Nghề trồng táo Ấn Độ sẽ sớm bị 'xóa sổ'?

Bình luận · 232 Lượt xem

Nông dân Kashmir mất một nửa thu hoạch vì tuyết sớm trong năm thứ ba, kèm theo đó là lo ngại về tương lai của các vườn cây ăn trái trong khu vực.

Nawaz Ahmad Thoker trong vườn táo bị thiệt hại nặng bởi tuyết rơi sớm ở Ramnagri, một ngôi làng ở thung lũng Kashmir. Ảnh: Aakash Hassan.

Nawaz Ahmad Thoker trong vườn táo bị thiệt hại nặng bởi tuyết rơi sớm ở Ramnagri, một ngôi làng ở thung lũng Kashmir. Ảnh: Aakash Hassan.

Táo tự trồng có nguy cơ trở thành hàng hiếm ở Ấn Độ, vì nông dân đã mất tới một nửa vụ thu hoạch trong năm nay, với dự đoán rằng các vườn cây ăn quả chính của nước này có thể sớm bị xóa sổ.

Các quan chức đang cố gắng tính toán thiệt hại đối với ngành công nghiệp táo, vốn đóng góp gần 1/3 - 50 tỷ rupee (500 triệu bảng Anh) - cho nền kinh tế địa phương hàng năm. Táo được bán ở các chợ trái cây trên khắp Ấn Độ và một số được xuất khẩu.

Các nhà nghiên cứu đã cảnh báo rằng các vườn cây ăn quả ở thung lũng Kashmir, được bao quanh bởi dãy núi Himalaya và dãy núi Pir Panjal, có khả năng trở nên không bền vững trong vài năm tới, do cuộc khủng hoảng khí hậu ảnh hưởng đến sản xuất.

20 năm qua đã chứng kiến ​​sự thay đổi dần dần của các hình thái thời tiết trong khu vực, đã tăng cường trong 5 năm qua. Đây là năm thứ ba thu hoạch bị ảnh hưởng bởi tuyết rơi sớm và dày hơn ở thung lũng Kashmir.

Theo bộ phận làm vườn của Kashmir, ​​vụ thu hoạch vào năm 2018 đã bị thiệt hại 5 tỷ rupee. Con số này tăng lên 22,5 tỷ rupee vào năm 2019, khi chứng kiến ​​trận tuyết rơi dày nhất mà Kashmir trải qua trong 60 năm.

Tiến sĩ Irfan Rashid, trợ lý giáo sư tại Đại học Kashmir cho biết: “Trong bối cảnh khí hậu thay đổi, việc thu hoạch táo trở nên không bền vững.

“Thông thường, Kashmir đón tuyết rơi sau ngày 15/12, nhưng trong hai thập kỷ qua, chúng tôi đang trải qua những trận tuyết rơi sớm. Thời gian thu hoạch của nhiều giống táo là tháng 11. Trong 5 năm qua, chúng tôi đã có 3 trận tuyết rơi thất thường và trong tương lai tình hình có thể trầm trọng hơn ”.

Một nông dân thu hoạch táo ở quận Baramulla, Jammu và Kashmir. Gần 80% táo của Ấn Độ được trồng trong khu vực. Ảnh: Shutterstock.

Một nông dân thu hoạch táo ở quận Baramulla, Jammu và Kashmir. Gần 80% táo của Ấn Độ được trồng trong khu vực. Ảnh: Shutterstock.

Ông nói thêm: “Các mô hình khí hậu dự báo một viễn cảnh rất tồi tệ khi có liên quan đến thời tiết thất thường. Dãy Himalaya, bao gồm khu vực này, sẽ đón nhận các hiện tượng thời tiết cực đoan thường xuyên hơn khi chúng ta bước qua thế kỷ này. Việc Kashmir phải chứng kiến ​​những hiện tượng thời tiết khắc nghiệt là điều hết sức bình thường”.

Để đối phó với cuộc khủng hoảng, các quan chức tại bộ phận làm vườn của Kashmir đã khuyến khích nông dân trồng các giống nhập khẩu cao sản mới, được thu hoạch sớm hơn các loại cây trồng hiện có. Chính phủ đã và đang thúc đẩy các chương trình trợ cấp để giúp nông dân mua và tiếp thị các giống mới và muốn tăng diện tích đất được sử dụng để trồng trọt.

Ajaz Ahmad Bhat, Tổng giám đốc bộ phận làm vườn, cho biết: “Chúng tôi không thể ngăn chặn những gì sắp tới. Cách duy nhất mà chúng tôi có là chuyển đổi sang các giống cao sản”.

Nghiên cứu được công bố năm nay cho thấy các giống mới có thể tạo ra lợi nhuận kinh tế đáng kể và vượt trội so với giống trồng ban đầu.

Rashid cho biết chiến lược của chính phủ có thể giúp giảm thiểu tác động của lượng tuyết rơi thất thường, nhưng nói thêm rằng chiến lược này sẽ làm mất các giống cây địa phương.

Ông nói: “Hiện tại, các giống táo địa phương như ambri đang bị thu hẹp".

Nông dân đã miễn cưỡng đón nhận các giống mới, dẫn đến kết quả đáng thất vọng từ các dự án thử nghiệm .

Nawaz Ahmad Thoker, một nông dân đến từ Ramnagri, một ngôi làng yên bình được bao quanh bởi các vườn cây ăn quả ở bang Jammu và Kashmir, cho biết: “Việc chuyển sang các giống cao sản không phải là điều dễ dàng đối với chúng tôi. Chúng tôi sẽ phải nhổ bỏ vườn cây ăn quả hiện có và sau đó trồng những cây non mới, điều này sẽ mất chi phí rất lớn”.

Thoker, người mà gia đình đã chăm sóc vườn cây ăn quả rộng 7 mẫu Anh (2,8 ha) của họ trong 35 năm, đã vô cùng thất vọng khi khảo sát thiệt hại đối với mùa màng của mình sau trận tuyết rơi dày vào cuối tháng 10. Thân của một nửa số cây đã bị tách ra và những cành vẫn còn đính trái của chúng đã bị chôn vùi dưới lớp tuyết dày 6 inches (khoảng 15cm).

Nawaz Ahmad Thoker khảo sát cây táo của mình sau khi tuyết rơi dày vào tháng 10. Vườn cây ăn quả của ông cũng bị thiệt hại nặng nề do tuyết vào năm 2018 và 2019. Ảnh: Aakash Hassan.

Nawaz Ahmad Thoker khảo sát cây táo của mình sau khi tuyết rơi dày vào tháng 10. Vườn cây ăn quả của ông cũng bị thiệt hại nặng nề do tuyết vào năm 2018 và 2019. Ảnh: Aakash Hassan.

Thoker ước tính mình đã mất 100.000 rupee (1.000 bảng Anh), đồng nghĩa với một năm khó khăn đối với ông và gia đình, khi ông phải vật lộn để trả tiền học cho con và chăm sóc sức khỏe cho cha mẹ.

“Trước mắt tôi không chỉ mất mùa mà cả ba thập kỷ lao động vất vả của tôi và gia đình đã bị phá hủy,” ông nói.

Khoảng 70% số cây táo của ông bị hư hại do tuyết đầu mùa trong năm 2018 và 2019.

Thoker cho biết: “Tôi đang nghĩ đến việc làm một số công việc khác, có thể là khởi nghiệp để các con tôi có một tương lai tốt đẹp. Có vẻ như thế hệ tiếp theo của chúng tôi sẽ không thể nhìn thấy những vườn táo này".

Hương Lan

(Theo Guardian)

Bình luận