Diêm dân 'treo' ruộng muối vì thiếu nước mặn

Bình luận · 253 Lượt xem

PHÚ YÊN Đã vào mùa làm muối nhưng diêm dân ở vùng muối thị xã Sông Cầu (Phú Yên) vẫn chưa thể sản xuất do mưa, lạnh kéo dài, ruộng vẫn chứa đầy nước ngọt.

Thị xã Sông Cầu (Phú Yên) có 3 vùng sản xuất muối là Lệ Uyên, Trung Trinh (xã Xuân Phương) và Tuyết Diêm (xã Xuân Bình). Nghề làm muối thủ công phụ thuộc vào thời tiết, trông nắng sợ mưa, thế nhưng năm nay đã tháng 3 mà mưa chưa ngớt. Diêm dân cho rằng, thời tiết năm nay khác lạ, qua nửa tháng 3 mà trời còn mưa lạnh, ruộng muối thiếu nước mặn. Không phải một người mà cả xóm làm muối, ai cũng than ông trời năm nay không cho ăn muối.

Ruộng chờ nước mặn

Theo Quốc lộ 1A, từ trung tâm Thị xã Sông Cầu đi về hướng Bắc đến đầu cầu Lệ Uyên, nhìn sang phía trái, có tấm bảng muối Tuyết Diêm (HTX muối Tuyết Diêm có 3 vùng sản xuất muối gồm Lệ Uyên, Trung Trinh và Tuyết Diêm), phía dưới tấm bảng người ta dễ dàng nhận thấy những đám ruộng rong nhớt, rong giẻ bám đầy.

Mưa kéo dài, vùng sản xuất muối Lệ Uyên vẫn còn chứa nước ngọt. Ảnh: Mạnh Hoài Nam

Mưa kéo dài nên dù đã vào mùa, vùng sản xuất muối Lệ Uyên vẫn còn chứa đầy nước ngọt. Ảnh: Mạnh Hoài Nam.

Gần trưa, ông Bùi Văn Dũng, một diêm dân ở Lệ Uyên ra thăm ruộng trước nhà, nhìn đám rong giẻ than vãn: Mấy năm trước đến tháng này lấy nước mặn vào ruộng nuôi mặn rồi kết tinh muối, nhưng năm nay ruộng muối còn mọc rong. Lý do là vì năm nay từ tháng giêng đến tháng hai âm lịch ruộng muối đựng nước mưa nên rong giẻ, rong nhớt mọc dày.

Cũng theo ông Dũng, khi trong ruộng sạch nước ngọt thì diêm dân mới “dựng” bờ, đầm da ruộng muối để chứa nước mặn. Đối với công việc dựng bờ, khi mùa mưa lũ đi qua bờ ruộng sệ xuống, bước vào vụ muối mới diêm dân phải dựng bờ ruộng. Người làm muối phải ra sức đắp bờ rồi be đất hai bên cho no ra, sau đó ngồi lết trên bờ dùng cây gỗ dẹt thẳng tay đập ép hai bên bờ cho chặt. Ép đi ép lại 3 ngày liền, đến khi bờ ruộng cứng như đổ xi măng gọi là “dựng” bờ.

Để đầm da ruộng muối, hàng năm vào vụ muối mới, diêm dân cuốc xới ruộng rồi dùng chồ dồ (một khúc gỗ dẹt tra cán vào) bắt lớp đầm mạnh tay cho dẽ đất. Để đầm bằng phẳng mặt ruộng, người làm muối phải nhấc chồ dồ đầm hàng ngàn lần, khi đầm phải đi lùi để đầm phả lấp dấu chân.

Khi đầm phải mang "dép trên", tức là dùng miếng xốp to luồn quai bằng vải ôm sát bàn chân để khi lội ruộng tăng tiết diện tiếp xúc với bề mặt ruộng để không bị lún. Nghề này ai cũng phải mang “dép trên”, nếu không mang thì bàn chân nhỏ lún sâu, để đầm phả lấp dấu chân lún sâu bằng phẳng phải đầm đi đầm lại rất lâu. Còn mang “dép trên”, ruộng không bị lún nên chỉ cần đầm lướt qua.

Bà Nguyễn Thị Hiền nhìn ra cánh đồng muối Trung Trinh vắng bóng người tâm sự: "Tôi làm nghề đầm da ruộng muối mướn, mấy hôm nay chuẩn bị “dép trên”, lội ruộng nhưng chưa có ai mướn vì mưa nhiều, nước ngọt còn ngập bờ ruộng".

