HTX Nông Lâm nghiệp Quyết Tiến chú trọng phát triển sản vật địa phương

Bình luận · 211 Lượt xem

Không chỉ đồng hành cùng người dân xây dựng chuỗi liên kết sản xuất lúa, HTX Nông Lâm nghiệp Quyết Tiến còn đẩy mạnh phát triển, nâng tầm các sản vật địa phương.

 

Trang trại rau hữu cơ nằm giữa rừng thông, quanh năm mát mẻ

Nông trại hữu cơ dưới chân núi lửa Nâm Kar

 

Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất lúa

HTX Nông lâm nghiệp Quyết Tiến (xã Ayun, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) được thành lập từ năm 1998 với lĩnh vực hoạt động đa ngành nghề như: khai thác khoáng sản, xây dựng, mua bán vật liệu xây dựng, chế biến nông - lâm sản… Đến năm 2016, sau khi tiến hành đại hội chuyển đổi hoạt động theo luật HTX năm 2012, HTX Quyết Tiến đã tập trung chính vào lĩnh vực nông nghiệp.

 

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc HTX Nông Lâm nghiệp Quyết Tiến cho biết, trên địa bàn xã A Yun nói riêng và huyện Mang Yang nói chung, 90% phát triển kinh tế tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp. Chính vì vậy, HTX muốn đồng hành cùng người dân phát triển, quảng bá các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của đia phương.

 

Thời gian qua, HTX tham gia xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất lúa, bắp sinh khối. Cụ thể, HTX đã liên kết với Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Mang Yang xây dựng chuỗi liên kết trồng thử nghiệm 7,7ha giống lúa mới Đài Thơm 8. Tại đây, hàng chục hộ dân trong vùng tham gia chuỗi liên kết được hỗ trợ giống, phân bón theo hình thức đối ứng.

 

Ông Trun (làng Plei Bông, xã Ayun) cho biết, gia đình tôi có 3 sào tham gia trong chuỗi liên kết trồng lúa Đài Thơm 8 của HTX Quyết Tiến. Theo đó, HTX cung cấp toàn bộ giống, 1 phần phân bón, đồng thời hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc ruộng lúa.

 

“Việc trồng thử nghiệm giống lúa Đài Thơm 8 cho năng suất, chất lượng vượt trội so với các giống lúa khác trước đây. Hiện với 3 sào, gia đình thu hoạch trên 2 tấn, giá bán trên 6.000 đồng/kg tươi, lợi nhuận thu về ngoài sự mong đợi”, ông Trun chia sẻ.

 

Ông Hùng cho biết, trong thời gian tới, HTX tiếp tục mở rộng dự án chuỗi liên kết sản xuất lúa cho nhiều hộ dân khác trên địa bàn xã A Yun với diện tích khoảng khoảng 22ha.

 

“Mục tiêu của HTX sẽ liên kết, phủ rộng giống lúa mới cho năng suất, chất lượng, qua đó giúp người dân nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống”, ông Hùng chia sẻ.

 

Đẩy mạnh phát triển các sản vật địa phương

Ngoài việc xây dựng chuỗi liên kết sản xuất lúa, HTX Quyết Tiến đang phát triển rất mạnh các sản phẩm OCOP. Hiện HTX đang dẫn đầu về số lượng sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện Mang Yang với 8 sản phẩm.

 

Khi được hỏi về ý tưởng phát triển các sản phẩm OCOP, bà Phạm Thị Từ Vân, Phó Giám đốc HTX Nông Lâm nghiệp Quyết Tiến cho biết, sau khi huyện Mang Yang triển khai Chương trình các sản phẩm OCOP, HTX đã quyết định lựa chọn các sản phẩm lợi thế của địa phương để đầu tư chế biến thành sản phẩm đặc trưng.

 

Đầu tiên, HTX lựa chọn cây măng le để phát triển thành sản phẩm OCOP. Theo lý giải, cây măng le tại địa phương rất dồi dào, được đồng bào Bahnar khai thác vào mùa mưa. Để có nguồn nguyên liệu chế biến ổn định, HTX đã đẩy mạnh liên kết với người dân tại 3 làng: Plei Bông, Đê Kjiêng (xã Ayun) và Bông Bim (xã Đăk Jơ Ta) tổ chức thu mua đem về luộc, bóc tách, ép, sấy khô…

 

“Sau những nỗ lực không ngừng, năm 2019, sản phẩm măng le sấy khô của HTX được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Đây là tiền đề quan trọng để HTX tiếp tục đầu tư chế biến, nâng cao chất lượng, mở rộng phát triển các sản phẩm OCOP trong thời tiếp theo”, bà Vân chia sẻ.

 

Năm 2020, HTX tiếp tục có 3 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh gồm: Tinh dầu màng tang nguyên chất, tinh dầu màng tang xịt phòng, muối sả. Năm 2021, HTX có thêm 2 sản phẩm OCOP là cao đinh lăng toàn tính, cao đinh lăng thân lá. Năm 2022, HTX có thêm 2 sản phẩm OCOP là chuối hột rừng sấy khô KaSa và tinh dầu thiên nhiên hương mộc KaSa.

 

Bà Vân cho biết, năm nay HTX tiếp tục xây dựng thêm 2 sản phẩm OCOP là phở khô KaSa và tinh bột gừng KaSa. Hiện 2 sản phẩm đang trong giai đoạn hoàn thiện các bước cuối cùng để cấp chứng nhận OCOP.

 

“Chú trọng xây dựng các sản phẩm OCOP, chúng tôi mong muốn được quảng bá các sản phẩm đặc trưng của địa phương đến khắp các vùng miền. Để từ đó, mọi người thấy được giá trị, nét văn hóa của địa phương gửi gắm qua từng sản phẩm”, bà Vân bộc bạch.

 

Cũng theo bà Vân, hiện các sản phẩm OCOP của HTX đã được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh đón nhận. Trong thời gian tới, HTX đẩy mạnh quảng bá các sản phẩm OCOP thông qua các chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ để tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường.

 

Bên cạnh lĩnh vực chủ lực, HTX Quyết Tiến tiếp tục phát triển các ngành nghề xây dựng dân dụng, khai thác khoáng sản, mua bán vật liệu xây dựng, nhằm hỗ trợ tạo việc làm cho người dân địa phương. Hiện HTX đang thực hiện thi công xây dựng 20 căn nhà cho các hộ gia đình nghèo trên địa bàn xã Ayun và Đăk Jơ Ta.

Bình luận