Nâng cao nhận thức, năng lực cho người sản xuất
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk, địa phương có hơn 200 nghìn ha cà phê với tổng sản lượng hàng năm ước đạt khoảng 460 nghìn tấn. Hiện có khoảng trên 10% diện tích cà phê sản xuất tập trung thành vùng chuyên canh do các đơn vị thuộc Tổng Công ty Cà phê Việt Nam, các công ty cà phê thuộc tỉnh Đắk Lắk và doanh nghiệp quản lý, còn lại gần 90% diện tích cà phê của tỉnh là do nông dân tự trồng, chăm sóc và quản lý.
Những năm gần đây, người dân tại Đắk Lắk đã liên kết với hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất cà phê bền vững, cà phê đặc sản nên phương pháp chăm sóc, thu hoạch, bảo quản cũng đã được thay đổi rất nhiều. Đặc biệt, người dân hiện nay đã thay đổi quan điểm thu hoạch từ hái xanh đến hái quả chín từ 90 - 100% để bảo đảm chất lượng theo yêu cầu của đơn vị thu mua.
Hiện nay nông dân ở Đắk Lắk cũng tập trung canh tác cà phê các trình như 4C (Bộ nguyên tắc chung cho cộng đồng cà phê), UTZ Certifed, RFA (Rừng nhiệt đới) và FLO (Thương mại công bằng). Tổng diện tích cà phê được áp dụng quy trình sản xuất cà phê bền vững có chứng nhận tại địa phương ở vào khoảng 45 nghìn ha, chiếm khoảng trên 22% diện tích cà phê toàn tỉnh.
Để nâng cao được toàn diện chất lượng cà phê, hàng năm ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk đã phối hợp với chính quyền các địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân không thu hái cà phê xanh. Trường hợp thu cuối vụ, tỷ lệ quả chín phải đạt tối thiểu 80% nhằm đảm bảo chất lượng sau thu hoạch. Cùng với đó, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk cũng đề nghị các địa phương phối hợp với các ngành chức năng để vừa bảo đảm bảo vệ thu hoạch mùa màng cho bà con nông dân, vừa hướng dẫn kỹ thuật thu hái theo đúng quy định.
Ông Nguyễn Hắc Hiển, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk cho biết, UBND tỉnh đã xây dựng Đề án phát triển cà phê bền vững của tỉnh đến năm 2020 định hướng đến năm 2030.
Trong đó, đề án có nhiệm vụ là nâng cao nhận thức người sản xuất về việc bảo đảm chất lượng cà phê trong thu hái, phơi sấy, chế biến và bảo quản sau thu hoạch là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm thúc đẩy ngành hàng cà phê tỉnh Đắk Lắk phát triển theo hướng bền vững.
Quy hoạch vùng trồng robusta ứng dụng công nghệ cao
Trong khi đó, Lâm Đồng là địa phương đứng thứ 2 cả nước (sau Đắk Lắk) về phát triển cây cà phê. Theo Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng, ngành hàng cà phê ở địa phương có từ lâu đời. Đến năm 1975, tỉnh ghi nhận khoảng 1,7 nghìn ha cà phê robusta và arabica và sản phẩm cà phê thời bấy giờ chủ yếu đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước.
Đến nay, tổng diện tích cà phê toàn tỉnh ở vào khoảng 176 nghìn ha, trong đó cà phê robusta chiếm trên 160 nghìn ha (khoảng 93%), cà phê arabica trên 12 nghìn ha (chiếm 7%). Trong đó, diện tích cà phê giai đoạn kinh doanh ở vào khoảng 162 nghìn ha, năng suất 3,3 tấn/ha, tổng sản lượng khoảng trên 500 nghìn tấn. Sản phẩm cà phê robusta của tỉnh chủ yếu xuất khẩu qua các thị trường châu Âu như Đức, Tây Ban Nha, Bỉ, Italia…, châu Á như Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonesia… Theo thống kê, năm 2022, sản lượng cà phê nhân xuất khẩu của tỉnh đạt trên 90 nghìn tấn với giá trị đạt trên 175 triệu USD.
