Nhiều địa phương chưa thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng về chống nhập lậu gia cầm

Bình luận · 242 Lượt xem

Lý giải nguyên nhân mất kiểm soát giống gia cầm lậu thời gian qua, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói thẳng: 'Tất cả các hoạt động làng, xã đều biết'. Vấn đề còn lại ở cơ quan chức năng địa phương.

 

Gà Tàu '4 không': 'Bom hẹn giờ' dịch bệnh [Video 2 - Điều tra độc quyền]

Gà Tàu, vịt Tàu ồ ạt 'đánh chiếm' chợ gia cầm giống lớn nhất miền Bắc [Video 1 - Điều tra độc quyền]

Những 'chiếc xe ma' chở giống gia cầm lậu thông chốt liên ngành [Video 3 - Điều tra độc quyền]

Cung đường gia cầm lậu xuyên biên giới

 

Địa phương thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng chưa nghiêm

Thưa Thứ trưởng, thời gian qua Báo Nông nghiệp Việt Nam đã đăng loạt bài điều tra “Giống gia cầm lậu khuynh đảo ngành chăn nuôi”. Vậy ở góc độ của Bộ NN-PTNT, ông đánh giá như thế nào về thực trạng buôn lậu, vận chuyển, mua bán gia cầm không rõ nguồn gốc hiện nay. Và nó gây nguy hại như thế nào đối với ngành chăn nuôi nước ta?

 

Ngành chăn nuôi đóng góp 26% trong tổng giá trị toàn ngành, và trong 10 năm qua, tốc độ tăng trưởng từ 4,5 đến xấp xỉ 6%. Chăn nuôi cũng là một trong những trụ cột rất quan trọng để góp phần thực hiện các Nghị quyết của Trung ương khóa XII, XIII.

 

Thứ nữa, quy mô ngành chăn nuôi của chúng ta rất lớn, với tổng đàn lợn 28,6 triệu con, đàn bò thịt khoảng 5,6 triệu con, đàn bò sữa khoảng 400.000 con, đàn gia cầm khoảng 550 triệu con ở tại một thời điểm.

 

Tuy nhiên, chúng ta phải thấy những khó khăn thách thức rất lớn, đó là Việt Nam có đường biên giới rất dài và trong nhiều năm qua dịch bệnh chủ yếu lây qua từ đường biên giới. Điển hình là những năm 2003, 2004, dịch cúm gia cầm xảy ra, hơn 60 triệu con gia cầm phải tiêu hủy, gần 50 người chết, thiệt hại 0,5% GDP.

 

Nếu chúng ta không kiểm soát được tình trạng buôn lậu thì sẽ gây áp lực rất lớn. Đó là nông dân phải sử dụng con giống “dỏm”, con giống giả; doanh nghiệp mất đi năng lực cạnh tranh cũng như thiệt hại trong quá trình sử dụng con giống. Do vậy, ngày 18/5/2023, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 426/CĐ-TTg chỉ đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Bộ, ngành tập trung xử lý buôn lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

 

Trên tinh thần đó, Bộ NN-PTNT đã có văn bản gửi một số tỉnh như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai, Yên Bái, Hải Dương, Bắc Giang và Hà Nội. Tuy nhiên việc tổ chức triển khai thực hiện văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ theo Công điện 426 chưa nghiêm. Hôm nay phải khẳng định như vậy.

 

 

Trước tình hình đó, Báo Nông nghiệp Việt Nam đã có 6 bài điều tra bóc trần các đường dây buôn lậu với số lượng rất lớn và cũng thấy rõ chất lượng giống gia cầm khi nhập lậu từ Trung Quốc.

 

Và sau quá trình điều tra của Báo Nông nghiệp Việt Nam, Bộ NN-PTNT tiếp tục có văn bản chỉ đạo gửi trực tiếp Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố như Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bắc Giang, Hà Nội, Hải Dương, nhưng sự vào cuộc của các tỉnh chậm. Do vậy ảnh hưởng đến quá trình đầu tư của các doanh nghiệp, các trang trại và bà con nông dân.

 

Ví dụ, con gà chíp Tàu, K8, K9 không tiêm vacxin phòng bệnh Marek, nuôi 3-4 tháng chưa được thu hoạch thì “nổ” dịch bệnh, tỷ lệ chết rất lớn. Như vậy, người nông dân, doanh nghiệp, trang trại phải gánh chịu hậu quả rất nghiêm trọng.

