Đừng để dính 'thẻ vàng' EUDR trên đất liền

Bình luận · 222 Lượt xem

Về quy định EUDR, ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho rằng đây là 'thẻ vàng' EU trên đất liền, cần tuân thủ các quy tắc để tránh.

Cần nhận diện rõ quy định EUDR

Ngày 24/8, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp cùng Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng và các đơn vị tổ chức tọa đàm Khuyến nông cộng đồng trong sản xuất cà phê không gây mất rừng. Cuộc tọa đàm có sự tham gia của lãnh đạo, đại diện các cơ quan đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp và người sản xuất cà phê.  

Cuộc tọa đàm có sự tham gia của lãnh đạo, đại diện các cơ quan đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp và người sản xuất cà phê. Ảnh: Minh Hậu.

Cuộc tọa đàm có sự tham gia của lãnh đạo, đại diện các cơ quan đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp và người sản xuất cà phê. Ảnh: Minh Hậu.

Tại cuộc tọa đàm, ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nếu vấn đề, thị trường EU không muốn các sản phẩm của họ sử dụng liên quan đến vấn đề phá rừng, hủy hoại tài nguyên, môi trường. Hiện nay, EU tiến tới dùng biện pháp thương mại để hạn chế việc phá rừng và áp dụng trên các sản phẩm nông nghiệp.

Truyền đạt lại nội dung của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, ông Lê Quốc Thanh nói: “Hiện nay chúng ta đang nỗ lực gỡ “thẻ vàng” IUU của EC trên lĩnh vực thủy sản và quy định EUDR cũng giống như “thẻ vàng” trên đất liền. Do vậy, chúng ta đừng để “dính thẻ vàng” trên đất liền. Nếu chúng ta không chứng minh được, việc EU đưa “thẻ vàng” trên đất liền là điều có thể xảy ra”. Cũng theo ông Lê Quốc Thanh, cà phê là một trong những ngành hàng chủ lực và EU là thị trường lớn. Do vậy cần có sự nhận diện rõ hơn về vấn đề phát triển đảm bảo quy định chống phá rừng và có định hướng, giải pháp.

Đại diện các cơ quan, đơn vị tổ chức khảo sát vùng sản xuất cà phê tại Lâm Đồng.

Đại diện các cơ quan, đơn vị tổ chức khảo sát vùng sản xuất cà phê tại Lâm Đồng.

Tại cuộc tọa đàm, TS Nguyễn Viết Khoa từ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho hay, Quy định chống phá rừng châu Âu - EUDR áp dụng cho các sản phẩm nông nghiệp bao gồm gia súc, cà phê, dầu cọ, cao su, đậu nành, gỗ và một số sản phẩm có nguồn gốc từ đó như sôcôla, đồ nội thất, lốp xe, sản phẩm in. Danh sách sản phẩm này được cập nhật thường xuyên và thẩm định bắt buộc đối với tất cả các nhà vận hành nhập khẩu hoặc xuất khẩu. 

“Điều kiện sản phẩm được xuất nhập khẩu qua EU là không được sản xuất do phá rừng, sản phẩm phải hợp pháp theo luật của quốc gia sản xuất và phải có báo cáo thẩm định”, ông Nguyễn Viết Khoa nói và cho biết thêm, ngành hàng cà phê nước ta hiện nay có 3 mức độ gồm cà phê chứng nhận hữu cơ, cà phê mức độ an toàn đáp ứng xuất nhập khẩu và cà phê mức độ thấp (không chứng nhận). Trong đó cà phê mức độ thấp chiếm đến 60 - 70%.

Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho rằng, quy định EUDR là 'thẻ vàng' EU trên đất liền, cần tuân thủ các quy tắc để đảm bảo. Ảnh: Minh Hậu.

Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho rằng, quy định EUDR là “thẻ vàng” EU trên đất liền, cần tuân thủ các quy tắc để đảm bảo. Ảnh: Minh Hậu.

Về vấn đề chống phá rừng theo EUDR, ông Nguyễn Viết Khoa cho rằng, hiện nay, lĩnh vực rừng của Việt Nam bao gồm rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất. “Do vậy cần xác định, định nghĩa việc “không gây mất rừng” ở nước ta là gì? Hiện nay, cà phê một số địa phương được trồng trong khu vực rừng phòng hộ là rừng trồng (chủ rừng được chia sẻ lợi ích) việc này có nằm trong phạm vi quy định của EUDR hay không?”, ông Nguyễn Viết Khoa nêu vấn đề. 

Ông Nguyễn Hữu Thiện, Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm cho hay, đến cuối 2022 Việt Nam có gần 14,7 triệu ha rừng và rừng tự nhiên. Từ năm 2020 đến nay, diện tích rừng trồng có chiều hướng gia tăng và diện tích rừng tự nhiên giảm. Nguyên nhân dẫn đến xâm lấn rừng sản xuất nông nghiệp được xác định, rừng phân bố trên phạm vi rộng, tập trung nhiều ở các vùng có điều kiện tự nhiên cũng như kinh tế - xã hội khó khăn. Sức ép với rừng ngày càng tăng, vùng miền núi thiếu đất sản xuất nông nghiệp và nơi có dân di cư tự do. Rừng tự nhiên có lượng tăng trưởng thấp, tính cạnh tranh của cây lâm nghiệp thấp so với nhiều loại cây trồng khác. Ngoài ra, nguyên nhân chủ quan là nhận thức về vị trí, vai trò quan trọng của rừng và công tác quản lý bảo vệ rừng ở nhiều nơi tuy có chuyển biến nhưng chưa đầy đủ và toàn diện; chưa đánh giá đúng giá trị của rừng đem lại cho xã hội, chưa thấy hết mối quan hệ sâu sắc qua lại giữa lâm nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội và những yêu cầu mới đặt ra đối với ngành lâm nghiệp trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Nâng cao nhận thức, năng lực cho người sản xuất cà phê

Tại cuộc tọa đàm, các đại biểu, đại diện các cơ quan, đơn vị đều cho rằng, EUDR là vấn đề vừa mang đến thách thức cho ngành hàng cà phê của Việt Nam và cũng là cơ hội để ngành hàng cà phê có sự tổ chức, thay đổi, phát triển theo hướng nâng cao giá trị, bền vững. Đặc biệt, để việc sản xuất được đảm bảo trước các quy định của EUDR, các đại biểu, đại diện đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp cho rằng cần tập trung vào nâng cao nhận thức về EUDR và tiến tới xây dựng vùng sản xuất phù hợp.