Xác định cà phê là một trong những cây trồng chủ lực, thời gian qua, tỉnh Lâm Đồng thực hiện nhiều giải pháp trong việc tổ chức sản xuất, nâng cao năng suất, sản lượng. Đặc biệt là phát triển ngành hàng cà phê robusta một cách hiệu quả, đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng, trong giai đoạn từ năm 2015 đến năm 2022, tỉnh này đã thực hiện tái canh, ghép cải tạo tổng cộng trên 77 nghìn ha. Riêng năm 2023, địa phương đưa ra kế hoạch thực hiện tái canh, ghép cải tạo với diện tích ước khoảng trên 7 nghìn ha. Theo đánh giá, công tác tái canh, ghép cải tạo giống cà phê robusta đã góp phần đưa năng suất cà phê của tỉnh từ 2,9 tấn nhân/ha năm 2015 tăng lên 3,3 tấn nhân/ha năm 2021. Sản lượng vì thế cũng được tăng từ 400 nghìn tấn năm 2015 lên 560 nghìn tấn vào năm 2021.
Đối với giống cà phê robusta tại Lâm Đồng, hiện nay người dân, doanh nghiệp đã và đang áp các giống năng suất cao, chất lượng tốt, kháng bệnh gỉ sắt như TR4, TR9, TR11, TRS1... Bên cạnh đó, một số giống do người dân chọn lọc có năng suất cao, chất lượng tốt như Thiện Trường, TS5 (xanh lùn), Hữu Thiên. Ông Trần Quang Duy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng nói: “Hiện nay, địa bàn tỉnh có 248 vườn ươm cây giống cà phê với năng lực sản xuất trên 14 triệu cây giống và 50 triệu chồi ghép. Nguồn giống này đảm bảo đủ cung cấp hàng năm cho việc trồng mới, tái canh cà phê trên địa bàn tỉnh”.
Cùng với việc đảm bảo về nguồn giống cà phê robusta chất lượng cao, tỉnh Lâm Đồng cũng tổ chức xây dựng mô hình cà phê ứng dụng công nghệ cao. Đặc biệt triển khai 5 vùng sản xuất cà phê robusta công nghệ cao với quy mô gần 2 nghìn ha. Trong đó bao gồm, 470ha tại xã Hòa Bắc (huyện Di Linh), 370ha tại xã Đinh Lạc (huyện Di Linh), 900ha tại các huyện Lâm Hà, Lạc Dương và huyện Bảo Lâm.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng, địa phương xác định cà phê là một trong những cây trồng chủ lực. Do vậy, tỉnh thực hiện kế hoạch phát triển ổn định, giữ diện tích 170 nghìn ha vào năm 2025, trong đó diện tích cà phê robusta 150 nghìn ha với năng suất 3,5 tấn/ha và tổng sản lượng ở vào khoảng 550 nghìn tấn.
Ông Trần Quang Duy cho biết, địa phương cũng thực hiện tái canh, ghép cải tạo cà phê và dự kiến đạt 7,5 nghìn ha vào năm 2024, 8 nghìn ha vào năm 2025
Sở Công thương tỉnh Đắk Lắk cho biết, sản lượng cà phê xuất khẩu của địa phương năm 2022 đạt 380 nghìn tấn, cao nhất từ trước đến nay. Kim ngạch xuất khẩu cà phê của tỉnh Đắk Lắk đạt 798 triệu USD (chiếm 53% kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh).
Trong năm 2022, xuất khẩu cà phê trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk chủ yếu là cà phê nhân và cà phê hòa tan. Giá xuất khẩu cà phê nhân bình quân của các doanh nghiệp tỉnh Đắk Lắk trong niên vụ cà phê 2021 - 2022 đạt 2 nghìn USD/tấn, tăng 363 USD/tấn so với niên vụ 2020 - 2021. Các sản phẩm cà phê chế biến khác như cà phê rang, cà phê bột... vẫn chưa xuất khẩu được nhiều.
Tỉnh Đắk Lắk có 8 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu cà phê, trong đó có 4 doanh nghiệp địa phương, 3 doanh nghiệp FDI và 1 chi nhánh của doanh nghiệp TP.HCM đặt tại tỉnh. Công ty TNHH Một thành viên Xuất nhập khẩu 2/9 Đắk Lắk tiếp tục là đơn vị dẫn đầu về xuất khẩu cà phê với trên 100 nghìn tấn, đạt kim ngạch gần 220 triệu USD. Về thị trường xuất khẩu, cà phê Đắk Lắk xuất khẩu đến 64 thị trường, trong đó Nhật Bản tiếp tục là thị trường lớn nhất.