển khai được 9 mô hình liên kết và đã xây dựng được 1 mã vùng trồng trà hoa vàng để phục vụ cho xuất khẩu. Hiện tại, trà hoa vàng đã được chứng nhận là sản phẩm OCOP 5 sao của tỉnh.

 

Theo ông Trần Văn Thực, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Quảng Ninh, hiện đơn vị đã xây dựng đề án trồng cây trà hoa vàng theo hướng hữu cơ trình UBND tỉnh với tổng mức kinh phí 800 triệu đồng nhằm gia tăng giá trị sản phẩm. Đặc biệt năm 2022, trà hoa vàng Ba Chẽ đã được cấp mã số vùng trồng. Đây được xem là "vé thông hành" để trà hoa vàng có thể cập bến thị trường quốc tế.

 

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Quảng Ninh cho biết thêm, các hộ tham gia trồng trà hoa vàng theo hướng hữu cơ sẽ được hướng dẫn quy trình chăm sóc, cung cấp các loại phân bón hữu cơ đã được cấp chứng nhận. Bên cạnh đó, người trồng cần ghi chép đầy đủ nhật ký sản xuất, thực hiện đúng quy trình đã được hướng dẫn để đảm bảo chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn hữu cơ.

 

Trà hoa vàng những năm qua đã trở thành sản phẩm OCOP có thương hiệu của huyện Ba Chẽ nói riêng và tỉnh Quảng Ninh nói chung, được thị trường đánh giá cao. Vì vậy, việc quan tâm, có chính sách nhằm phát triển nguồn nguyên liệu gắn với định hướng sản xuất hữu cơ sẽ là điều kiện quan trọng để phát triển bền vững cây trồng này.

 

Ngoài phát triển vùng trồng, huyện Ba Chẽ cũng sẽ rà soát các hộ trồng cây trà hoa vàng trong huyện và các vùng lân cận, thành lập tổ hợp ký hợp đồng với Công ty Cổ phần Kinh doanh lâm sản Đạp Thanh nhằm hỗ trợ về kỹ thuật, giống, vật tư, đồng thời bao tiêu nguyên liệu.

 

Thời gian qua, huyện Ba Chẽ đã vận dụng cơ chế chính sách đặc biệt ưu đãi đối với các doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình đầu tư trong lĩnh vực phát triển, chế biến dược liệu. Nhờ đó, huyện đã thu hút được các doanh nghiệp vào xây dựng dự án, quy hoạch chi tiết, dự kiến sẽ nâng cấp công nghệ chế biến cây trà hoa vàng sau thu hoạch. Từ đó, nâng cao thương hiệu, tính cạnh tranh trên thị trường, hướng đến mục tiêu xuất khẩu sản phẩm.

Bình luận