 

Do vậy, tôi đề nghị ngoài công văn gửi các tỉnh, Chủ tịch các tỉnh, sự phối hợp giữa các địa phương với Bộ NN-PTNT và các Bộ, ngành phải đảm bảo tính thời sự, đúng tinh thần chỉ đạo trong Công điện 426 của Thủ tướng Chính phủ.

 

 

Thời gian qua, nhóm phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam ghi nhận nhiều cơ sở buôn bán, kinh doanh gia cầm nhập lậu với số lượng giao dịch cả vạn con một ngày. Vậy, trong bối cảnh Việt Nam đang tập trung xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, hướng tới xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi. Việc nhập lậu ồ ạt con giống gia cầm từ nước ngoài vào Việt Nam có gây tổn hại đến thương hiệu của nông sản Việt?

 

Như chúng ta đã biết, giá trị xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi trong 8 tháng đầu năm 2023 đạt 335 triệu USD, tăng 26,1% so với cùng kỳ năm 2022. Các doanh nghiệp cũng đang đầu tư vào chăn nuôi quy mô lớn theo chuỗi khép kín và đang chuẩn bị đi vào hoạt động, hướng tới những thị trường xuất khẩu.

 

Trong đó, sản phẩm thịt gà chế biến của chúng ta đã xuất được vào thị trường Nhật Bản và tới đây là Hàn Quốc, Vương quốc Anh và Ba Lan. Nếu chúng ta muốn xuất khẩu thì theo quy định của Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) phải có vùng an toàn dịch bệnh.

 

Trong khi chúng ta căng mình ra để xây dựng vùng an toàn dịch bệnh theo đúng tiêu chí của châu Âu và các nước nhập khẩu, thì giống gia cầm lại nhập lậu, không tiêm vacxin, không có chứng nhận an toàn dịch bệnh lại tràn vào.

 

Đây là nguy cơ, là ngòi nổ rất lớn ảnh hưởng trực tiếp tới các vùng an toàn dịch bệnh của chúng ta và ảnh hưởng đến quá trình xây dựng vùng nguyên liệu giết mổ, chế biến, xuất khẩu sang các thị trường (trong lúc chúng ta đang có những kết quả rất tốt).

 

Hoạt động buôn lậu giống gia cầm rầm rộ cả trên biển và trên bộ

Vậy sau loạt bài điều tra của Báo Nông nghiệp Việt Nam, Bộ NN-PTNT đã phối hợp với các đơn vị liên quan để đẩy mạnh thực hiện các giải pháp ngăn chặn tình trạng buôn lậu con giống gia cầm như thế nào?

 

Bộ NN-PTNT và Bộ Công an có sự phối hợp rất chặt chẽ. Bộ NN-PTNT cũng đồng thời gửi văn bản sang Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C05 - Bộ Công an) để phối hợp điều tra, xử lý các vụ vi phạm. Vì 6 bài điều tra (trong loạt bài "Giống gia cầm lậu khuynh đảo ngành chăn nuôi" của Báo Nông nghiệp Việt Nam) đã chỉ rất rõ địa chỉ, đơn vị và đường buôn lậu từ Trung Quốc vào nước ta, cũng như các tổ chức cá nhân.

 

 

Lãnh đạo Bộ NN-PTNT rất mong sự phối hợp của Bộ Công an, đặc biệt là C05 để giải quyết một cách căn cốt tình trạng nhập lậu giống gia cầm. Video: Phạm Văn Huy.

 

Cách đây 3 năm, Bộ Công an đã làm 3 vụ hình sự tại Quảng Ninh, việc buôn lậu lắng xuống. Tuy nhiên thời gian gần đây lại rất rầm rộ ở nhiều tỉnh, thành với những đường dây cả ở trên biển, cả ở trên bộ. Chúng tôi rất mong sự phối hợp của Bộ Công an, đặc biệt là C05 để chúng ta giải quyết một cách căn cốt tình trạng nhập lậu giống gia cầm.

 

Trong nhiều nhiệm kỳ qua, Chính phủ rất quan tâm đến chương trình giống, và chương trình giống nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, chăn nuôi, trồng trọt đã mang lại hiệu quả rất cao. Giống quyết định năng suất, chất lượng, do vậy nếu giống trong nông nghiệp mà không làm tốt thì chúng ta không thể hy vọng có năng suất, chất lượng và nâng cao giá trị sản phẩm cũng như đảm bảo yêu cầu của thị trường xuất khẩu.