Tại cuộc tọa đàm, các đại biểu, đại diện các cơ quan, đơn vị đều cho rằng, EUDR là vấn đề mang đến thách thức và cơ hội cho ngành hàng cà phê của Việt Nam. Ảnh: Minh Hậu.

Tại cuộc tọa đàm, các đại biểu, đại diện các cơ quan, đơn vị đều cho rằng, EUDR là vấn đề mang đến thách thức và cơ hội cho ngành hàng cà phê của Việt Nam. Ảnh: Minh Hậu.

Ông Phạm Quang Trung, Trưởng đại diện Dự án cà phê toàn cầu GCP cho rằng, EUDR không phải là vấn đề gây khó khăn cho ngành hàng cà phê Việt Nam mà là sự xây dựng, đóng góp cho toàn cầu, đặc biệt là cho thế hệ mai sau. “Đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội lớn để chúng ta chung tay bảo vệ rừng, phát triển bền vững. Hiện nay, chúng tôi đang phối hợp với các đơn vị nhằm triển khai, xây dựng các kế hoạch tổng thể cho ngành cà phê”, ông Phạm Quang Trung nói.

Trong khi đó, bà Hoàng Thị Thu Hương, cán bộ dự án cao cấp Tổ chức GIZ cho hay, hiện nay nông dân sản xuất cà phê đang đối diện nhiều vấn đề như tăng năng suất, biến đổi khí hậu và các quy định đến từ thị trường. Đối với quy định EUDR, bà Hương cho rằng EU xây dựng dữ liệu truy xuất nguồn gốc và có thể truy xuất trên hệ thống, nhà sản xuất phải đảm bảo tính minh bạch. “Từ năm 2019, chúng tôi được ủy quyền xây dựng chuỗi sản xuất hàng hóa toàn cầu và trong năm 2023 này, Việt Nam được chọn để thực hiện. Trong đó, GIZ tập trung nhiều cho mảng cà phê và dự kiến tháng 9 này chúng tôi sẽ khảo sát, thiết kế dự án tại vùng Tây Bắc và Tây Nguyên. Tiếp đến là GIZ thực hiện hỗ trợ nâng cao năng lực của các bên liên quan và tổ chức phân vùng cà phê có rủi ro cao để có sự phát triển phù hợp”.

EU là thị trường lớn đối với ngành hàng cà phê của Việt Nam. Ảnh: Minh Hậu.

EU là thị trường lớn đối với ngành hàng cà phê của Việt Nam. Ảnh: Minh Hậu.

Về giải pháp phát triển trước quy định EUDR, ông Nguyễn Viết Khoa, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho rằng, trước mắt cần nêu cao vai trò khuyến nông cộng đồng. Trong đó bao gồm việc tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức sản xuất cho người trồng cà phê và cập nhật các tài liệu, đào tạo về sản xuất cà phê bền vững. Đồng thời tăng cường hợp tác công tư trong phát triển cà phê, khuyến nông cộng đồng với sản xuất cà phê chứng nhận, cà phê có xuất xứ nguồn gốc.

Phát biểu tại tọa đàm, ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia chia sẻ, cuộc làm việc đã giúp các bên nắm bắt thông tin về EUDR cũng như phân tích những khó khăn, tồn tại cần giải quyết. Ông Lê Quốc Thanh nói: “Sau tọa đàm này, chúng tôi sẽ có những hành động cụ thể, truyền tải những tồn tại mà người dân, doanh nghiệp đang gặp phải đến các cơ quan có trách nhiệm để có phương án xử lý. Đồng thời, chúng tôi sẽ có trách nhiệm trong việc triển khai, cụ thể hóa những nội dung, quy định EUDR nhằm giúp người sản xuất nắm bắt và thực hiện. Cùng với đó là tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn để tăng cường năng lực cho người sản xuất cà phê”.

Theo Tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững IDH, có khoảng 420 triệu ha rừng trên toàn cầu  (lớn hơn diện tích EU) đã biến mất trong giai đoạn 1990 - 2020. Một tỷ lệ đáng kể trong số đó là hợp pháp. Phá rừng và suy thoái rừng là hai nguyên nhân chính dẫn đến biến đổi khí hậu (phát thải khoảng 11% tổng lượng khí nhà kính) và mất đa dạng sinh học. 90% hoạt động phá rừng được cho là do mở rộng diện tích nông nghiệp và liên quan đến một số hàng hóa nhất định.

Theo IDH, EU là nhà tiêu thụ chính các mặt hàng liên quan đến phá rừng và suy thoái rừng. Hoạt động nhập khẩu hàng hóa và các loại mặt hàng chiếm 85 triệu Euro mỗi năm. Đối với Việt Nam, khoảng 2,3 tỷ Euro từ các sản phẩm xuất khẩu sang châu Âu chủ yếu rơi vào các mặt hàng cà phê (chiếm 47,5%), gỗ (chiếm 35,2%) và cao su (chiếm 17,1%).

Bình luận