“Dép trên”, dùng miếng xốp to luồn quai bằng vải ôm sát bàn chân. Ảnh: Mạnh Hoài Nam

“Dép trên” dùng miếng xốp to luồn quai bằng vải ôm sát bàn chân khi đầm da ruộng muối. Ảnh: Mạnh Hoài Nam

Bà Hiền kể, trong nghề đầm da ruộng muối, khi đầm lần đầu bước vô ruộng lún đến mắt cá, đầm đến lần thứ 10 thì bước vào ruộng không in dấu chân. Làm kỹ vậy để khi muối sắc nước, hạt muối chắc và trắng tinh, không bị lấm bùn.

“Trong các công đoạn làm muối thì đầm da là khâu công phu nhất, vì phải đầm mặt ruộng bằng phẳng như tờ giấy để thời điểm ruộng “đội muối” (kết tủa) muối trải đều cả mặt ruộng. Nếu đầm không bằng phẳng thì chỗ này “đội muối”, chỗ kia vẫn còn nước, sẽ phá hư cả đám ruộng”, bà Hiền nói rồi nhìn trời cầu mong cho nắng ráo, nước mặn tràn vào, bà đi đầm da ruộng muối kiếm thu nhập trang trải cuộc sống gia đình.

Nước biển nhạt, sản lượng giảm

Vùng muối Lệ Uyên, Trung Trinh lấy nước từ vịnh Xuân Đài, còn khu vực Tuyết Diêm thì lấy nước từ đầm Cù Mông. Thế nhưng hiện nay ở vùng này nhiều người nuôi tôm hùm, ốc hương…, nước sinh hoạt đổ ra vịnh, đầm nên nước bị giảm độ mặn, kéo theo ruộng muối giảm sản lượng.

Ông Phan Văn Tùng, một người chuyên làm muối ở Tuyết Diêm cho biết: Trước đây, 3 nắng thì khô lứa muối, mấy năm gần đây do nước biển nhạt (giảm độ mặn) nên 5 nắng mới khô. Một đám muối (rộng gần 1 sào) trước đây thu hoạch 5 gánh, nay chỉ còn lại 3 gánh (tương đương 3 bao muối).

Mưa kéo dài, nhiều ruộng sản xuất muối Tuyết Diêm vẫn chưa làm muối được. Ảnh: Mạnh Hoài Nam

Thời gian qua, giá muối tăng cao, diêm dân nóng lòng sản xuất nhưng ruộng lại chưa có nước mặn. Ảnh: Mạnh Hoài Nam.

“Nghề này nắng ưa nhưng mưa không chịu, mà nắng phải là nắng lửa, nghĩa là nắng trong trời, nước biển mau sắc lại thành muối. Theo kinh nghiệm của nhiều diêm dân, cùng sức gió, nắng mạnh, nhưng gần đây lứa muối cào đạt sản lượng thấp”, ông Tùng phân trần.

Bà Bùi Thị Hồng, một người làm muối thôn Tuyết Diêm than thở: "Những năm gần đây do độ mặn thấp nên lượng muối kết tinh trên ruộng chỉ bằng nửa trước đây. Thời tiết năm nay khác lạ, qua nửa tháng 3 mà trời còn mưa lạnh, ruộng muối thiếu nước mặn. Không phải tôi mà cả xóm làm muối, ai cũng than, ông trời năm nay không cho ăn muối". 

Theo Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên, vùng làm muối thị xã Sông Cầu có 183,8ha, trong đó có 13,5ha sản xuất muối sạch áp dụng phương pháp trải bạt. Tổng số hộ tham gia sản xuất muối là 570 hộ. Sản lượng muối hằng năm trung bình đạt 150 tấn.

Ông Nguyễn Đức Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Phú Yên cho biết: Địa phương đang đề nghị Trung ương hỗ trợ kinh phí, nâng cấp cơ sở hạ tầng, kiên cố hóa hệ thống thủy lợi phục vụ công việc rút nước ngọt, dẫn mặn vào cánh đồng muối.

Qua khảo sát, hiện nay, hệ thống thủy lợi, giao thông, công trình đê bao xuống cấp, đến mùa mưa lũ bị sạt lở bồi lấp ruộng muối. Hệ thống giao thông nội vùng hẹp, toàn bộ bằng đường đất rất khó khăn trong khâu vận chuyển muối. Sở NN-PTNT đang xây dựng đề án tập trung quy hoạch diện tích các cánh đồng sản xuất muối lớn, đầu tư cải tạo hạ tầng khôi phục sản xuất, nhằm nâng cao giá trị sản xuất và chế biến muối.

Bình luận