 

Thưa Thứ trưởng, Việt Nam có rất nhiều cơ sở sản xuất con giống gia cầm được đầu tư bài bản, nhưng khoảng 2 năm trở lại đây các doanh nghiệp, cơ sơ sản xuất giống thường xuyên trong tình trạng thua lỗ. Giá con giống thấp hơn chi phí sản xuất khiến động lực của doanh nghiệp bị triệt tiêu. Vậy một phần nguyên nhân có phải do tình trạng nhập lậu con giống mất kiểm soát trong thời gian qua?

 

Như chúng ta đã biết, trâu bò cũng có sự phản ánh nhập lậu. Lợn cũng nhập lậu, gia cầm cũng nhập lậu. Một ngành chăn nuôi chịu áp lực như thế thì không thể nâng cao sức cạnh tranh. Việc nhập lậu con giống không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới sức cạnh tranh của ngành mà con giống kém chất lượng còn làm cho hộ gia đình, trang trại, gia trại, doanh nghiệp phải hứng chịu những hậu quả rất lớn.

 

Chống buôn lậu gia cầm giống là "nhiệm vụ quan trọng cấp bách"

Thưa Thứ trưởng, để xảy ra tình trạng buôn lậu con giống gia cầm ồ ạt trong thời gian qua, có phải một phần nguyên nhân là do các địa phương đang có sự thờ ơ và buông lỏng quản lý việc kiểm soát, vận chuyển, mua bán con giống hay không?

 

Gần đây trong cuộc họp giao ban với Cục Thú y, Cục Chăn nuôi, tôi đều chỉ đạo các đơn vị phải tham gia một cách tích cực, quyết liệt để ngăn chặn vấn đề buôn lậu gia cầm giống. Đây là nhiệm vụ quan trọng cấp bách, hệ thống thú y các tỉnh, thành, nhất là Chi cục Chăn nuôi - Thú y phải vào cuộc. Không lý gì mà nhập lậu số lượng lớn như vậy, đường dây như vậy mà không biết được.

 

Cũng như khi giám sát an toàn thực phẩm, (nguyên) Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển còn nhắc: “Tất cả các hoạt động làng, xã biết hết”. Vấn đề là bây giờ Cục Chăn nuôi, Cục Thú y, Thanh tra Bộ phối hợp với Báo Nông nghiệp Việt Nam và Bộ Công an cũng như các tỉnh thành triển khai đồng bộ, quyết liệt. Sắp tới, lãnh đạo Bộ NN-PTNT có thể giao thanh tra một số cơ sở, góp phần vào đẩy lùi tình trạng buôn lậu. Vì chúng ta biết rằng, nó rất rõ ràng. Báo đã nêu con đường đi từ đâu đến dâu, tiếp nhận ở đâu, phân bổ ở đâu, có địa chỉ hết và có cả tên giống nữa, không lý gì mà chúng ta không triển khai tổ chức thực hiện, bóc gỡ, ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng buôn lậu này.

 

 

Một số địa phương kêu khó quản lý vận hoạt động vận chuyển, mua bán con giống, bởi hiện nay quy định kiểm dịch nội tỉnh đã bị bãi bỏ. Ông lý giải về vấn đề này như thế nào?

 

Tôi không đồng ý với những cán bộ nêu lý do để bao biện như thế, khi mình chưa hoàn thành nhiệm vụ, chưa hoàn thành trách nhiệm của người được giao nhiệm vụ. Chúng ta cứ hết mình vì sự nghiệp đi, chúng ta cứ quyết tâm vì lợi ích quốc gia, dân tộc, với ngành đi, không có gì khó khăn cả, không có gì là không thể.

 

Còn sắp tới, chúng ta sẽ củng cố lại hệ thống thú y và Chi cục Thú y ở các tỉnh. Hôm nay chúng ta phải khẳng định lại lần nữa: Ở làng xã biết rồi, ai làm gì biết hết. Vấn đề là lờ đi thôi, hoặc là thông đồng với họ thôi. Chúng ta phải nói thẳng với nhau như vậy, không có khó khăn gì cả. Còn tất cả các văn bản quy phạm pháp luật chưa phù hợp chúng ta sẽ điều chỉnh.

 

Xin cảm ơn Thứ trưởng đã chia sẻ!

 

 

Bình luận